Tây Ninh - Mùa xuân biên giới

|

40 năm sau cuộc chiến biên giới Tây Nam, ký ức những người trong cuộc vẫn nguyên vẹn hình ảnh về cuộc chiến kiên cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Dù vậy, đau thương đang dần được khép lại để hôm nay, cuộc sống bừng nở với mùa xuân của hòa bình và thịnh vượng trên chính mảnh đất khốc liệt năm xưa.

Cuối đông. Vùng biên thùy Tân Biên (Tây Ninh) se lạnh. Cũng thời điểm cách đây 40 năm, Prey Veng, Tboung Khmum, Svay Rieng, Kampong Cham… rồi Phnom Pênh của Campuchia được giải phóng. Nguyên Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Tây Ninh Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại, ở Đồn Xa Mát, chỉ sau 1975, lính Pôn Pốt đã hai lần gây sức ép bằng vũ trang đòi ta phải “dẹp” đồn. Lính Pôn Pốt còn nhiều lần bắn đạn cối, gài mìn, cắm chông, giết hại người Việt Nam... Rạng sáng 25-9-1977, chúng nổ súng dồn dập ở khắp nơi. Từ đây, toàn Đồn Xa Mát gồm 39 cán bộ chiến sĩ phải chiến đấu ròng rã năm ngày đêm để đẩy lui 22 lần tiến công của hơn hai tiểu đoàn địch, diệt 114 tên địch. Không đầy một tháng sau, quân chủ lực Khmer Đỏ điên cuồng tấn công tất cả các đơn vị trên toàn tuyến biên giới và sâu vào nội địa, chúng dùng pháo lớn bắn phá khu vực thị xã Tây Ninh, bao vây tất cả các đồn CANDVT với quân số áp đảo, vũ khí hạng nặng nhưng đều bị đánh bật ra sau vài ngày.

Trong ba năm chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, CANDVT Tây Ninh đã chiến đấu hơn 385 trận, tiêu diệt 1.285 tên địch, bắt và gọi hàng hàng trăm đối tượng, phá hủy 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn. Cũng trong cuộc chiến này, đã có 125 đồng chí CANDVT anh dũng hy sinh, 238 đồng chí khác để lại một phần thân thể vì sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc… cho đến ngày 7-1-1979. Trên toàn tỉnh, để giành được thắng lợi, quân dân Tây Ninh đã có 3.456 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và bị thương, 1.216 đồng bào bị Pôn Pốt giết hại, 800 nhà cửa bị thiêu cháy, hàng loạt xã, ấp bị tàn phá nặng nề. Vừa chiến đấu kiên cường với kẻ địch, ta cũng đã cưu mang và giải quyết nhu cầu về chỗ ăn, ở, mặc, chữa bệnh cho gần 30 nghìn người dân Campuchia sang lánh nạn.

Lễ xuất quân bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1977.

Mùa xuân ở biên giới Tây Nam hôm nay, hoa mai đã nở vàng rực rỡ. Dù thời tiết còn chút se lạnh cuối đông nhưng nắng ấm của mùa xuân đang dần sưởi ấm cả vùng biên thùy của Tổ quốc.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến, địa phương rất thuận lợi vì có tuyến đường xuyên Á đi qua tỉnh, nối liền TP Hồ Chí Minh và Phnom Pênh. Ngoài ra, Tây Ninh còn có 10 cặp cửa khẩu phụ gồm Vạc Sa, Cây Gõ, Tân Phú, Vàm Trảng Trâu, Tà Nông, Long Phước, Long Thuận, Phước Chỉ, Cây Me và Tân Nam. Những cặp cửa khẩu phụ này đã được chính quyền hai địa phương cấp tỉnh giáp biên thỏa thuận ký kết, giải quyết cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Trên địa bàn tỉnh có 25 chợ của 17 xã biên giới.

Hằng năm các sở, ngành, UBMTTQ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo trợ Người nghèo tỉnh… tổ chức hàng chục chuyến sang Campuchia đến cứu trợ vùng bị lũ lụt và làm từ thiện, thực hiện việc khám, chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà cho dân nghèo. Chỉ tính từ năm 2011-2018, giá trị hỗ trợ đã hơn 15 tỷ đồng và 1.065 xe lăn, xe lắc cho các cựu chiến binh, người khuyết tật phía bạn.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, công tác phòng, chống dịch bệnh qua biên giới, phòng, chống bệnh trên cây trồng; xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, bảo vệ đường biên cột mốc, kết nghĩa địa bàn dân cư giáp biên, thực hiện tuyên truyền việc chấp hành quy định về qua lại biên giới, thông quan cửa khẩu; phối hợp ký kết thỏa thuận hợp tác việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… đã và đang góp phần làm cho phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” thêm rõ nét hơn giữa Tây Ninh với các tỉnh của Campuchia.

Trên bình diện rộng hơn, đến hết tháng 11-2018, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 210 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD. Campuchia hiện đứng thứ hai trong tổng số 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với 54 dự án, số vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD; tài chính-ngân hàng-bảo hiểm với bảy dự án, vốn đăng ký là 334,1 triệu USD; thông tin truyền thông với 13 dự án, vốn đăng ký là 202,3 triệu USD. Hiện kim ngạch thương mại hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây. Riêng năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Campuchia tiếp tục tăng trưởng tích cực, vượt mức 4 tỷ USD, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 5 tỷ USD vào năm 2020.

Ngoài ra, hợp tác về du lịch giữa hai nước đang có sự tăng trưởng tích cực. Năm 2017, lượng khách Việt Nam đến Campuchia tăng mạnh, đạt 836 nghìn lượt. Ở chiều ngược lại, năm 2017, lượt khách Campuchia đến Việt Nam (10 tháng năm 2018) đạt 171.000 lượt, tăng khoảng 4% so cùng kỳ.

Trải qua biết bao thử thách, cam go, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam-Campuchia là tài sản quý báu mà hai nước cần nỗ lực siết chặt tay nhau, đoàn kết giữ gìn và phát triển.

Tết Nguyên đán Kỷ Mùi 1979, đúng 40 năm trước, ông Nguyễn Kim Khanh, (nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 14 CANDVT) được chỉ định sang giúp bạn phản kích đẩy đuổi Pôn Pốt. Trung đoàn của ông với đa số là CANDVT Bến Tre, Tây Ninh vừa chiến đấu bảo vệ biên giới xong, nay phiên vào quân số Trung đoàn 14 tiếp tục làm quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, họ xuất phát từ Bàu Châu É (xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh). Trong ký ức của các chiến sĩ CANDVT Trung đoàn 14 năm ấy, Giao thừa ở đèo Gà là đêm nghe pháo cối giã thay cho pháo đón xuân.