Câu chuyện sau một phiên tòa

|

Trong các ngày 9, 10 và 14-5-2018, Toà án Nhân dân (TAND) TP Hòa Bình đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự số 23/2018/HSST (được thụ lý từ ngày 9-3-2017) với tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với sáu bị can. Sau khi bản án được tuyên, hầu hết những người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đều làm đơn kháng cáo vì cho rằng, nội dung bản án thiếu công bằng, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Từ chuyện những chiếc xe bỗng dưng bị thu giữ…

Khoảng đầu năm 2017, khi đang sử dụng chiếc ô-tô Camry biển kiểm soát (BKS) 29A - 719.96 thầy giáo Đồng Xuân Hưng, giáo viên Trường THCS Ngô Quyền (Đông Anh, Hà Nội), bỗng được Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) tỉnh Hòa Bình gửi giấy triệu tập lên làm việc với lý do chiếc xe trên là tang vật một vụ án.

Làm việc với CA tỉnh Hòa Bình, thầy Đồng Xuân Hưng có đưa ra những chứng cứ hoàn toàn hợp pháp về chiếc xe ô-tô của mình (kể cả giấy tờ chứng minh đã thế chấp chiếc xe ô-tô BKS 29A - 719.96 với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Tràng An; chứng nhận đã mua bảo hiểm ô-tô tại Công ty CP Bảo hiểm nông nghiệp, chi nhánh Hà Nội…), nhưng chiếc Camry trên vẫn bị thu hồi coi như một tài sản bất hợp pháp.

Trong biên bản làm việc với CA tỉnh Hòa Bình, thầy Đồng Xuân Hưng đã đưa ra quan điểm, do tài sản không còn thuộc về cá nhân mà đang thuộc về ngân hàng giữ thế chấp, nên khi thu giữ phải có mặt đầy đủ các bên liên quan, nhưng cơ quan CSĐT vẫn thực hiện quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Hòa Bình, tiến hành tạm giữ phương tiện đang sử dụng hợp pháp trên, mà đến nay đã hơn một năm vẫn không có phương án giải quyết.

Cùng hoàn cảnh với thầy Đồng Xuân Hưng, ông Trần Xuân Oánh (sinh năm (SN) 1958) ở Cẩm Phả (Quảng Ninh), sau một thời gian tích góp đã cùng con rể tới một showroom ô-tô có uy tín mua chiếc xe Lexus BKS Hòa Bình. Chiếc xe này sau đó được đổi chủ, sang tên hợp pháp cho ông Oánh, mang BKS tỉnh Quảng Ninh 14A - 035.67, nhưng sau vài năm sử dụng bỗng nhiên cũng bị cơ quan CSĐT CA tỉnh Hòa Bình tới tịch thu, coi là xe tang vật của vụ án buôn lậu, làm giả giấy tờ khiến cả gia đình ông ngỡ ngàng!

Liên quan vụ 18 chiếc xe ô-tô nhập lậu, được làm giả giấy tờ, biến thành xe hợp pháp đưa ra lưu thông (có sự tiếp tay của Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh Hòa Bình) còn nhiều nạn nhân khác như: Anh Nguyễn Tương Viện (SN 1964, ở Hòa Bình); bà Phan Thị Cẩm Thuý (SN 1969, Hòa Bình); anh Trần Đình Mạnh (SN 1964, Hòa Bình)… cũng đang phải “ngậm đắng nuốt cay” khi tài sản hợp pháp của mình bỗng nhiên bị thu giữ.

Điều đáng nói, tất cả những chiếc xe ô-tô bị thu giữ đều có giấy đăng ký hợp lệ, một số chiếc còn được mua tại các showroom ô-tô có uy tín. Tính hợp lệ còn được thể hiện rõ bằng việc một số chủ xe đã sang tên, đổi chủ và chuyển đổi BKS từ đơn vị hành chính tỉnh này sang tỉnh khác (có xe đã được bán qua hai - ba chủ). Thậm chí, các chủ xe còn mua bảo hiểm cho xe, hay dùng giấy tờ xe đem thế chấp hợp pháp ở các ngân hàng, và được bên bảo hiểm và ngân hàng chấp nhận vì có đủ giấy tờ xe hợp lệ.

… Tới đường dây làm giả giấy tờ

Trong các ngày 9, 10 và 14-5-2018 TAND TP Hòa Bình đã xét xử công khai vụ án hình sự số 23/2018/HSST, với tội danh “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với sáu bị can. Vụ án được tóm tắt như sau:

Từ năm 2010 bị cáo Trần Đức Dũng (SN 1965 ở TP Hòa Bình, nguyên CA tỉnh Hòa Bình) đã lợi dụng việc đang công tác tại Phòng CSGT - CA tỉnh Hòa Bình đã câu kết với các đối tượng Nguyễn Ngọc Thịnh (SN 1965, ở Bắc Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Văn Dũng (SN 1974, ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình), Phạm Hồng Thanh (SN 1976, ở phường Phương Lâm, TP Hòa Bình), Trần Tiến Dũng (SN 1983, ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) và Nguyễn Việt Hà (SN 1978, ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) trong một thời gian dài đã làm giả hàng loạt hồ sơ xe ô-tô nhập lậu, sau đó hợp thức hóa bằng việc đăng ký BKS thật để bán lại cho các show room xe ô-tô, cũng như một số người dùng.

Đơn cử, khoảng cuối năm 2010, Nguyễn Ngọc Thịnh đưa Nguyễn Văn Dũng một bộ hồ sơ photo thể hiện xe ô-tô có nguồn gốc bị tịch thu bán đấu giá của một tỉnh phía nam để tìm mai mối với người có khả năng đăng ký được loại xe ô-tô trên ở tỉnh Hòa Bình. Biết là hồ sơ giả, nhưng khi Nguyễn Văn Dũng giao dịch và hứa bồi dưỡng Trần Đức Dũng (lúc đó với tư cách là Phó Đội trưởng Đội đăng ký xe, Phòng CSGT, CA tỉnh Hòa Bình) đã hướng dẫn Nguyễn Văn Thịnh đi thu gom giấy CMND của Trần Tiến Dũng và Nguyễn Trung Kiên (cùng trú tại tổ 9, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) đưa cho Nguyễn Bá Thái (SN 1954, ở TP Bắc Giang) làm giả các hồ sơ đấu giá.

Đầu tháng 1-2011, Thịnh đưa Nguyễn Văn Dũng một bộ hồ sơ đấu giá giả, thể hiện ngày 28-12-2010 Trần Tiến Dũng đã trúng đấu giá xe ô-tô nhãn hiệu Toyota Lexus 470 với giá 295 triệu đồng, chiếc xe được xử lý bán đấu giá theo quyết định xử phạt hành chính số 2094/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước. Cùng với bộ hồ sơ này là số tiền 50 triệu đồng để Trần Đức Dũng nộp thuế trước bạ, đăng ký xe. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Trần Đức Dũng đã đưa 29,5 triệu đồng cho Phạm Hồng Thanh để nộp tiền vào kho bạc. Sau khi thủ tục hoàn tất, chiếc Lexus 470 mang tên của Trần Tiến Dũng với BKS 28H -7928.

Với thủ đoạn tương tự, từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2012, các đối tượng trên đã mượn CMND của nhiều người thuộc địa bàn tỉnh Hòa Bình để làm giả 18 bộ hồ sơ đấu giá ô-tô. Những xe ô-tô này đều mang BKS tỉnh Hòa Bình, sau đó được đưa và các show room ô-tô bán ra thị trường với mức giá không hề rẻ. Nhiều “khổ chủ” tin tưởng vào tính hợp lệ của hồ sơ xe có thể sang tên đổi chủ và chuyển đổi BKS theo địa phương mình sinh sống nên đã vô tình vướng phải đường dây làm giả giấy tờ vô cùng tinh vi trên.

Một phiên tòa gây nhiều tranh cãi

Mặc dù trong bản án nêu trên của TAND TP Hòa Bình có đóng dấu treo là “Án chưa có hiệu lực” (!?), nhưng tại phiên tòa, thẩm phán Nghiêm Hoài Anh đã tuyên, sáu bị cáo trên phạm tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tuyên phạt nguyên CSGT Trần Đức Dũng 36 tháng tù giam, tịch thu của Trần Đức Dũng 421.500.000 đồng sung công quỹ Nhà nước. Các bị cáo khác cũng bị tuyên án từ 12 đến 24 tháng tù giam...

Đối với 17/18 chiếc xe ô-tô (trong đó có các xe ô-tô của số chủ sở hữu nêu trên) TAND thành phố Hòa Bình xác định đây là các xe có nguồn gốc do nước ngoài sản xuất, không có trong dữ liệu đăng ký hải quan và dữ liệu đăng kiểm tại Việt Nam. Toàn bộ số xe này do đối tượng Nguyễn Bá Thái (đã chết) cung cấp. Quá trình điều tra, thực tế đã thu giữ được 14 ô-tô và một chiếc được giao lại cho người mua quản lý. 15 xe này được TAND thành phố Hòa Bình xác định phải tách ra để chuyển cơ quan CSĐT xác minh về hành vi buôn lậu. Quyền lợi của những người có quyền lợi liên quan trong vụ án và những người liên quan việc mua bán, trao đổi, nhận thế chấp tài sản sẽ được cơ quan điều tra giải quyết theo quy định của pháp luật... (!?).

Tuy nhiên, ngay sau khi án được tuyên hầu hết các nạn nhân của vụ án đều “kêu trời” về “phán quyết” của TAND TP Hòa Bình.

Trao đổi ý kiến với phóng viên, cũng như trong nội dung đơn kháng cáo đối với bản án số 23/2018/HSST, bà Phan Thị Cẩm Thúy cho rằng, bản án chưa làm rõ nội dung liên quan nguồn gốc xe mà các bị cáo đã làm giả giấy tờ, hồ sơ, và có những dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cần làm rõ những ai trong cơ quan Nhà nước “bắt tay với bọn buôn lậu”, chứ không phải chỉ có một cán bộ CSGT có thể làm giả giấy tờ cho 18 chiếc ô-tô để trục lợi! Qua lời khai tại tòa, rõ ràng các bị cáo đều biết về việc làm giả hồ sơ xe, biết mình vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình dùng hồ sơ giả để đi đăng ký xe, mà cuối cùng vẫn đăng ký được hợp pháp (!?). Quá trình đó cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình!

Anh Trần Đình Mạnh (Quảng Ninh) thì cho rằng, việc ngay từ đầu các bị cáo đều biết rõ về hành vi vi phạm pháp luật của mình, nhưng vẫn cố tình hợp thức hóa hồ sơ xe để bán cho người khác là đã cấu thành tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, cũng như xét xử thì các điều tra viên, kiểm sát viên và Hội đồng xét xử đã bỏ qua, không xem xét đến hành vi nghiêm trọng này...

Liên quan việc xử lý xe tang vật, Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư AIC (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng: Cần xem xét sự việc sao cho phù hợp quy định của pháp luật và hạn chế được rủi ro cho các bị hại. Trường hợp này các xe ô-tô nhập lậu là bất hợp pháp, nhưng những người sử dụng chúng lại mua hợp pháp, xe đã được cấp phép lưu hành và khi đăng ký, sang tên cơ quan CA cũng không phát hiện ra xe có hồ sơ giả. Hội đồng xét xử có thể tuyên giao cho các chủ ô-tô đã được đăng ký, cấp biển số theo đúng thủ tục, hạn chế rủi ro cho các bị hại. Đối với những chiếc xe chưa được đăng ký thì sẽ bị tịch thu, và làm thủ tục thanh lý để nộp ngân sách nhà nước.