Nuốt nước mắt ngóng ngày con về
Theo chân đoàn cán bộ huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đi vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định, chúng tôi ghé thăm nhà bà Ngô Thị Đại ở xóm Dĩnh Xuyên, Tân Dĩnh (Lạng Giang). Con trai bà Đại là anh Nguyễn Quang Cường (32 tuổi) đi XKLĐ tại Hàn Quốc, đã hết hạn gần hai năm nhưng vẫn chưa về nước.
Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ của vợ chồng ông bà và cậu con trai bốn tuổi của anh Cường, nay trở nên cô quạnh. Người vợ trẻ buồn lòng cũng đi làm ăn xa, một tháng mới về nhà thăm con một lần.
“Thi thoảng cháu nó có gọi về, hỏi thăm bố mẹ với con trai vài câu rồi lại cúp máy. Nhiều lần động viên con trai về nước nhưng vì có khoản tiết kiệm cho vay không thấy trả nên lo mất hết tiền tiết kiệm thành thử nó cứ cố nán lại làm kiếm thêm”, bà Đại nói.
Nghe cán bộ huyện thuyết phục, bà Đại gọi cho con ở nơi xa. Nghe giọng con, bà ngẹn ngào, mắt đỏ hoe. Từ đầu dây bên kia giọng Cường tha thiết, anh nói anh nhớ nhà, nhớ bố mẹ và con trai rất nhiều. Anh động viên bố mẹ giữ sức khỏe và hứa sẽ về nước sớm. Bà Đại tâm sự: “Thật sự tôi nhớ con lắm, chỉ mong nó về sớm để gia đình đoàn tụ chứ bố thằng Cường suy nghĩ nhiều thành thử cũng ốm đau suốt”.
Theo anh Lê Văn Tiến, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lạng Giang, Tân Dĩnh là một trong những xã dẫn đầu về hoạt động XKLĐ. Nhờ đó mà nhiều gia đình đã thoát nghèo. Thế nhưng, bên cạnh những câu chuyện có hậu, phía sau những ngôi nhà vẫn tồn tại không ít câu chuyện ảm đạm.
Có gia đình vợ chồng ly tán, tan vỡ chỉ vì vợ, hoặc chồng đi XKLĐ mãi không về. “Không ít gia đình dù có điều kiện, nhưng được vợ hoặc chồng gửi tiền về thì chi tiêu hoang phí, không biết tiết kiệm, thành thử bao vốn liếng đi hết. Cá biệt còn có nhà, con cái thấy gia đình có tiền thì không chịu học hành, ăn chơi, nghiện hút”, anh Tiến nói.
Dù Phòng LĐ-TB&XH và địa phương cùng các đoàn thể đã tới từng ngõ, gõ cửa từng nhà để vận động tuyên truyền nhưng số đối tượng lao động đi làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn về nước vẫn rất hạn chế. Phần lớn chỉ khi bị trục xuất hoặc kiếm tiền “tạm đủ” để làm ăn mới chủ động về.
Hầu hết lao động và người nhà của họ đều hiểu được hệ quả từ việc lao động bỏ trốn, thế nhưng không phải ai cũng về nước. Có người chấp nhận đánh đổi cả hạnh phúc, gia đình, con cái để ở lại nước bạn sống lưu vong kiếm tiền”, anh Tiến cho biết. Thực tế, đoàn công tác cũng mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền phổ biến về chính sách pháp luật chứ ít khi tư vấn về chuyện tình cảm và những đổ vỡ có thể xảy ra trong gia đình.
Hy vọng một tương lai tốt đẹp
Cách làng Tân Dĩnh chừng 10 km, làng Đại Giang nhìn bề ngoài tuy không giàu có, nhiều nhà cao tầng như làng Tân Dĩnh nhưng phía sau những ngôi nhà có người đi XKLĐ lại luôn đầm ấm.
Gia đình ông Nguyễn văn Chí, bà Đồng Thị Tiến ở thôn 8, xã Đội Gia (An Hà, Lạng Giang) tuy nhỏ nhưng rất hạnh phúc. Ông bà có hai người con, một trai, một gái, đang đi XKLĐ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
“Hai cháu đi làm việc cũng được gần bốn năm rồi. Anh con trai đầu đi hết hợp đồng lần một thì về nước thi lại trúng tuyển lại đi tiếp lần hai. Con trai chúng gửi ông bà để đi làm ăn. Hiện nay con dâu tôi cũng làm ở khu công nghiệp cạnh nhà. Cô con gái của tôi thì đi làm Đài Loan, công việc cũng ổn định, thu nhập khá”, ông Chí kể.
Hiện nay mỗi quý ông bà đều nhận được khoản 100 triệu đồng của con trai từ Hàn Quốc gửi về, còn cô con gái cũng gửi về tầm 60 triệu đồng.
“Vợ chồng tôi già rồi, chỉ mong con cái đi lao động, làm việc lương thiện có thu nhập tiết kiệm về sau này lo cho gia đình. Các cháu nó cũng bảo bố mẹ muốn xây dựng nhà cửa gì để con hỗ trợ nhưng tôi gạt đi. Tôi nói, cũng không cần thiết, tiền tiết kiệm các con cứ để đó sau này đầu tư làm ăn. Nhà cửa không cần to cũng không sao, có chỗ ăn ngủ sạch sẽ là được”, ông Chí kể.
Câu chuyện vui của gia đình ông Chí dù không phải là nhiều nhưng nó cũng cho thấy nếu lao động đi XKLĐ được gia đình định hướng thì họ hoàn toàn có thể vừa lao động chính đáng, không vi phạm phát luật mà vẫn có thể làm giàu cho bản thân, gia đình, góp phần cho sự ổn định, phát triển của địa phương.
Nguyễn Duy Linh (Hoàng Tân, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) cũng từng là lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Linh ở lại Hàn Quốc tới 10 năm. Trong 10 năm ấy, anh làm đủ mọi công việc, thường xuyên phải trốn chạy lực lượng chức năng và cuộc sống rất khó khăn.
“Ngày ấy, lúc còn bên Hàn Quốc, mọi người trong nhà cũng khuyên tôi nên đi về nước. Tôi cũng rất mong muốn được về nước vì nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhưng về nước thì không biết làm gì thế nên cứ cố nán ở lại”, anh Linh kể lại.
Những ngày tháng sống lưu vong ấy, anh Linh đã hứng chịu rất nhiều rủi ro. Có lần anh còn bị chủ quỵt tiền, đánh đập nhưng cũng đành nín nhịn vì nếu không chấp nhận, chỉ cần ý kiến là sẽ bị chủ tố cáo với phía công an và sẽ bị họ bắt giữ.
“Sau vài lần bị bóc lột, ngược đãi như vậy tôi đã tìm cơ hội về nước. Cuối năm 2016 tôi về nước, lúc đó ba mẹ tôi đều đã già, bạn bè bằng tuổi tôi thì đều đã lập gia đình có con hết rồi. Nghĩ nhiều lúc muốn bắt đầu mà không biết bắt đầu từ đâu vì giờ về nhiều tuổi xin công việc cũng khó hơn”, anh Linh tâm sự.
Hiện giờ anh Linh đã lập gia đình, bắt đầu thành lập một trang trại nhỏ để làm kinh tế. Có mặt tại Hội nghị tuyên truyền vận động lao động về nước đúng hạn khi tham gia chương trình EPS tại Thanh Hóa, anh Linh nhắn nhủ tới các lao động: “Tôi hy vọng lao động trẻ hãy sáng suốt. Có được cơ hội sang Hàn làm việc đã là một điều may mắn. Nếu có thể thì nên tích lũy kinh nghiệm, tiền bạc và về nước đúng hạn. Như vậy bạn vừa tận dụng được các cơ hội về việc làm vừa có điều kiện gần gia đình”.
Trong khi cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thì tỷ lệ lao động bất hợp pháp ở Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn cao ngất ngưởng. Những con số từ Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa qua cho thấy, chỉ trong bảy tháng đầu năm 2018, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước tại Hàn Quốc đã đạt 41,38%, cao hơn 12,49% so tỷ lệ cả năm 2017. Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Rõ ràng mục tiêu giảm 30% tỷ lệ lao động Việt Nam hết hợp đồng bỏ trốn của Việt Nam và phía Hàn Quốc là không đạt được.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Việt Nam và Hàn Quốc đã triển khai đồng bộ sáu giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Đầu tiên là chính sách tuyên truyền vận động, tiếp đó là thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng với lao động trước khi xuất cảnh, và thực hiện xử phạt với lao động vi phạm hợp đồng bỏ trốn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp phía Hàn Quốc thực hiện truy quyét, xử phạt lao động. Đối với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động bất hợp pháp ở Việt Nam khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt rất nặng.
Cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2018, Bộ LĐ-TB&XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH các địa phương tổ chức Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng quy định tại năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ lao động bất hợp pháp khá cao. Ngoài việc tổ chức hội nghị tập trung, đoàn còn về tận gia đình tuyên truyền vận động, kết nối với lao động tại Hàn Quốc nhằm kêu gọi họ về nước đúng hạn.
Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Truyền thông Cục Quản lý lao động ngoài nước: Thực tế trong những lần chúng tôi đi cơ sở, về từng thôn bản để tuyên truyền cho lao động cũng như gia đình lao động, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều những câu chuyện lao động được đổi đời nhờ đi XKLĐ nhưng cũng có không ít câu chuyện buồn. Nhiều gia đình phải ly tán, bố mẹ ly thân, con cái thiếu thốn tình cảm... Hy vọng các lao động đang sống lưu vong suy nghĩ lại và đưa ra được quyết định đúng đắn, về nước trước khi quá muộn”.