Nguy cơ đổ vỡ

|

Nhận định về 3 ngày đàm phán ở Doha (Qatar) về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn tại Trung Đông đang "gần hơn bao giờ hết". Tuy nhiên, Hamas cho biết, kết quả đàm phán chưa đáp ứng được nguyện vọng của người Palestine.

Tại Doha, các quan chức cấp cao từ chính phủ 3 nước Mỹ, Qatar và Ai Cập đã tham gia các cuộc đàm phán chuyên sâu với tư cách là những nhà trung gian, nhằm bảo đảm một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho các con tin và những người bị bắt giữ. Các cuộc đàm phán này có sự tham gia của phái đoàn Israel song Hamas không cử đại diện tới Qatar. Trong tuyên bố chung, Mỹ, Ai Cập và Qatar nhấn mạnh đề xuất được đưa ra nhằm thu hẹp khoảng cách để tạo điều kiện cho việc thực hiện nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, phong trào Hamas cho rằng, tiến trình đàm phán chưa tiến triển, do việc Israel đưa ra các điều kiện mới làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán đang diễn ra hiện nay. AP dẫn lời ông Walid Kilani, người phát ngôn của Hamas tại Lebanon, nêu rõ thông tin từ các cuộc đàm phán không đáp ứng được nguyện vọng của người dân Palestine, đồng thời cáo buộc Israel áp đặt thêm các điều kiện gây cản trở, như duy trì sự liên quan của Mỹ hoặc Israel tại Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc.

Hamas giữ nguyên quan điểm "bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đạt được ngừng bắn toàn diện, bao gồm Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza và những người phải di tản được trở về nhà". Tuy nhiên, Mỹ có quan điểm nghiêng về ủng hộ Israel khi mới đây cam kết cung cấp cho Israel 3,5 tỷ USD để mua vũ khí và thiết bị quân sự của Mỹ. Chưa kể chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 13/8 đã phê chuẩn các thương vụ bán vũ khí mới cho Israel với tổng giá trị lên đến hơn 20 tỷ USD. Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mong muốn các nhà đàm phán quốc tế sẽ gây sức ép để Hamas chấp nhận các điều kiện mới.

Các cuộc đàm phán được tổ chức nhằm bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza sau 10 tháng Israel không kích vào vùng đất này, khiến hơn 40.000 người Palestine thiệt mạng và hơn 92.000 người khác bị thương. Thế nhưng, lập trường ủng hộ Israel của Mỹ và thái độ cứng rắn của Tel Aviv đang khiến hòa đàm thêm bế tắc, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.