Nhà kinh tế trưởng của WB, Indermit Gill nhận định, mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu dường như đang dần ổn định sau tác động của đại dịch, xung đột, lạm phát và các chính sách thắt chặt tiền tệ, song mức tăng trưởng hiện nay lại thấp hơn so trước năm 2020.
Theo Bloomberg, các chuyên gia WB cũng chỉ ra 3 rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm lãi suất cao, căng thẳng địa-chính trị và các vấn đề chính trị. WB dự báo lạm phát toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 3,5% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống mức 2,9% trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất trên toàn thế giới được dự báo vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 4% trong giai đoạn 2025 và 2026 - gần gấp đôi mức trung bình trong 2 thập kỷ trước đại dịch.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu của WB Ayhan Kose cho rằng, lãi suất cao trong thời gian dài sẽ khiến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, dẫn đến mức tăng trưởng yếu hơn tại các nền kinh tế đang phát triển.
Bên cạnh yếu tố lãi suất, nguy cơ từ căng thẳng Nga-Ukraine hay xung đột Hamas-Israel có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do giá dầu mỏ và chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao. Xung đột leo thang cũng có thể tác động tiêu cực đến tâm lý kinh doanh và tiêu dùng, làm gia tăng lo ngại rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Những diễn biến chính trị cũng sẽ tác động đến tăng trưởng, khi hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay có khả năng dẫn dến sự thay đổi lãnh đạo tại một số quốc gia, kéo theo thay đổi về chính sách mà không phải khi nào cũng tích cực. Ngoài ra, căng thẳng thương mại đang gia tăng giữa một số nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
WB nhận định, sự bất ổn tăng cao liên quan chính sách thương mại và tiềm năng áp dụng các chính sách hướng nội hơn có thể ảnh hưởng đến triển vọng thương mại và hoạt động kinh tế toàn cầu.