“Bộ” biết, nhưng... mặc kệ?
Trở lại thời gian ba năm trước, những ngày cuối tháng 3-2016, khi những cư dân sinh sống ven sông Cầu, khu vực ven sông Ngũ Huyện Khê đến cuối nguồn (xã Đồng Phúc, Yên Dũng, Bắc Giang) phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng của sông Cầu. Cụ thể, trong Công văn số 530/TNMT-BVMT ký ngày 4-4-2016 của Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang gửi Bộ TN&MT có phản ánh tình trạng chất lượng nước mặt sông Cầu trong năm ngày (từ ngày 31-3-2016) đoạn từ cống thải của sông Ngũ Huyện Khê đến khu vực cuối nguồn bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước sông có mùi hôi, tanh, nước chuyển mầu đen, cá chết hàng loạt.
Tiếp nhận thông tin từ cơ sở, Bộ TN&MT khi ấy đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra khảo sát tình hình thực tế ở khu vực này. Sau kiểm tra, đoàn công tác này đã chính thức thông tin về tình trạng ô nhiễm kéo dài của dòng sông. Trong đó có đánh giá: đã nhiều năm nay, sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là vào mùa khô. Kết quả theo dõi diễn biến chất lượng nước của Tổng cục Môi trường tại dòng sông này trong đợt tháng 3 của các năm 2014, 2015, 2016 cho thấy, ở cả bốn vị trí quan trắc tại cầu Song Thát, Văn Môn, cầu Lộc Hà, cầu Đào Xá đều bị ô nhiễm. Các thông số DO, COD, BOD5, N-NO2- , N-NH4+đều vượt giá trị QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1. Đợt quan trắc năm 2016 tại điểm cầu Đào Xá cho thấy giá trị COD là 542mg/l vượt gấp 18 lần và BOD5 có giá trị là 392 mg/l vượt gấp 26 lần so QCVN 08-MT:2015/BTNMT loại B1. Chất lượng nước chỉ phù hợp cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.
Trên sông Cầu, từ đoạn trước hợp lưu và sau hợp lưu sông Ngũ Huyện Khê cho đến cuối sông Cầu đoạn chảy qua xã Đồng Phúc, chất lượng nước có dấu hiệu ô nhiễm với thông số N-NH4+ và N-NO2-. Tại thời điểm tháng 3-2016, cả sáu vị trí quan trắc: Vạn Phúc, Hòa Long, cầu Thị Cầu, Thống Hạ, Hiền Lương, Yên Dũng trên sông Cầu đều bị ô nhiễm hai thông số trên. Ngày 13-4-2016, đoàn kiểm tra của Bộ TN&MT đi kiểm tra thực tế đã đánh giá, nước sông vẫn có mùi hôi, dòng sông Cầu chia làm hai mầu trắng đen rõ rệt.Ngày 4-5-2016, Bộ TN&MT đã chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa hai tỉnh. Trong đó có nội dung tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề, cụm công nghiệp và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cũng từ đó, ít thấy cơ sở nào bị xử lý cho nghiêm theo chỉ đạo. Dòng sông vẫn ngày một ô nhiễm. Cá chết nhiều và liên tục hơn.
Vẫn là những lời... kêu cứu
Trong công văn gần đây nhất gửi các cơ quan chức năng cấp trên (Công văn số 33/TNMT-Mtg ký ngày 4-6-2018 và Công văn số 38/TNMT-MT ký ngày 13-6-2018), Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã thông tin, từ đầu năm 2018 tới nay, nước sông Cầu đoạn chảy qua địa bàn huyện Yên Dũng đã có ít nhất ba lần chuyển mầu đen, bốc mùi hôi tanh và cá chết hàng loạt (đợt một diễn ra từ ngày 28 đến 30-4, đợt hai diễn ra từ ngày 2 đến 3-6, và đợt thứ ba diễn ra vào ngày 13-6). Cũng thông tin từ cơ sở cho biết, ngay khi nhận được phản ánh từ phía người dân ở các xã Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc (Yên Dũng, Bắc Giang) về vấn đề này, cán bộ huyện đã đi xác minh thực tế, kết quả cho thấy, nước mặt sông Cầu từ địa bàn xã Yên Lư đến xã Đồng Phúc mầu đục, mùi hôi, tanh, có nhiều cá chết nổi trên mặt nước.
Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Yên Dũng Lại Văn Hà đã đề nghị UBND các xã Yên Lư, Nham Sơn, Thắng Cương, Tư Mại, Đồng Phúc khuyến cáo cho nhân dân trên địa bàn biết về tình trạng trên khi sử dụng nguồn nước này vào mục đích sản xuất, sinh hoạt và chăn nuôi. Về tình trạng này, Phòng TN&MT Yên Dũng đã có báo cáo, phản ánh nhiều lần với Sở TN&MT Bắc Giang để kiểm tra làm rõ. Từ đó cơ quan cấp trên có những động thái đánh giá mức độ ô nhiễm và có các biện pháp xử lý đến trấn an người dân. Tuy vậy, tất cả những động thái trên có lẽ mới chỉ dừng lại ở... dạng văn bản.
Căn cứ vào văn bản của Phòng TN&MT huyện Yên Dũng thì thấy rằng, sông Cầu ô nhiễm thế vẫn còn... hơi ít. Bởi cũng bằng những thông tin từ Văn bản số 1530/TNMT-BVMT về việc đề nghị giải quyết tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại địa phận tỉnh Bắc Giang, do Sở TN&MT Bắc Giang “kêu” tới Bộ TN&MT ngày 29-6-2018, trong đó có nhắc tới nhiều lần khác dòng sông quan họ bị đổi mầu (tính từ tháng 4 đến cuối tháng 6-2018, ít nhất đã có bốn lần sông bị ô nhiễm nghiêm trọng). Sở TN&MT tỉnh này cũng khá “bức xúc” bởi Sở đã nhiều lần tổ chức làm việc và có văn bản đề nghị tỉnh Bắc Ninh giải quyết, đồng thời đã gửi nhiều công văn thông tin việc này đến Tổng cục Môi trường (các công văn số 295/TNMT-BVMT ngày 23-2-2017, 1252/TNMT-BVMT ngày 15-6-2017, 2114/TNMT-BVMT ngày 5-10-2017, 2221/TNMT-BVMT ngày 20-10-2017, 440/TNMT-BVMT ngày 9-3-2018 và gần nhất là Công văn số 1530).Tuy nhiên tới nay, tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm.
Ở công văn gần đây, người ta đã nhắc tới nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu không chỉ do những tồn tại từ sông Ngũ Huyện Khê. Nỗi bức xúc còn do hoạt động của khu liên hiệp xử lý rác thải tại Phù Lãng, Quế Võ, Bắc Ninh gây mùi, khí thải, ruồi nhặng ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của những người dân phía bên kia sông. Cần nói thêm rằng, đối diện với xã Thắng Cương, ở phía bên kia sông Cầu là khu xử lý rác thải Phù Lãng. Và đối diện với xã này, cũng là trạm Cảnh sát giao thông đường thủy, nơi hằng đêm người ta đổ trộm rác thải xuống sông Cầu.
Trao đổi ý kiến với những người dân sống ở con đê bối cạnh sông Cầu (địa phận xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang), thì được khuyến cáo: Mỗi lúc trời mưa to, nước sông lại đổi mầu, khi ấy cá to sẽ nổi lên. Một số bà con, và cả trạm Cảnh sát giao thông đường thủy bên kia sông, người ta vẫn vớt cá lên. Nhưng bà con cũng chẳng dám ăn. Cứ thả cá vào ao vài hôm cho hồi lại, rồi đem ra chợ bán.
Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi quay trở lại với dòng sông. Nước sông Cầu mùa lũ không thấy mầu đen nữa. Vùng nước sông chung quanh trạm Cảnh sát giao thông đường thủy, vẫn chưa tan hết những váng dầu loang.
Ngày 5-9-2018, tại Bắc Ninh đã diễn ra buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đại diện Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Vụ Quản lý chất thải... Cơ quan chức năng đã xác định sông Ngũ Huyện Khê tiếp nhận nước thải trực tiếp từ hoạt động làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm với lưu lượng khoảng 10.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải chỉ có công suất 5.000 m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom nước thải đồng bộ. Khu xử lý rác thải tập trung tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ trong quá trình hoạt động chưa tuân thủ đúng quy trình chôn lấp, chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường, thải nước rỉ rác ra kênh mương và bơm trực tiếp ra sông Cầu. UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo cơ quan chức năng, các doanh nghiệp khắc phục, nhưng những đơn vị này chưa xử lý triệt để.