Phát triển không gian kỹ thuật số an toàn và rộng mở

|

Tại Hội nghị thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số vì các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Digital) diễn ra mới đây tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu nhằm điều chỉnh hợp tác quốc tế phù hợp với thực tế hiện nay và những thách thức trong tương lai.

Mở rộng khả năng truy cập internet

​Cơ quan phát triển viễn thông của LHQ (ITU) cho hay, sẽ có 5,35 tỷ người sử dụng internet tính đến hết năm 2024, tương đương 66,2% dân số thế giới. Người dùng internet đã tăng 1,8% trong năm ngoái, với 97 triệu người dùng mới trực tuyến lần đầu trong năm 2023. Tổng cộng 13 quốc gia báo cáo tỷ lệ truy cập internet đã đạt 99% trở lên, điều này cho thấy hầu như mọi người ở các quốc gia này đều đã trực tuyến.

Các nước Bắc Âu có tỷ lệ sử dụng internet cao nhất, trong đó Na Uy và Đan Mạch đều có tỷ lệ sử dụng internet là 99% trở lên. Thụy Điển và Phần Lan cũng không kém cạnh, với tỷ lệ lần lượt là 98,1% và 97,8% vào đầu năm 2024. Các quốc gia giàu có hơn ở Trung Đông cũng có tỷ lệ sử dụng internet ấn tượng, trong đó Bahrain, Kuwait, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đều có tỷ lệ sử dụng internet vượt quá 99% tổng dân số. Chỉ có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trong tổng số 233 quốc gia và vùng lãnh thổ có dữ liệu về người dùng internet đang có tỷ lệ truy cập dưới 50%.

Tuy nhiên, hơn 33% dân số thế giới vẫn ngoại tuyến vào năm 2024, tương đương hơn 2 tỷ người chưa truy cập, còn rất xa mục tiêu mà LHQ đã đặt ra về kết nối toàn cầu vào năm 2030 và tốc độ tăng trưởng hiện tại cho thấy khả năng đạt được mục tiêu này ngày càng thấp. Tăng trưởng kết nối internet cũng tăng lên ở các quốc gia thu nhập thấp, nơi dữ liệu cho thấy người dùng internet tăng khoảng 17% trong năm 2022, tuy nhiên có chưa đến 30% người dân có kết nối với internet ở các quốc gia này.

Những số liệu mới nhất xác nhận rằng mức tăng trưởng hai chữ số về kết nối internet được quan sát thấy ở thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 năm 2020 chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, song đến nay chưa tăng trưởng đủ mạnh để đạt mục tiêu về kết nối toàn cầu vào năm 2030 của LHQ. “Kỷ nguyên chuyển đổi số đang mang lại những lợi ích rõ ràng. Chúng tôi đang tập trung xây dựng các kỹ năng số cho tất cả mọi người để có thể giúp mở khóa giá trị và trải nghiệm trực tuyến an toàn, bổ ích”, ông Cosmas Luckyson Zavazava, Giám đốc của ITU cho biết.

Ngày nay, internet là công cụ thiết yếu để truy cập thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm và tiếp cận giáo dục. Những người không có điều kiện truy cập mạng có thể bị bỏ lại phía sau, thiếu hụt thông tin cơ bản hoặc không thể tiếp cận những nguồn mở trên internet. Việc tụt hậu trong tiếp cận internet trở nên nghiêm trọng hơn khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Bảo đảm an ninh kỹ thuật số

Tại Hội nghị thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số vì các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG Digital), các nhà lãnh đạo thế giới đã thông qua Hiệp ước vì tương lai, trong đó bao gồm Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu, nhằm điều chỉnh hợp tác quốc tế phù hợp thực tế ngày nay và những thách thức trong tương lai. Là thỏa thuận quốc tế về không gian số có phạm vi rộng nhất trong nhiều năm, bao gồm các lĩnh vực hoàn toàn mới cũng như các vấn đề mà thỏa thuận chưa thể đạt được trong nhiều thập kỷ, Hiệp ước trước hết nhằm mục đích bảo đảm rằng các tổ chức quốc tế có thể hoạt động khi đối mặt một thế giới đang thay đổi đáng kể. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận xét, Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu nhằm mục đích tạo ra một tương lai kỹ thuật số toàn diện, cởi mở, an toàn và bảo mật cho tất cả mọi người.

Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu là khuôn khổ toàn diện đầu tiên về hợp tác kỹ thuật số và quản trị AI. Trọng tâm của hiệp ước là cam kết thiết kế, sử dụng và quản lý công nghệ vì lợi ích của tất cả mọi người. Điều này bao gồm cam kết của các nhà lãnh đạo thế giới nhằm kết nối tất cả người dân, trường học và bệnh viện với internet; thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số về nhân quyền và luật pháp quốc tế; làm cho không gian trực tuyến trở nên an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, thông qua hành động của chính phủ, công ty công nghệ và mạng xã hội; quản trị AI với lộ trình bao gồm hội đồng khoa học quốc tế và đối thoại chính sách toàn cầu về AI; làm cho dữ liệu trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn bằng các thỏa thuận về dữ liệu, mô hình và tiêu chuẩn nguồn mở. Đây cũng là cam kết toàn cầu đầu tiên về quản trị dữ liệu, đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của LHQ và yêu cầu các nước có hành động cụ thể vào năm 2030.

Theo đánh giá của người đứng đầu ITU, tập trung vào sự tin cậy và bảo mật kỹ thuật số là chìa khóa cho tương lai của internet. Các nhà quản trị toàn cầu đang đưa ra một số cam kết chính và lời kêu gọi hành động khẩn cấp, mỗi cam kết được thiết kế để tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn và bảo mật hơn. Trong đó, LHQ kêu gọi các quốc gia thiết lập những bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn chung để chống lại nội dung có hại trên các nền tảng kỹ thuật số. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã đề ra Sáng kiến ​​niềm tin kỹ thuật số về quản trị các công nghệ cơ bản của internet nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các tổ chức an toàn trực tuyến quốc gia.

Bằng cách thể chế hóa mối hợp tác, các bên liên quan có thể phát triển sự hiểu biết chung nhằm bảo vệ quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận và quyền tiếp cận thông tin, đồng thời giảm thiểu tác hại và rủi ro từ môi trường trực tuyến. Hiệp ước cũng khẳng định mạnh mẽ việc ưu tiên các chính sách an toàn trực tuyến cho trẻ em ở mọi quốc gia. Các chính phủ được kêu gọi xây dựng và thực hiện chính sách phù hợp, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, hiệp ước cũng giám sát thường xuyên các chính sách của nền tảng số về chống lạm dụng và bóc lột tình dục trẻ em, vốn được coi là bắt buộc để thực hiện trách nhiệm bảo vệ người dùng dễ bị tổn thương. Một khía cạnh quan trọng khác được hiệp ước nhắc đến là bảo đảm tuân thủ pháp lý với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền riêng tư, quyền tự do ngôn luận và quy trình tố tụng hợp pháp. Luật và quy định liên quan việc sử dụng công nghệ phải tuân thủ các tiêu chuẩn này, tạo ra sự cân bằng giữa các biện pháp bảo mật và quyền cá nhân.

Hiện nay, một trong những thách thức với công tác an ninh mạng là giải quyết nội dung số có hại. Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu đã kêu gọi các nước tham vấn để đưa ra chiến lược chống lại nội dung có hại, thu hút nhiều người dùng khác nhau, bao gồm trẻ em và thanh, thiếu niên, vào quá trình phát triển công nghệ, bảo đảm rằng, các công ty và nhà phát triển công nghệ số tuân thủ quy tắc đạo đức trong quá trình thiết kế và cung cấp công nghệ số. Các nền tảng truyền thông xã hội được khuyến khích cung cấp tài liệu đào tạo liên quan an toàn trực tuyến và những biện pháp bảo vệ trẻ em và thanh, thiếu niên tham gia không gian mạng. Thông qua đó, thúc đẩy văn hóa hiểu biết về kỹ thuật số và khả năng nhận diện nội dung xấu, độc hại trong những người dùng trẻ tuổi, trang bị cho họ các công cụ để điều hướng thế giới trực tuyến một cách an toàn.