Chuẩn bị thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè

|

Từ ngày 1-1-2024, TPHCM chính thức triển khai thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè; nhưng đến nay, ngoài một số địa phương đã chuẩn bị kẻ vạch sơn trên vỉa hè, nhiều nơi khác chỉ mới hoàn thành việc rà soát vỉa hè và đang chờ hướng dẫn thực hiện.

Người dân yên tâm kinh doanh

Cuối tháng 12-2023, phần vỉa hè trước cửa gia đình bà H. trên đường Trần Hưng Đạo (phường Cầu Kho, quận 1) được kẻ vạch sơn. Vỉa hè được chia thành hai phần, một phần cho người đi bộ, một phần để người dân có nhu cầu kinh doanh đăng ký sử dụng. Gia đình bà H. cũng thường xuyên cập nhật tin tức về việc TPHCM chuẩn bị thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, bà vẫn còn nhiều điều băn khoăn, như việc gia đình đóng phí sử dụng vỉa hè nhưng vẫn bị lấn chiếm bởi người bán hàng rong thì xử lý như thế nào. “Thu phí cũng tốt vì mình yên tâm kinh doanh trong phần vỉa hè đã đóng phí, nhưng nhiều người bán hàng rong nhiều hôm ngồi ngay khu vực bán của gia đình thì không biết xử lý thế nào, sắp tới thu phí thì có giải quyết được tình trạng này không?”, bà H. băn khoăn.

Người dân đi bộ bên trong vạch kẻ trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TPHCM). Ảnh: THU HOÀI

Còn anh Nguyễn Văn Nam, chủ một cửa hàng quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 1), mong đến ngày thu phí sử dụng tạm vỉa hè để yên tâm kinh doanh. Anh Nam ủng hộ chủ trương này vì một khi thu phí, vỉa hè có thể được coi là “tài sản” của người dân và người dân tự bảo vệ quyền lợi của mình. “Về mức phí thì nhiều hộ buôn bán không được tốt có thể băn khoăn. Chúng tôi vẫn đang chờ được nghe phổ biến rõ ràng hơn xem có chính sách nào khác về giá thuê không”, anh Nam nói.

Theo Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh, quận có 54 tuyến đường đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa, 85 tuyến đường có hè phố đủ điều kiện tổ chức hoạt động trông giữ xe không thu phí. Bên cạnh đó, một số vị trí trên 16 tuyến đường thuộc quận có đủ điều kiện tổ chức điểm trông, giữ xe có thu phí. Quận đã chỉ đạo chủ tịch UBND 10 phường khảo sát, lập danh sách cụ thể từng tuyến, đoạn đường để thông tin đến người dân. “Hiện nay, một số phường trong quận đã đo đạc, kẻ vạch những tuyến đường trong danh mục UBND quận gửi Sở GTVT TPHCM, đảm bảo việc sử dụng đúng quy định, đảm bảo lối đi cho người đi bộ”, ông Lê Đức Thanh thông tin.

Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị quận Gò Vấp Nguyễn Hữu Huy cho biết, UBND quận Gò Vấp đã gửi Sở GTVT danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè. Theo ông Huy, quận có lượng người nhập cư nhiều, chủ yếu là buôn bán trên các tuyến đường gần chợ, bệnh viện… nên công tác quản lý trật tự đô thị tương đối phức tạp. Vì vậy, việc triển khai công tác thu phí đòi hỏi xem xét nhiều yếu tố, quan trọng nhất là phù hợp với đặc thù địa phương.

Trong lúc chờ Sở GTVT ban hành hướng dẫn, quận Gò Vấp đã tiến hành khảo sát kỹ các khu vực phù hợp với từng danh mục thu phí, đặc biệt là các tuyến đường trọng điểm. “Công tác thu phí liên quan nhiều đơn vị nên chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ theo trình tự, rà soát kỹ lưỡng khu vực nào giữ xe, khu vực nào buôn bán, hộ đó đã đăng ký kinh doanh chưa, có đúng chủ thể không…”, ông Nguyễn Hữu Huy nói.

Địa phương chờ hướng dẫn

Tại quận 7, các phường đã hoàn tất việc rà soát và đăng ký các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè có thu phí. Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7 Nguyễn Đức Trí thông tin, có 6 phường đăng ký với 16 tuyến đường đủ điều kiện. Từ nay đến đầu tháng 1-2024, sau khi tổng hợp danh mục các tuyến đường được các phường đăng ký và lấy ý kiến phản biện xã hội, UBND quận 7 sẽ chủ trì, phối hợp lấy ý kiến Sở GTVT, Công an TPHCM, Ban An toàn giao thông thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trước khi ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.

Hiện quận 7 cũng đã lên kế hoạch thông tin cụ thể từng tuyến đường để người dân được biết, đăng ký và có kế hoạch đo đạc, tổ chức kẻ vạch ngay khi danh mục các tuyến đường được thông qua. Liên quan đến việc rà soát khá chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện theo quy định, ông Nguyễn Đức Trí cho biết, do trong quá trình lấy ý kiến của người dân, có nhiều ý kiến khác nhau nên phường tập trung tuyên truyền, đồng thời rà soát lại nhiều lần, đảm bảo nhận được sự ủng hộ cao nhất của người dân.

Trong khi đó, quận 12 cũng đã hoàn tất việc rà soát các tuyến đường có vỉa hè đủ rộng có thể sử dụng tạm. Quận có tổng cộng 22 tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m. Lãnh đạo UBND quận 12 cho biết, qua nghiên cứu Quyết định số 32 của UBND TPHCM quy định về quản lý sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè, còn một số vướng mắc cần được hướng dẫn cụ thể. Quận đã gửi ý kiến, kiến nghị đến Sở GTVT TPHCM để có hướng dẫn cụ thể làm cơ sở triển khai thu phí, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.

Phía trong vạch kẻ trên vỉa hè ở một đoạn đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TPHCM) được sử dụng để kinh doanh, buôn bán. Ảnh: THU HOÀI

Tương tự, quận 3 đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện sử dụng tạm. Việc lập danh sách những tuyến đường này đã được lấy ý kiến người dân để thống nhất khi triển khai. Các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè được quận sắp xếp thông suốt, theo quy định của thành phố. Việc chuẩn bị của địa phương đã cơ bản và đang chờ hướng dẫn về phương án thu, cách đóng phí.

Theo đại diện Sở GTVT TPHCM, sở đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc thu phí sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè, trình UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, TPHCM sẽ không triển khai thu phí đại trà mà chọn một số tuyến đường cụ thể để thí điểm. Việc thí điểm bám sát quy định mới về quản lý, sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè đã được HĐND TPHCM thông qua. Thành phố sẽ sử dụng công nghệ để quản lý thu phí, hạn chế sử dụng tiền mặt để tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự. Hiện Sở GTVT đang hoàn thiện đề xuất xây dựng phần mềm quản lý và sẽ công khai mức phí, phương thức thu phí, phương án khai thác để người dân nắm thông tin cũng như giám sát công tác này.