Lý giải về việc nhiều trường điểm chuẩn quá cao, ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng thực chất, nếu nhìn trong tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh thì chỉ có vài ngành có điểm chuẩn cao (chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược. Các ngành thuộc khối trường quân đội, công an tuyển đúng 100% chỉ tiêu theo kế hoạch. Chỉ tiêu ngành y đa khoa của các trường hầu như không thay đổi trong nhiều năm và các ngành này lâu nay vẫn tuyển sinh với mức điểm chuẩn cao. Những năm trước, do TS bị giới hạn số NV nên nhiều em điểm cao không tự tin nộp vào các ngành này. Năm nay, TS không giới hạn số NV nên hầu như những em có kết quả cao đều đăng ký, trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an lại giảm nên dẫn đến tăng điểm chuẩn. Do đó, một số ít TS có điểm thi cao không trúng tuyển NV I.
“Nếu thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn các em đã trúng tuyển các NV khác. Nếu thích Y đa khoa, các em có thể đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội nhưng vẫn nên tìm hiểu và có thể chọn các Trường ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Thái Nguyên, ĐH Y tế công cộng, ĐH Điều dưỡng… để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên phù hợp. Tất cả các trường này đều lấy thấp hơn mức 29,25 nên chắc chắn sẽ đỗ vào ngành yêu thích. Nếu chọn Trường ĐH Y Hà Nội là nguyện vọng duy nhất hay cuối cùng thì rõ ràng tỷ lệ rủi ro rất cao. Ngoài một số rất ít ngành điểm chuẩn cao, còn hầu hết các ngành còn lại (đến gần 99% tổng số ngành tuyển sinh), việc tăng - giảm điểm chuẩn bình thường như mọi năm”, ông Ga khẳng định.
Một số ý kiến cho rằng chính cách ra đề thi năm nay đã khiến số TS đạt điểm 9 -10 nhiều, dẫn đến ở một số trường có thí sinh đạt đến 29 điểm vẫn trượt. Ông Ga cho biết số lượng TS được điểm 9 -10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số TS dự thi vì đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng TS có điểm cao này lại ưu tiên đăng ký vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Vì vậy, có hiện tượng một số TS điểm cao vẫn không trúng tuyển NV I. “Trước đây, khi thi tự luận, mỗi môn chỉ có một đề thi thì đề chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ số ít TS chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế, nhiều TS có thể làm được, kéo theo số TS điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận”, ông Ga phân tích.
Phản hồi trước những ý rằng việc làm tròn điểm tổng ba môn thi là bất hợp lý, khiến nhiều thí sinh từ đỗ thành trượt, Thứ trưởng GD&ĐT lý giải quy chế quy định làm tròn 0,25 tổng điểm ba môn thi là để tính điểm xét tuyển. “Trong trường hợp cuối danh sách còn nhiều TS bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng ba môn thi. Mức chênh lệch quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ TS”.
Nhận xét về quy chế ưu tiên đang khiến thí sinh tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thiệt thòi vì nếu không được tuyển thẳng thì sẽ rất khó để trúng tuyển vào những ngành như y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội hay Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ông Ga cho hay quan niệm bất công hay công bằng cần được đánh giá tổng thể. Công bằng phải xét trên điều kiện thực hiện quy định và hướng tới kết quả bình đẳng thực chất. Nếu áp dụng nguyên tắc xét tuyển như nhau cho các thí sinh có điều kiện khác nhau thì đó không phải là biểu hiện của sự công bằng. “Khi còn có sự chênh lệch về điều kiện học tập giữa các thành phố, vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi và giữa các đối tượng thì chính sách ưu tiên còn cần thiết để bảo đảm công bằng xã hội, xét trên diện rộng”.