Kim Young-mi, phụ nữ nội trợ 40 tuổi ở Thủ đô Seoul, cho vào giỏ hàng một túi cà-rốt dù hình thức của chúng không được bắt mắt. Lý do khiến cô Kim đưa ra lựa chọn này là vì những củ cà-rốt “xấu mã” có giá rẻ hơn 30% so thông thường. “Chúng chỉ có vẻ ngoài không bắt mắt còn chất lượng vẫn tốt nên tôi đã chọn mua một túi”, cô Kim cho biết. Trong khi đó, Park Chul-min, một nhân viên văn phòng 36 tuổi đến từ Busan, đã tìm ra giải pháp tiết kiệm hơn khi chi cho thói quen uống cà-phê mỗi ngày của mình. “Thay vì những thương hiệu như Starbucks, tôi ghé thăm các cửa hàng tiện lợi. Cà-phê có giá dưới 2.000 won (1,5 USD), chưa bằng một nửa số tiền tôi thường trả”, Park chia sẻ.
Để phục vụ số lượng ngày càng nhiều người dân lo ngại về giá cả tăng cao, lĩnh vực bán lẻ Hàn Quốc đang bắt đầu giới thiệu các kênh mới cho sản phẩm với giá rẻ hơn. Từ rau, củ đến trái cây, cà-phê, đồ ăn nấu sẵn… dành cho những người muốn tiết kiệm số tiền ít ỏi. Motnany Market, cửa hàng trực tuyến chuyên mặt hàng nông sản, bán sản phẩm với giá rẻ hơn từ 20% đến 30% và ghi nhận doanh số tăng tám lần từ tháng 1/2022 đến nay. Lotte Mart, hệ thống bán lẻ nhượng quyền lớn của Hàn Quốc, đã chứng kiến doanh số bán hàng của họ tăng hơn 70% so năm trước khi giảm giá 20-30% các mặt hàng xấu mã song vẫn có chất lượng tốt.
Tháng 9 vừa qua, Paris Baguette, thương hiệu chuyên về bánh và đồ uống của “xứ sở kim chi” đã tung ra loại cà-phê đặc biệt mang tên Cafe Adagio Signature với giá 990 won (khoảng 0,73 USD). Công ty cho biết, đây là sự kiện đặc biệt dành cho người tiêu dùng trong bối cảnh giá thực phẩm tăng cao. Một quan chức của công ty này tiết lộ, chỉ trong hai tuần, các tiệm bánh thuộc thương hiệu đã bán được tổng cộng hơn 2 triệu cốc.
Theo The Korea Times, xu hướng chi tiêu mới xuất hiện khi đất nước đang trải qua thời kỳ lạm phát. Dự báo, lạm phát sẽ tăng nhanh tại Hàn Quốc vào cuối năm nay. Do đó, việc các doanh nghiệp bán lẻ và người dân linh hoạt với bối cảnh hiện tại là giải pháp thích ứng hiệu quả trong xu thế mới.