Chiến sự còn kéo dài
Ngày 7/10/2023, Hamas tấn công vào một số địa phương miền nam Israel khiến khoảng 1.140 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường và sau đó bắt cóc khoảng 250 con tin Israel sang Gaza. Lập tức, Israel đã phát động chiến dịch trả đũa mang tên “Những thanh gươm sắt”, huy động gần như toàn bộ quân số và vũ khí, khí tài, cộng thêm khoảng 300.000 quân dự bị. Kể từ khi giao tranh giữa Hamas và Israel nổ ra, khoảng 24.000 người Palestine đã thiệt mạng và 7.000 người mất tích.
Ngày 15/1, CNN đưa tin, lực lượng quân sự Israel tiếp tục tấn công vào các đơn vị của Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas ở miền nam Gaza. Tại các trại tị nạn ở Bureij và Maghazi ở trung tâm Gaza, những tay súng Hamas đã chiến đấu chống trả và xảy ra đụng độ nặng nề làm nhiều dân thường Palestine thiệt mạng. Hầu hết bệnh viện trong khu vực đều không hoạt động. Tại Bờ Tây, tình trạng bạo lực gia tăng khi người Palestine đụng độ với người định cư Do thái và lực lượng an ninh Israel. Tình hình vẫn căng thẳng và thương vong của các bên tiếp tục tăng cao, mặc dù trước đó giới chức Israel đã tuyên bố cuộc chiến “chuyển sang giai đoạn ít khốc liệt hơn”, không còn ném bom quy mô lớn mà tập trung vào các hoạt động chống lại mục tiêu cụ thể. Song, ông Netanyahu cũng bác bỏ lệnh ngừng bắn cho đến khi Israel hoàn tất việc “phá hủy hoàn toàn năng lực quân sự” của Hamas.
Tổng cộng, Hamas đã bắn khoảng 9.000 quả đạn pháo và tên lửa từ dải Gaza sang Israel. Quân đội Israel đã sư dụng những công nghệ hiện đại nhằm phát hiện và phá hủy hệ thống đường hầm có chiều dài lên tới 500 km và được cho là “xương sống” sức mạnh quân sự của Hamas. Theo số liệu của Israel, quân đội nước này đã thực hiện khoảng 30.000 cuộc tấn công vào các mục tiêu tại Gaza, tiêu diệt 9.000 tay súng Hamas.
Thực tế cho thấy lực lượng Hamas vẫn chống trả quyết liệt. Đã hơn 3 tháng từ khi phát động chiến dịch ở Gaza, Israel chưa có ý định chấm dứt. “Chiến tranh có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố khi trình bày về ngân sách quốc phòng bất thường tại cuộc họp chính phủ gần đây. Động thái cho thấy hai bên nhiều khả năng lún sâu vào một cuộc xung đột không hồi kết.
HĐBA LHQ thông qua nghị quyết về dải Gaza tháng 12/2023. Ảnh: AP |
Báo động tình hình nhân đạo
Theo El Pais, xung đột ở Gaza đã trở thành cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ khi Nhà nước Israel ra đời vào năm 1948. Nó đã gây ra cuộc di cư lớn nhất của người Palestine và cũng là sự kiện khiến nhiều người Israel thiệt mạng nhất chỉ trong một ngày. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) ước tính, 2,3 triệu cư dân ở Gaza có nguy cơ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, và nửa triệu người nữa đang đứng trước nạn đói “thảm khốc”.
Đã có gần 24.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là dân thường. Khoảng 85% dân số phải rời bỏ nhà cửa; 50% các công trình dân sự bị phá hủy không thể phục hồi; 100% học sinh phải nghỉ học. Tình trạng mất liên lạc do mất sóng điện thoại và internet ở nhiều khu vực khiến thông tin bị gián đoạn và không thể đánh giá đầy đủ dữ liệu dân số. Đặc biệt, căng thẳng gia tăng tại những khu vực này khiến thương vong tăng, an ninh ngày càng bất ổn cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo. LHQ cũng đang kêu gọi điều tra quốc tế về vi phạm nhân đạo trong cuộc xung đột này.
Các cuộc tấn công đã gây ra thảm họa nhân đạo. Bệnh viện không thể hoạt động đầy đủ chức năng, 26% dân số Gaza đối mặt tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng, 220 người mới có một nhà vệ sinh. Việc thiếu thốn nguồn lực y tế dẫn tới người bị thương không được chăm sóc, cứu chữa, trong khi những người đang mắc bệnh cũng bị tạm ngừng điều trị, hoặc thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế. Hiện, số giường bệnh có sẵn tại đây chỉ đủ để đáp ứng một phần năm tổng nhu cầu là 5.000 giường cấp cứu. Hơn ba phần tư trong số 77 cơ sở y tế tại dải Gaza đã dừng hoạt động, khiến nhiều người dân không có cơ hội được chăm sóc y tế cơ bản khi cần.
Phát biểu ý kiến với báo chí về tình hình tại dải Gaza, Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh, các cơ quan cứu trợ nhân đạo cùng đối tác ngày càng lo ngại những biện pháp hạn chế của Israel, đặc biệt là ở khu vực phía bắc dải Gaza. Biện pháp hạn chế khiến nhiều tổ chức cứu trợ nhân đạo không thể tiếp cận người bị thương và người tị nạn, trong đó dịch vụ y tế ở vùng Deir al Balah và Khan Younis gần như tê liệt. Điều kiện sống tạm bợ, tập trung đông đúc tại các khu lều trại thiếu nước, kém vệ sinh khiến họ đối mặt nguy cơ cao bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Ông Dujarric cho biết, các tổ chức cứu trợ đã nỗ lực hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh dịch tễ tại vùng Rafah và Khan Younis, nhưng phải đối mặt thách thức lớn, trong đó có thiếu lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, khó khăn về hậu cần và thiếu nguồn cung nước sạch.
Người dân Palestine tại dải Gaza không chỉ đang đối mặt một cuộc chiến chết chóc, mà cho dù chiến sự có thể dừng lại ngay lúc này thì những vấn đề nhân đạo cũng chưa thể khắc phục sớm. Họ sẽ phải mất nhiều năm đối phó tình trạng thiếu thốn lương thực, thực phẩm và dịch bệnh lây lan.
Nỗ lực kêu gọi ngừng bắn
Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã khiến tình hình an ninh khu vực Trung Đông “nóng” lại trên các bàn nghị sự, thu hút những nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế từ những tháng cuối năm 2023. Đồng thời, chính khách các nước cũng thúc đẩy triển khai Nghị quyết 2720 của HĐBA LHQ về tình hình nhân đạo ở dải Gaza, tăng cường phối hợp quốc tế nhằm sớm đạt được ngừng bắn toàn diện và lâu dài. Nghị quyết 2720 thông qua ngày 23/12/2023, kêu gọi các bên tuân thủ các nghĩa vụ luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân đạo quốc tế; tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp, an toàn và không bị cản trở một cách trực tiếp cho dân thường Palestine ở dải Gaza; trả tự do cho các con tin ngay lập tức và vô điều kiện; nhanh chóng thiết lập một cơ chế của LHQ để đẩy nhanh các chuyến hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza thông qua các quốc gia không tham gia cuộc xung đột; đồng thời bảo đảm rằng hàng viện trợ đến được với người dân ở khu vực này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng nhấn mạnh, lệnh ngừng bắn nhân đạo là con đường duy nhất để “chấm dứt cơn ác mộng mà người dân tại vùng lãnh thổ này đang phải gánh chịu”. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi giải pháp ngoại giao để tránh kéo Trung Đông vào một cuộc xung đột lan rộng. Trong đó, việc đạt thỏa thuận ngừng bắn được xem là nền tảng cho bất kỳ giải pháp tiềm năng nào, đồng thời giải thoát cho dân thường ở Israel và Gaza nói riêng, người dân khu vực nói chung một khi cuộc xung đột lan rộng ra toàn Trung Đông. Song, với tình hình hiện nay, Trung Đông đang đứng trước lựa chọn khó khăn giữa giải pháp ngoại giao và leo thang xung đột.