Cậu bé 15 và lòng trắc ẩn
Để “mục sở thị” về con người đặc biệt này, tôi từ TP Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng và đi xe đò hết nửa ngày đường. Hỏi thăm “cho tôi về cầu Cẩm Lệ”, bác xe ôm bảo “Chú tìm ông Sáu đúng không?”. Tôi ngờ ngợ lắc đầu: “Tôi không biết ông Sáu. Tôi tìm ông Ngô Văn Léo, vớt xác ở sông Cẩm Lệ và sông Hàn”. “Đúng ông Sáu đó chớ ai nữa!”.
Vượt qua quãng đường nắng như đổ lửa, xe vòng vào con đường nhỏ hai bên lúp xúp cỏ lau. Mấy bộ bàn ghế nhựa cũ kỹ, hai chiếc thuyền đậu dưới gầm cầu Cẩm Lệ, ông Léo nở nụ cười đôn hậu bảo: “Tui ngồi đây chờ anh từ sáng. Đêm qua cả hai vợ chồng thức trắng để khuyên nhủ bà kia muốn nhảy cầu tự tử vì chuyện gia đình. Gần sáng mới chợp mắt được tí thôi. Nhưng mà tui quen rồi”.
Dường như mỗi lần có ai hỏi về chuyện vớt xác, cứu người, ông Léo như “trút” lòng tâm sự về đời vợ chồng ông mưu sinh trên sông Cẩm Lệ này. “Cha tui cũng làm nghề chèo đò và vớt xác trên sông. Ổng mất rồi. Vợ chồng tui cũng vậy. Thấy xác không vớt, thấy người không cứu tội lắm!”.
“Mấy chục năm làm việc nghĩa cứu người, vớt xác, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất không?”, tôi hỏi. “Nhiều chớ. Sao mà tui nhớ hết được. Nhưng một chuyện thì không bao giờ quên. Ngày ấy tui mới 15 tuổi hà”, ông Léo nhìn ra giữa gầm cầu Cẩm Lệ, giường như ký ức đau thương ngày ấy ùa về trong tâm trí ông.
Ông Léo kể, vào đêm 30 Tết năm 1976, khi ông và người cha quá cố vừa sắp xong mâm cơm cúng Giao thừa trên chiếc thuyền của gia đình, bỗng nghe tiếng người đàn bà kêu thất thanh giữa dòng sông. Đoán có người tự tử. Ông Ngô Văn Chước (cha ông Léo) vớ cái bai chèo, lên thuyền, vội vã chèo ra giữa dòng nước xiết. “Lúc đó tui mới 15 tuổi hà. Thấy cha lao ra thuyền, tui chạy theo. Đêm 30, sông Cẩm Lệ tối đen như mực. Giữa dòng nước chảy xiết, người phụ nữ tay ôm con nhỏ, tay chới với kêu cứu. Cha tui nhảy xuống sông, bế đứa bé đưa lên thuyền rồi túm tóc người mẹ kéo lên sau. Đó là lần đầu tiên tui theo cha cứu người. Từ đó cứ mỗi lần theo cha cứu người, vớt xác, lòng tôi lại trắc ẩn thương họ lắm!”, ông Léo hồi tưởng lại.
Không lấy một xu
Gần nửa thế kỷ qua, ông Léo không nhớ hết đã vớt bao xác trôi sông, cứu bao người nhảy cầu tự tử, bao chàng trai, cô gái xin làm con nuôi sau “sự cố hồi sinh”. Song có một điều làm lương tâm ông luôn thanh thản là chưa từng lấy của ai một xu. Có nữ doanh nhân đem hẳn một cây vàng đến biếu vì ông đã cứu sống con gái bà thoát chết sau cú nhảy cầu Cẩm Lệ do duyên tình trắc trở. Có bà cụ biếu ông cặp vịt coi như trả ơn khi vớt được xác con trai bà tự vẫn vì mắc bệnh hiểm nghèo. Có người “lén” biếu vợ ông cả trăm triệu đồng vì đã cứu con trai họ thoát chết giữa dòng sông chảy xiết, nhưng tất cả ông đều từ chối không nhận bất cứ thứ gì của ai. Ông bảo: “Tiền vàng sẽ hết, nhưng nghĩa tình còn lại”. Vì tặng gì cũng không nhận nên người bố có cậu con trai nhảy cầu được cứu sống đã tặng ông chiếc dầm (bai chèo) và bảo: “bác nhận cho vui lòng chứ chẳng đáng gì tiền”. Ông Léo cười bảo: “Tui thích cái bai chèo này, vì nó giúp tôi chèo nhanh hơn để cứu người”. Ông Léo đứng dậy đến bên bờ sông, đưa tay chỉ dưới gầm cầu nói: “Mới tuần trước tui vớt xác của một cô gái 18 tuổi. Cô này nhảy cầu tự vẫn vì mâu thuẫn chuyện tình duyên”.
Đồng hành cùng chồng nhiều năm qua làm việc nghĩa là bà Huỳnh Thị Lới. Bà giúp chồng khâm liệm thi thể hoặc dìu cứu nạn nhân sau khi chồng vớt lên từ sông Cẩm Lệ. “Mỗi lần ông nhà tui vớt xác lên, tui phụ ổng khâm liệm, thắp nhang. Có thi thể bụng trướng to, có thi thể bắt đầu phân hủy mùi hôi khó chịu, nhưng mình đã nhìn thấy thì không thể không vớt. Tất cả đều báo chính quyền địa phương và hỗ trợ cùng họ đưa về nhà xác”, bà Lới cho biết.
Nhìn ra giữa dòng Cẩm Lệ chảy xiết, giọng bà Lới chùng xuống: “Dòng sông Cẩm Lệ này chứng kiến bao cảnh đời bất hạnh. Người nhảy cầu tự tử đủ thành phần già, trẻ, gái, trai. Người bế tắc chuyện tình duyên trắc trở, người nghiện hút không đường giải thoát, người nhiễm HIV. Họ kết liễu cuộc đời bằng nhảy cầu”.
Câu chuyện chồng bà cứu cô gái tự vẫn vào một đêm rằm tháng 5 đã lâu, ai nghe cũng nhói lòng. Đêm ấy, bà Lới lúi húi nấu mì tôm cho chồng dưới gầm cầu Cẩm Lệ thì bỗng dưng nghe tiếng khóc thút thít trên cầu. Rồi thét lên “mẹ ơi, mẹ”. Bà chưa kịp gọi chồng thì nghe tiếng “xùm” lớn phía giữa gầm cầu. Ông Léo kêu to: “Lại có người nhảy cầu rồi bà ơi”, rồi ông lao xuống dòng nước chảy xiết. Kinh nghiệm nhiều năm cứu người nhảy cầu, chẳng khó khăn mấy ông túm được tóc cô gái ngoi lên mặt nước, dìu vào bờ. “Lúc đưa cổ (cô) vào được chân cầu, cũng là lúc tui đuối sức. Đêm đó nước dâng cao chảy xiết lắm. Tui hỏi mãi cổ mới nói do mẹ không cho lấy người cổ yêu nên cổ quyên sinh. Từ số điện thoại cổ cho, tui gọi thì bà mẹ cổ khóc bảo, con gái đã bỏ đi cả tuần. Bà tức tốc đến chỗ tui. Bà ôm con gái gào khóc đầy nước mắt: “Mẹ xin lỗi con. Mẹ đã hại con rồi. Giờ con lấy ai cũng được mẹ không ép nữa”. Lúc đó vợ chồng tui cũng khóc theo. Đêm đó tui thức trắng. Đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp nhảy cầu tự tử vì trắc trở tình duyên. Có trường hợp khi vớt được họ, cũng là lúc tim họ ngừng đập. Tui chỉ biết khóc cùng gia đình và chia sẻ bớt nỗi đau. Cứu sống được một người, cả đêm tui cũng không ngủ được vì vui mừng, vớt được một xác cũng thức trắng vì thương họ”, ông Léo hồi tưởng lại.
Được ông Léo cứu sống con gái mình, người nữ doanh nhân thành đạt đem cọc tiền 50 triệu đồng đến nhà ông tỏ ý cảm ơn, nhưng ông Léo dứt khoát từ chối. Tặng gì ông Léo cũng không nhận, cuối cùng người mẹ xin con gái làm con nuôi ông Léo. Ngày lên xe hoa, trong niềm hạnh phúc, cô dâu nhìn người cha nuôi khắc khổ đã sinh ra cô lần thứ hai nghẹn ngào rơi nước mắt.
Thầm lặng
Không phải đến bây giờ người dân Đà Nẵng mới biết ông Sáu Léo 44 năm vớt xác, cứu người, mà họ biết đời bố ông - ông Ngô Văn Chước cũng lặng thầm làm việc nghĩa ấy. Ông Léo nối tiếp nghề cha chèo đò chở khách qua sông, vừa để mưu sinh, vừa tìm kiếm xác những người xấu số.
Dẫu vẫn hiểu nghề của cha “hỏng giống ai”, nhưng phần chạnh lòng trước những cảnh đời bế tắc, phần vì thương cha ngày đêm vất vả, cậu con trai cả Ngô Văn Phương cũng theo cha bơi thuyền ra giữa nước xiết cứu người. Trong nhiều người chính tay anh cứu vớt, có người là bạn học cùng lớp, người anh chơi với nhau từ thủa thiếu thời.
Đồng hành với nghiệp cứu người 44 năm qua của gia đình ông Léo, là chiếc thuyền cà tàng. Đây cũng là gia nghiệp của bố ông để lại. Ngày chưa có cầu Cẩm Lệ, chiếc thuyền này ngày đêm chở khách qua sông. Còn nay nó là phương tiện cứu người. Có lúc nó đóng vai trò “đưa tiễn linh hồn” những người xấu số nên được trang trí hoa giấy, hình nộm, bát nhang, hương, vàng để sẵn sàng làm thủ tục khâm liệm khi vớt được thi thể. “Mỗi lần vớt một xác người là tui tốn chừng 200 - 300 nghìn đồng. Đó là tiền khâm liệm, vàng, hương. Nhưng kệ, mình làm phúc, làm nghĩa ai tính toán làm gì. Làm bằng cái tâm, cái đức thì nhọc nhằn, vất vả vẫn vui”, ông Léo giãi bày.
Chia tay vợ chồng ông Sáu Léo giữa cái nắng như đổ lửa. Đối lập dòng người tấp nập trên cầu Cẩm Lệ là sự lặng thầm hy sinh làm việc nghĩa của cặp vợ chồng ngoại tuổi lục tuần.
“Bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, hễ thấy có xác người trôi sông hay ai đó nhảy cầu tự tử là tui bơi thuyền ra vớt. Thấy xác trôi sông không vớt, thấy người tự tử không cứu thì có tội với lương tâm lắm. Tui chẳng nhớ hết vớt bao xác, cứu bao người, nhưng mỗi lần vớt, cứu họ, tui nhẹ lòng vì mình đã làm được một việc nghĩa. Chỉ đơn giản vậy thôi”, ông Ngô Văn Léo nói.