Sumo chuyên nghiệp hay còn gọi là “Ozumo” là một môn tập luyện đấu vật cổ xưa có từ hơn 1.500 năm trước. Trước đây, sumo được coi là một tập tục được thực hiện theo truyền thống tại các đền thờ ở Nhật Bản để cầu nguyện cho vụ mùa bội thu. Đây cũng là môn thể thao yêu thích lâu đời của Nhật Bản và được cho là chỉ dành cho nam giới, đặc biệt ở cấp độ thi đấu chuyên nghiệp. Trong quan niệm của nhiều người Nhật, phụ nữ không được phép tham gia vào môn thể thao này. Thậm chí, thời xưa, phụ nữ bị coi là không trong sạch và không được bước lên võ đài.
Tuy nhiên, đấu vật nữ vẫn tồn tại và phát triển, song chủ yếu là hoạt động của câu lạc bộ trường học hoặc trường đại học. Theo The Guardian, những phụ nữ đam mê môn thể thao phải đổ mồ hôi và nước mắt để chứng minh rằng họ xứng đáng được thi đấu. Đáng buồn thay, hầu hết những cô gái này cuối cùng sẽ phải từ bỏ những nỗ lực và hoài bão của mình. Trong khi các VĐV sumo nam có thể kiếm tiền bằng cách tham gia các giải đấu và thăng hạng, thì phụ nữ hầu như không thể kiếm sống bằng sumo. Trước tình hình đó, những năm gần đây, các nữ đô vật ở Nhật Bản đang chiến đấu hết mình để được lắng nghe và được phép tập luyện sumo ở cấp độ chuyên nghiệp.
Nana Abe, một VĐV sumo nữ mới chỉ 15 tuổi bắt đầu quan tâm đến sumo cách đây bảy năm. Năm 2018, các huấn luyện viên sumo đã nhìn thấy tiềm năng ở cô bé này sau một vài buổi tập. Nana sau đó đã quyết định nghiêm túc với môn thể thao này, từ đó, cô rèn luyện cơ thể và tăng cân lý tưởng cho một đô vật sumo chuyên nghiệp. May mắn, Nana nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Cha Nana đã chế tạo một sân tập đấu vật trong khu vườn của gia đình và tìm mọi thiết bị cần thiết để Nana có thể luyện tập bất cứ lúc nào cô muốn. Cả gia đình lái xe đường dài đi khắp đất nước để cổ vũ cho Nana thi đấu. “Em nghĩ rằng sumo là dành cho tất cả mọi người, không nên có ranh giới trong các môn thể thao. Em hy vọng ngày càng nhiều nữ VĐV sumo được công nhận”, Nana bày tỏ.
Trước những nỗ lực của các nữ VĐV sumo, năm 2018, Ủy ban Olympic Quốc tế đã công nhận sumo là một môn thể thao, song nó vẫn chưa phải là một nội dung thi đấu tại Thế vận hội Olympic. Tiếp đó, tháng 9/2019, Liên đoàn Sumo nữ đã tổ chức Wanpaku sumo quốc gia (giải trẻ) dành cho nữ tại Thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu trong lịch sử, các đô vật nữ trẻ tuổi từ khắp mọi miền đất nước cùng quy tụ trên một sàn đấu. Tuy nhiên, hầu hết khán giả vẫn chỉ là các bậc cha mẹ đi cổ vũ cho con cái của họ. Trong năm vừa qua, thế giới sumo nữ đã có một số thay đổi đáng kể khi số lượng giải đấu dành cho nữ không ngừng tăng lên và có những võ đài mới mà họ có thể tham gia. Điều này mang lại hy vọng rằng Nana và các cô gái khác sẽ có thể tiếp tục sự nghiệp của họ.
Chia sẻ với CNN, Hiyori Kon, một thành viên của đội tuyển quốc gia Nhật Bản cho biết: “Con gái có thể cảm thấy thất vọng vì giới tính của mình không? Tôi muốn giấc mơ của các cô gái sumo trở thành sự thật. Xã hội Nhật Bản đang ngày càng ủng hộ sumo nữ”.
Trên thực tế, lượng người xem sumo đã giảm dần trong hai thập kỷ qua khi phải cạnh tranh với hai môn thể thao thu hút lượng lớn khán giả là bóng chày và bóng đá. Nhưng điều đó đã thúc đẩy Hiệp hội Sumo Nhật Bản sáng tạo. Tháng 10/2022, hiệp hội đã công bố hợp tác với Pokemon Inc., công ty đã quản lý thương hiệu pokemon, nhằm đưa các linh vật của công ty này như Pikachu diễu hành tại giải Wanpaku để thu hút khán giả mới, trẻ tuổi hơn. Trước những thay đổi trong xã hội Nhật Bản cũng như chính sách của giới chức, các doanh nghiệp, tổ chức nước này, sumo nữ tại xứ Phù Tang hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai tươi sáng.