Vào Tây Nguyên mua đất rừng chớp nhoáng!

|

Tưởng rằng chuyện đất rừng ở Tây Nguyên sẽ hạ nhiệt sau những bài học “bằng máu”. Nhưng không, việc mua bán đất rừng vẫn diễn ra dễ dàng, chớp nhoáng. Quá trình tìm hiểu các thủ đoạn mua bán đất rừng tại huyện Ea Súp (Đác Lắc), việc đầu tiên chúng tôi được “cò đất” trang bị là khách đi xem đất, nếu ưng ý thì giao dịch ngay tại rừng, không có sự hiện diện chính quyền địa phương. Để khách an tâm trước các rủi ro, cò đất còn mời thêm các “hàng xóm” là những người mua trước đó làm chứng.

Lạc trong cơn “sốt” đất rừng

N.V.N, “thổ địa” tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp, dẫn chúng tôi đi mua đất rừng tại tiểu khu 263 thuộc xã Ea Bung. Tiểu khu 263 đã không còn xa lạ với chúng tôi bởi cuối năm ngoái, nơi này từng xảy ra vụ hỗn chiến kinh hoành khiến nhiều người chết và bị thương. Ở khu vực từng xảy ra tranh chấp, chúng tôi thấy dáng một phụ nữ kham khổ, đầu đội nón, che mặt, hai tai xá hương nghi ngút trước khóm thờ giữa ruộng hoang. Thấy người lạ đỗ xe ven đường, người phụ nữ nhanh chóng rảo bước vào sâu trong rẫy cao-su trùng điệp.

N. kể, nhà bà Phạm Thị Phượng - cùng con trai tên Nguyễn Văn Hoàng, trước từng làm ruộng, trồng cao-su tại tiểu khu 263. Cuối năm ngoái, gia đình bà này tranh chấp đất với một nhóm người gốc Nghệ An rồi xảy ra án mạng. “Tranh chấp đất, hành xử côn đồ, chém nhau đổ máu rồi cuối cùng, đất vẫn bỏ hoang! Hậu quả thì ai cũng thấy rõ, kẻ chết, người tù tội”. Qua lời của N., hẳn người phụ nữ gặp trước đó biết đâu lại là người thân của gia đình bà Phượng hay thuộc nhóm người kia cũng không sai.

Vài tháng khi chuyện của gia đình bà Phượng lắng xuống, việc mua bán, tranh chấp đất rừng vẫn lại diễn ra tấp nập bởi lợi nhuận “khủng” từ những cuộc mua bán, tranh chấp đất rừng tại khu vực thuộc tiểu khu 163...

Nguyễn Văn Tài (xin không nêu tên thật - PV) thấy những vị khách lạ ngó nghiêng, chỉ trỏ các lô đất đã trồng cao-su, liền tiếp cận chào mời. Thả cái nhìn lấm lét, Tài thăm dò: “Mấy ông anh đi thăm đất hay mua đất. Ông anh em có 5 ha đất trồng cao-su sáu năm tuổi bán rẻ, cần mua em liên lạc hỏi giá cho”. Thấy khách còn lưỡng lự, Tài khoe, đất anh ta bán là rẻ nhất bởi kề kênh thủy lợi, trong khi lô cao-su đã gần thu hoạch.

Nghe chúng tôi trao đổi về mong muốn đầu tư đất rừng kiếm lời bởi giá bất động sản tại TP Buôn Ma Thuột bắt đầu vỡ “bong bóng”, Tài bắt đầu cởi mở bởi hai bên có điểm chung: từng làm ăn thua lỗ trong cơn sốt bất động sản thật ảo khó lường. Không giấu giếm, Tài nói thẳng anh ta là cò đất tại tiểu khu này, được ông chủ tên Chấn - Việt kiều Mỹ, nhờ bán tháo lô đất rừng trên để rút vốn.

“Nhiều người trả 120 triệu đồng/ha nhưng ông Chấn không bán. Các anh cứ báo giá, nếu ông chủ đồng ý thì tôi và ông chủ lo giấy tờ. Mọi việc xong xuôi, anh cho tôi xin 5 triệu đồng/ha coi như tiền xăng xe. Chỗ anh em tôi nói thật, anh mua là có lời ngay bởi lô cao-su này đã sáu năm tuổi, đang phát triển. Sang năm “mở miệng” là thu hoạch kiếm khối tiền” , Tài giới thiệu.

Mua rẹt đùng trong… một ngày

Thật ra, Tài chỉ là một trong số ít cò đất dưới xuôi đổ xô lên xã Ea Bung kiếm khách mua đất rồi hưởng tiền chênh lệch. Việc kinh doanh đất rừng vốn dễ dàng, ít liên lụy đến pháp luật nên những cò đất như Tài vẫn sống khỏe. Tài vừa đi khỏi, chúng tôi tiếp tục nhận được lời chào mời của bà Sáu “Đồng Nai” - người chuyên mua đi, bán lại đất rừng tại tiểu khu 260 thuộc xã Ea Bung. Biết cò Tài vừa dẫn chúng tôi xem 5 ha của ông Chấn, bà Sáu xua tay, bàn lui: “Ôi trời! Tưởng các anh tìm mua khu đất nào. Mấy ha đất trồng cao-su của ông Chấn vốn bỏ thí, mấy năm nay có ai chăm bón, cày xới đâu. Các anh mua đám cao-su đó về chỉ rước nợ vào thân”.

Không rườm rà mất thời gian như cò Tài, bà Sáu “Đồng Nai” vào thẳng vấn đề: Tôi có 10 ha đất trồng cao-su 5 năm tuổi nhưng bảo đảm “ăn đứt” đất lão Chấn. Thấy các anh có thành ý, tôi bán đứt giá 150 triệu đồng/ha, không kỳ kèo. Chúng tôi hỏi việc mua bán phải giao dịch như thế nào? Bà Sáu khoe: Thủ tục sang nhượng làm rẹt đùng trong một ngày.

Thủ tục đó, theo lời bà Sáu là sau khi đo đạc diện tích đất bằng điện thoại (!?), hai bên sẽ ký giấy viết tay, có hàng xóm làm chứng… Nếu đồng ý, bà dẫn chúng tôi vào xem đất. Khách thấy “ok” thì trả tiền một lần. Khỏi đặt cọc mất công!

Chỉ một tờ giấy viết tay cùng vài người làm chứng cho toàn bộ quá trình giao dịch 1,5 tỷ đồng, liệu quá rủi ro đối với người mua, chúng tôi hỏi. Bà Sáu trấn an khách hàng rằng tiếng tăm của bà ở khu vực này, ai chả biết? Đó là chưa kể - theo lời bà Sáu, bà còn quen biết rộng với… lãnh đạo địa phương, cả lực lượng công an huyện. “Tui làm ăn uy tín, còn ở đây lâu dài chứ đi đâu mà các anh lo. Các anh mua tôi lấy uy tín và mạng sống ra bảo đảm các anh sẽ được làm ăn lâu dài , không bị tranh cướp đất như gia đình bà Phượng đâu”, bà Sáu nói.

Chính quyền than khó (!?)

Chuyện mua bán đất rừng là trái pháp luật, nhưng các đối tượng mua bán diễn ra công khai và chính quyền địa phương đã nắm được thông tin nhưng nhiều nơi thừa nhận khó quản lý. Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung, khẳng định, việc mua bán, sang nhượng đất rừng của một bộ phận người dân là không được phép. Nếu người dân tự ý mua bán đất rừng thì khi xảy ra tranh chấp, cơ quan chức năng khó bảo đảm quyền lợi.

“Việc lấn chiếm đất rừng của người dân đã diễn ra từ lâu, có yếu tố lịch sử. Hiện địa phương rất khó khăn trong việc thu hồi hay thừa nhận số diện tích đất rừng đã bị xâm chiếm. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu người dân có đất rừng, làm hồ sơ các diện tích rừng đã lấn chiếm để làm đất sản xuất; thời gian lấn chiếm, diện tích bao nhiêu… Tuy nhiên, để người dân tự giác làm hồ sơ về số diện tích rừng đã lấn chiếm đó, quả thật không dễ dàng. Xã chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động người dân chứ về lâu dài, cần được cơ quan chức năng có thẩm quyền hỗ trợ hơn nữa”, ông Hạnh nói.

Tương tự, ông Hoàng Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê thông tin thêm, xã Ea Lê là địa phương có diện tích đất ở, đất rừng lớn tại huyện Ea Súp. Nhiều năm qua, do quá trình di cư tự do, người dân vào các vùng kinh tế mới trên địa bàn khai khẩn làm ăn. Từ đây, không ít người có hành vi lấn chiếm đất rừng.

“Bên cạnh số diện tích đất được nhà nước cấp người dân kinh tế mới có đất sản xuất, thì cũng không ít diện tích đất rừng bị nhiều người dân lấn chiếm trong thời gian dài”, ông Khánh nói và cho biết thêm: Trước đó, xã còn tồn đọng hơn 10.000/15.000 hồ sơ xin cấp đất của người dân có dính dáng tới đất rừng bị lấn chiếm.

“10.000 hồ sơ xin cấp đất của người dân đang bị vướng bởi không thể cấp sổ đỏ trên đất rừng. Hiện xã chúng tôi đang tiếp tục phối hợp UBND huyện Ea Súp để tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập này”, ông Khánh thông tin.

Trong các cuộc họp của UBND tỉnh Đác Lắc, UBND huyện Ea Súp thừa nhận, không ít cán bộ tại huyện có tên trên đất rừng. Về việc này, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp từng ban hành văn bản về việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Dù vậy nhưng đến cuối năm 2017, chỉ có 50% cán bộ thực hiện kê khai. So năm 2015, diện tích rừng ở khu vực Tây Nguyên đã giảm 3.323 ha, bình quân mỗi năm giảm hơn 1.000 ha. Đáng chú ý là diện tích rừng, đất lâm nghiệp được giao cho các chủ rừng quản lý đều xảy ra tranh chấp, với tổng diện tích 282.896 ha. Nghiêm trọng hơn, do thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý, nên các chủ rừng đã để 487.096 ha rừng, đất lâm nghiệp bị phá, lấn chiếm. Trong đó, rừng do UBND xã quản lý bị phá và lấn chiếm 209.993 ha, ban quản lý rừng để bị phá và lấn chiếm 112.130 ha.