Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững

|

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ “gay go” nếu tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng và bất động sản như hiện tại. Để phát triển bền vững, cần đa dạng hóa cơ cấu phát hành trái phiếu, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.

Sự lệ thuộc "báo động"

Sự dịch chuyển trong cơ cấu tổ chức phát hành TPDN đã trở nên rõ nét kể từ năm 2023. Nếu trong giai đoạn tháng 7-9/2023, lượng trái phiếu phát hành từ nhóm bất động sản và ngân hàng không có sự chênh lệch đáng kể, thì hiện nay, phần lớn trái phiếu phát hành mới trên thị trường thuộc về các tổ chức tín dụng.

Dù vậy, bất động sản vẫn là nhóm ngành phát hành nhiều thứ hai trên thị trường. Tuy nhiên, thị trường TPDN chưa thật sự phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt như công nghiệp và nông nghiệp vẫn vắng bóng, trong khi ngân hàng huy động vốn qua kênh này chủ yếu để tăng vốn cấp 2, phục vụ cho hoạt động huy động và cho vay.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, cấu trúc thị trường TPDN phản ánh rõ nét cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù tăng trưởng GDP cao, nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, đầu tư và bán lẻ, trong đó phần lớn do các doanh nghiệp FDI đóng góp. Các doanh nghiệp trong nước, dù thiếu vốn trầm trọng, lại khó tiếp cận kênh TPDN do thị trường này đang tập trung vào hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản. Sự phụ thuộc này khiến tăng trưởng kinh tế tiếp tục "dựa dẫm" vào khối FDI.

Để giải quyết vấn đề, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và kiểm soát tuân thủ của SSI, cho rằng, cần khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm đa dạng hóa tệp khách hàng. Theo đó, việc sửa đổi các quy định pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường TPDN trở nên tích cực hơn.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty CP Fiingroup, đề xuất cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện tham gia sâu hơn vào thị trường TPDN. Hiện nay, nhóm này chỉ chiếm chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành, dù sở hữu tiềm lực rất lớn.

Mục đích “bất ngờ” của ngân hàng

Thực tế, nhu cầu "cần vốn" của các doanh nghiệp bất động sản là điều dễ hiểu, nhưng đối với ngân hàng, liệu việc phát hành trái phiếu liên tục với số lượng lớn có thật sự cần thiết? Tính từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đạt khoảng 245.400 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm tới 74% tổng giá trị toàn thị trường.

Lãi suất bình quân gia quyền của các trái phiếu này là 5,6%/năm, với kỳ hạn bình quân 5,3 năm. Các ngân hàng phát hành trái phiếu lớn nhất bao gồm ACB (29.800 tỷ đồng), Techcombank (26.700 tỷ đồng) và OCB (24.700 tỷ đồng).

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng tăng và có khả năng tiếp tục leo thang, việc các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu là chiến lược hợp lý. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn tiền gửi của khách hàng, vốn rất nhạy cảm với biến động lãi suất. Đồng thời, trái phiếu ngân hàng, với kỳ hạn dài hơn, mang lại nguồn vốn bền vững hơn, tạo lợi thế trong việc duy trì ổn định tài chính và hỗ trợ hoạt động cho vay.

Tuy nhiên, động lực chính khiến các ngân hàng phát hành trái phiếu với quy mô lớn hiện nay xuất phát từ nhu cầu tái cơ cấu kỳ hạn và thanh toán các trái phiếu đến hạn. Nhiều ngân hàng đã phát hành lượng lớn trái phiếu kỳ hạn ngắn 1-2 năm trong những năm trước, dẫn đến việc phải liên tục phát hành trái phiếu mới để thay thế khi các khoản vay này đáo hạn, nhằm cân đối nguồn vốn.

Chẳng hạn như trường hợp của ngân hàng ACB, trong năm 2024, sau hai đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với quy mô lớn nhất 15.000 tỷ đồng mỗi đợt trong chín tháng đầu năm, Hội đồng Quản trị ACB mới đây tiếp tục thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ lần thứ ba, cũng với quy mô 15.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2024, ACB ghi nhận 90.336 tỷ đồng giấy tờ có giá, tăng 37.956 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Đối với các trái phiếu kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên), các ngân hàng thường mua lại trước hạn và phát hành mới để duy trì thời hạn tương đương. Điều này là do trái phiếu có kỳ hạn còn lại hơn 5 năm được tính vào vốn tự có cấp 2, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Khi kỳ hạn còn lại dưới 5 năm, nhu cầu phát hành thay thế thường xuyên phát sinh để bảo đảm yêu cầu vốn.

Ngoài ra, vốn điều lệ của các ngân hàng liên tục tăng trong những năm qua nhờ lợi nhuận tích lũy từ hoạt động kinh doanh hiệu quả. Việc tăng mạnh vốn tự có cấp 1 đã mở rộng khả năng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, bởi theo quy định, vốn tự có cấp 2 không được vượt quá 100% vốn tự có cấp 1.

Bên cạnh đó, nợ xấu có xu hướng gia tăng, trong khi các ngân hàng phải liên tục cơ cấu lại nợ cho khách hàng, từ những trường hợp đáp ứng quy định của Thông tư 06/2024/TT-NHNN đến các khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão Yagi.

Điều này làm tăng nhu cầu vốn trung và dài hạn, giúp duy trì tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo yêu cầu pháp lý. Trong bối cảnh đó, phát hành trái phiếu trở thành giải pháp tất yếu để các ngân hàng bảo đảm hoạt động ổn định và phát triển bền vững.

TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, thị trường TPDN tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản. Thống kê cho thấy, trong 11 tháng qua, các ngân hàng tiếp tục dẫn đầu về số lượng phát hành.