Bảo đảm vệ sinh cho những chân cầu

|

Gần đây, một số người dân gần khu vực các chân cầu lớn ở Hà Nội phản ánh về việc không gian này biến thành nơi đổ rác công cộng. Không có camera giám sát, không gian kín và rộng rãi, ít người qua lại và vắng bóng lực lượng chức năng..., những chân cầu trở thành địa điểm lý tưởng cho hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhức nhối những vi phạm

Ở những chân cầu lớn, nhỏ trong thành phố, không khó nhận ra một số khu vực đang bị lấn chiếm và lạm dụng trái phép. Tại những chân cầu ở khu vực đông người qua lại, thường có một số người tận dụng mở quán trà đá vỉa hè, bãi đỗ xe, bán hàng rong... Như chân cầu vượt đoạn hướng đi xuống phố Đào Tấn (Ngọc Khánh, Ba Đình). Với một số chân cầu lớn và ít phương tiện qua lại, những khu vực này đang biến thành những nơi tập kết trái phép rác thải, tập kết vật liệu xây dựng, hàng quán tạm bợ... Vi phạm nghiêm trọng nhất là trường hợp xuống dốc phía bắc chân cầu Thăng Long đoạn giao với đê tả sông Hồng thuộc địa phận xã Hải Bối (Đông Anh) và chân cầu Thanh Trì đoạn thuộc địa phận phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai).

Tại đó, rác đủ loại tích tụ thành đống, lâu ngày không được dọn dẹp, xử lý nên bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho khu vực và mất mỹ quan đô thị. Người dân đã phản ánh nhiều lần tới chính quyền nhưng tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ông Phạm Đình Bảy (54 tuổi) ở khu vực làng Võng La bức xúc: “Những khoảng đất trống dưới chân cầu này từ lâu bị biến thành nơi tập kết từ rác sinh hoạt cho tới phế thải xây dựng. Không ai theo dõi nên rác không biết từ đâu tới cứ dần chất đầy. Nước tại kênh mương lâu dần cũng đục ngầu, hôi thối. Chưa kể những khu vực quây cổng nhôm tôn để che chắn cho các bãi đổ phế thải xây dựng”.

Hiện tại, khu vực chân cầu này vẫn có một số con đường nhỏ phục vụ cho người dân trong làng và đặc biệt là công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long. Bởi vậy, mỗi lần đi qua đoạn đường này giống như “cực hình”. “Nhà tôi ở trong làng nên ngày nào cũng vậy, tôi phải đi qua con đường này. Nhưng cứ mỗi sáng tôi lại thấy rác sinh hoạt, phế thải xây dựng chất nhiều hơn. Cực chẳng đã, một số người dân trong làng đã thu gom, vận chuyển đi nơi khác, nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Sắp vào mùa hè nắng nóng, kênh mương bốc mùi hôi thối thì người dân chẳng biết cách nào xử lý được”, chị Đặng Ngọc Huyền (38 tuổi), một công nhân làm việc trong khu công nghiệp Thăng Long chán nản.

Đủ chế tài nhưng thiếu kiên quyết

Pháp luật đã có những quy định rõ ràng, chế tài cụ thể về xử lý các trường hợp vi phạm trên tại khu vực chân cầu. Theo Điều 25 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã nêu rõ, những vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường. Các mức phạt cụ thể bao gồm phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Vậy mà cho tới nay, các khu vực chân cầu dường như bị các lực lượng chức năng và chính quyền “bỏ quên”. Các bãi phế thải chân cầu Thanh Trì cũng là một điểm nóng mà báo chí phản ánh suốt nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đơn cử như khu vực tại mối trụ T8 hoặc từ trụ số 9 đến 12 cách bờ sông Hồng khoảng

100 m. “Từ năm 2019, khi xuất hiện bãi tập kết rác thải này người dân chúng tôi rất bức xúc. Ngày nào cũng vậy, các phương tiện không biết từ đâu cứ chở rác thải đi lại gây ồn ào, bụi bẩn. Hầu hết chất thải là phế thải xây dựng và bê-tông thừa. Ngoài ra, những phần rác thải không xử lý được hay không tận dụng được thì đều được tập kết ra bãi để đốt cháy. Tình trạng này xảy ra lâu năm khiến không khí chung quanh đây luôn rất ngột ngạt và bốc mùi khó chịu”, ông Nguyễn Văn Nam (55 tuổi), người dân trong khu vực phàn nàn.

Quan sát nhận thấy, công nông hoặc các loại xe tải trọng lượng nhỏ ngày nào cũng vào đổ bừa bãi chất từng đống lớn, đống nhỏ rác ngày một nhiều hơn, cao hơn. Đất cũng bị biến dạng từng ngày do sau khi phân loại, chủ bãi đào sâu xuống lòng đất, chôn lấp rất nhiều bê-tông thừa mới khô cứng. Ở khu vực chân cầu Thăng Long cũng xảy ra trường hợp ô nhiễm đất tương tự, cả ở dưới chân cầu lẫn các khu vực bên trong bãi tập kết phế thải xây dựng, vốn đang được các chủ bãi khóa chặt và rào chung quanh bằng hàng rào tôn.

Sự tồn tại “chướng mắt” của những bãi tập kết phế thải xây dựng hay rác thải sinh hoạt trong thời gian dài như vậy khiến người dân có lý do để đặt dấu hỏi về tinh thần trách nhiệm lẫn khả năng xử lý của chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan.