Thu bộn tiền từ dịch vụ cho thuê nhà trọ xây trái phép
Nếu chỉ làm một phép tính đơn giản, rằng khu nhà trọ của ông Hiệp có một phòng chạy dài với sức chứa khoảng 40 người được ông cho thuê theo ngày, đêm (một đêm là 20 nghìn đồng/người; ngày là 70 nghìn đồng/ngày/người) thì số tiền ông thu được từ căn phòng này có thể lên tới tiền trăm triệu đồng/tháng.
Cũng phải chắc chắn một điều rằng, Nguyễn Thế Hiệp không phải là “hiệp sĩ” vì dám bỏ tiền xây dựng khu nhà trọ giá rẻ có điều hòa nhiệt độ cho người dân đến chăm sóc thân nhân tại mấy bệnh viện chung quanh thuê trọ, bởi quanh khu vực này không chỉ có ông Hiệp làm như vậy. Bên cạnh căn phòng lớn này, ông Hiệp còn hai căn phòng nhỏ dành cho từng gia đình nhỏ thuê lại với giá 100 - 150 nghìn đồng/ngày. Mức giá như vậy có thể coi là dễ chịu đối với người ở trọ ngắn ngày. Chứ với những gia đình thường xuyên phải chăm nom người thân đau ốm, thì cũng là một khoản chi không nhỏ.
Đã có nhiều người tới thăm khu trọ. Đã có những khoản tiền gửi về đây để giúp đỡ người nghèo. Và cũng có những người nổi tiếng lên tiếng về khu trọ được mô tả là người ta ở chật như nêm cá của ông Hiệp “khùng”. Nhưng những thông tin thấm đẫm nước mắt về người dân đến trọ mới khiến cho dư luận dấy lên lòng thương cảm với những thân phận khó khăn trong hoàn cảnh cực chẳng đã. Từ đó, cũng dấy lên thiện cảm với một ông chủ nhà trọ khéo tô vẽ hình ảnh của mình.
Ông Hiệp “khùng” trở thành người của công chúng là như thế. Và hằng tháng ông vẫn thu về cả trăm triệu đồng từ tay của những người phải ở trọ nhà ông vì hoàn cảnh.
Quá khứ bất hảo
Nếu chỉ nhìn vào những gì ông Hiệp “khùng” thể hiện trong thời gian qua, ít ai ngờ rằng đây lại là đối tượng hình sự thuộc dạng có sừng có mỏ ở khu vực này.
Từ sự bức xúc của một người từng công tác trong lĩnh vực tư pháp, chúng tôi đã cất công tìm hiểu và biết rằng, Nguyễn Thế Hiệp từng là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự của công an quận Ba Đình. Ở bản án gần nhất mà đối tượng này phải đối mặt vì tội mua bán trái phép chất ma túy (năm 2002 bị tòa phúc thẩm tòa án nhân dân tối cao tuyên 9 năm tù giam) đã thể hiện: Nguyễn Thế Hiệp trong quá trình làm xe ôm đã nhiều lần đưa con nghiện đi mua ma túy tại khu vực Thanh Nhàn (Hà Nội). Khi bị cơ quan chức năng bắt quả tang, Hiệp có chứa chất ma túy trong nhà để bán lại cho con nghiện. Nhiều người ở cùng khu vực với Hiệp đã từng gửi đơn tới cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nghiêm với đối tượng này.
Nếu nhìn lại quá khứ, Hiệp đã từng phải đi trại giáo dưỡng từ khi còn là trẻ vị thành niên. Khi vừa ra khỏi trường giáo dưỡng, năm 1975, Hiệp dính bản án đầu tiên từ tòa án quận Hai Bà Trưng về tội trộm cắp tài sản. Năm 1980, Tòa án quân khu 1 xử phạt 18 tháng tù về tội đào ngũ và tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Năm 1986, Hiệp bị Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm tuyên 13 năm tù về tội cướp tài sản, 4 năm tù tội hiếp dâm, 1 năm tù về tội đưa hối lộ. Tổng cộng 18 năm tù.
Quá khứ bất hảo của một con người sẽ được khép lại sau khi người ta chấp hành bản án và tái hòa nhập cộng đồng. Vẫn có câu “quay đầu là bờ”, với người như ông Hiệp, nếu làm việc tốt chắc chắn sẽ được cộng đồng chấp nhận. Tuy nhiên, đến khi cơ quan chức năng có kết luận chính thức về vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng khiến hai người thiệt mạng xảy ra tại khu nhà Nguyễn Thế Hiệp cho thuê trọ, dù không mong muốn ai sẽ phải vướng vào lao lý, nhưng những nạn nhân vụ cháy vẫn tin rằng công lý sẽ được thực thi bởi sự chính tâm của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Chính quyền biết nên... bức xúc
Sáng ngày 20-11, phóng viên có buổi trao đổi với Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh Nguyễn Minh Tú sau nhiều lần hẹn gặp. Ông chủ tịch phường tỏ ra khá... bức xúc: “Khu đất cho thuê của ông Hiệp nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng, đã có quyết định của thành phố. Đây là khu đất không có nguồn gốc, đất làm màu, đất tôn tạo. Nhân dân khắp nơi về có chỗ ngủ rẻ, không phải chỉ có ông Hiệp mà cũng có một số hộ cho vào ngủ như vậy. Việc xây dựng trái phép như vậy diễn ra từ xa xưa rồi, chính xác là bao lâu thì mình cũng không rõ”.
Chủ tịch UBND phường, người có trách nhiệm gần nhất và trực tiếp nhất ở địa bàn Ngọc Khánh cho biết thêm: “Ông Hiệp có năm tiền án tiền sự (ít hơn nhiều so thực tế), nhưng ông ý lại được sự ủng hộ của cơ quan báo đài... Nhiều báo viết tôn vinh ông ý lên, gây được sự chú ý, bản thân tôi cũng không tán thành việc đấy”.
Việc công dân của phường kinh doanh trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không thể không nói tới lỗi của chính quyền cơ sở. Bởi việc để mặc hộ dân kinh doanh trên khu vực xây dựng trái phép chính là tiền đề dẫn đến những hậu quả đau lòng sau đó. Điều khó hiểu là, tại sao cơ quan chức năng với đầy đủ quyền hạn lại vẫn có phần “bất lực” trước một đối tượng có nhân thân “đặc biệt” như Nguyễn Thế Hiệp, để ông Hiệp đóng vai hiệp sĩ, kinh doanh khu trọ trên phần đất bị xây dựng trái phép, dẫn đến hậu quả nặng nề. Thay vì việc bức xúc, sẽ hợp lý hơn nếu chính Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh là người tiên phong trong việc giải quyết những điều bức xúc ấy tại địa bàn trực tiếp quản lý. Tránh cho người dân lương thiện khỏi bị xâm hại, bị lừa lọc bởi sự khéo léo, giả trá của một người đã từng bị gọi là “quân trường Bộ”.
Cơ quan Công an quận Ba Đình đã khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 trong vụ cháy xảy ra ngày 17-9 tại ngách tập thể cơ khí C70, ngõ 879 Đê La Thành. Liên quan đến thông tin cho rằng, nguyên nhân cháy xuất phát từ khu nhà trọ của ông Nguyễn Thế Hiệp (71 tuổi, tức Hiệp “khùng”), cơ quan điều tra nhiều lần triệu tập ông này lên làm việc và đang củng cố hồ sơ. Tuy nhiên, chưa thấy thông báo khởi tố bị can nào trong vụ việc nghiêm trọng này.