Tallinn đã miễn phí giao thông công cộng được 10 năm. Người dân tại đây đã dần quen với việc di chuyển bằng xe bus, xe điện và tàu điện nội thành chỉ với một chiếc thẻ di chuyển duy nhất, được gọi là thẻ xanh. Anh Kristjan Lind, một người tham gia giao thông, đã bỏ thói quen lái ô-tô và thay bằng xe bus điện công cộng để đi làm hằng ngày, cho rằng: “Sử dụng thẻ xanh khiến cho mọi hoạt động trung chuyển trở nên đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều”.
Euronews dẫn lời Phó Thị trưởng thành phố Tallinn, ông Vladimir Svet cho hay: “Giao thông công cộng là một giải pháp căn bản được chúng tôi thực hiện để thay thế “sự hấp dẫn” của ô-tô cá nhân. Song, việc thay thế hoàn toàn và phát triển giao thông xanh cần nhiều công sức và nỗ lực hơn”. Trước đây, số lượng người dân sử dụng ô-tô ở Tallinn khá cao. Đáng chú ý Estonia có tỷ lệ xe du lịch trên 20 năm tuổi cao thứ hai tại Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, cùng với việc miễn phí vé xe bus, xe điện và tàu điện, giới chức thành phố đã mở hành lang cho nhiều loại phương tiện để kết nối giữa các điểm đến đầu cuối. “Một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là tạo ra một mạng lưới giao thông công cộng hiệu quả hơn nhưng không làm ảnh hưởng khả năng kết nối, đặc biệt là nhu cầu di chuyển đến những điểm chưa có ga tàu hay bến xe bus”, ông Svet giải thích thêm.
Ông Kaidi Poldoja, người đứng đầu bộ phận quy hoạch đô thị của Tallinn cho biết: “Tạo thêm không gian cho phương tiện giao thông công cộng và các hình thức di chuyển chung khác là một hành động tái cân bằng. Thay vì cấm sử dụng ô-tô cá nhân, Tallinn đã giới thiệu nhiều lựa chọn phương tiện mới để kết nối với mạng lưới giao thông của thành phố, trong đó đặc biệt chú ý tiết kiệm thời gian cần thiết để đi lại giữa hai điểm và tốc độ di chuyển”.
Vào tháng 9 vừa qua, giới chức Tallinn thí điểm cung cấp dịch vụ xe bus không người lái miễn phí. Chuyến xe bus không người lái được xem là giải pháp “xe bus chặng cuối” để kết nối với mạng lưới công cộng, đưa mọi người đến những địa điểm hẻo lánh hoặc tuyến phố quá nhỏ, nơi xe bus lớn không tiện đi đến. Để xoa dịu cảm giác lo ngại mất an toàn của xe bus tự hành, một người điều khiển đóng vai trò như phụ xe và có khả năng xử lý trong tình huống bất ngờ, luôn có mặt trên xe hỗ trợ người sử dụng. “Xe bus chặng cuối” bước đầu giúp người dân di chuyển thành một hành trình liền mạch, khép kín và an toàn, tiện lợi.
Ngoài ra, theo ông Poldoja, cũng như nhiều nước châu Âu, Estonia đang khuyến khích việc sử dụng xe đạp nhiều hơn ở Tallinn và các thành phố khác. Điều này được thực hiện thông qua các biện pháp cải thiện và xây dựng phát triển hạ tầng dành cho xe đạp trong vài năm qua. Kết quả là số lượng người đi xe đạp đang gia tăng nhanh chóng. Điều này cũng mở ra cơ hội cho các nhà khởi nghiệp địa phương đưa ra những giải pháp đổi mới sáng tạo xoay quanh các vấn đề phát triển giao thông công cộng, chẳng hạn như trông giữ, kết nối mạng lưới xe đạp.
“Không có một mô hình hay mạng lưới vận tải đa phương thức nào phù hợp cho tất cả trong một thành phố, bởi mỗi địa phương có lịch sử, địa hình và nhu cầu phát triển khác nhau. Nhưng chúng tôi mong rằng các địa phương khác trên thế giới có nhiều điều để học hỏi từ Tallinn”, Phó Thị trưởng Svet chia sẻ. Vừa qua, thủ đô của Estonia đã được ghi nhận trở thành “Thủ đô xanh châu Âu năm 2023” nhờ những nỗ lực phát triển xanh, sạch và điều tiết giao thông đô thị thuận tiện hơn.