Cách tiếp cận khác biệt của EU và Mỹ
Theo các tài liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tiền điện tử (electronic money) được định nghĩa là “lưu trữ điện tử giá trị tiền tệ trên một thiết bị kỹ thuật có thể được sử dụng rộng rãi để thực hiện thanh toán cho các bên phải là đơn vị phát hành mà không cần phải liên quan đến các tài khoản ngân hàng trong giao dịch, nhưng đóng vai trò như một công cụ trả trước (a prepaid bearer instrument). Ngoài ra, theo cách phân loại của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), tiền điện tử là “giá trị được lưu trữ dưới hình thức điện tử trong một thiết bị như thẻ chip hay ổ cứng trong một máy tính cá nhân”.
Các sản phẩm tiền điện tử bao gồm hai dạng: Sản phẩm tiền điện tử dựa trên thẻ (card – based products) và sản phẩm tiền điện tử dựa trên phần mềm (software – based products). Sự khác biệt chủ yếu giữa các sản phẩm dựa trên thẻ và các sản phẩm dựa trên phần mềm nằm ở một số khía cạnh kỹ thuật an toàn và phương tiện lưu trữ tiền điện tử. Tuy nhiên, điểm tương đồng là: trong cả hai trường hợp, người sử dụng phải thanh toán trước cho giá trị được lưu trữ dưới dạng các đơn vị tiền điện tử, sau đó mới có thể được sử dụng cho các mục đích thanh toán. Trong các bộ nhớ xử lý và trong suốt các lần chuyển giao giữa chúng, tiền điện tử được biểu hiện bởi một chuỗi bit được mã hóa.
Về mặt quản lý đối với sản phẩm tiền điện tử, hiện nay mỗi quốc gia có một cách tiếp cận khác nhau, điển hình là cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) là quản lý chặt chẽ từ đầu, trong khi cách tiếp cận của Mỹ là “chờ và xem” đối với thị trường tiền điện tử, việc khuyến khích được thể hiện qua việc không ngăn cản sự phát triển của tiền điện tử bằng các quy định trong những giai đoạn đầu, chủ yếu để tiền điện tử phát triển theo kỷ luật thị trường. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã công nhận sự tồn tại của tiền điện tử và đã có những chính sách quản lý về tiền điện tử dưới những góc độ khác nhau.
Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đưa ra các quy định khá kỹ lưỡng. Tuy nhiên đến nay, cả hai khu vực pháp lý này đều chưa giải quyết triệt để các vấn đề về tiền điện tử, cũng như cách quản lý có sự khác biệt. Tại EU, Chỉ thị về tiền điện tử đã được đưa ra từ năm 2009 và sử dụng một khái niệm chung về tiền điện tử. Đồng thời, chỉ thị này làm rõ đối tượng nào có thể trở thành một đơn vị phát hành tiền điện tử, áp dụng các điều khoản quy định trực tiếp với những đối tượng này và hoạt động của họ. Còn tại Mỹ, các vấn đề của tiền điện tử được quản lý theo một cách khác. Nước này không chỉ thiếu một khái niệm và định nghĩa chung về tiền điện tử, mà luật pháp Mỹ ở cấp liên bang và cấp bang còn sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau về tiền điện tử nên khiến việc quản lý trở nên phức tạp hơn.
Tăng cường giám sát và bảo vệ người sử dụng
Theo Chỉ thị về các tổ chức tín dụng (quy định về những vấn đề liên quan quyền hạn và hoạt động của các tổ chức tín dụng ở EU) do Nghị viện châu Âu (EP) ban hành, các nước thành viên sẽ chỉ định cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các chức năng và nghĩa vụ quản lý, giám sát các đơn vị hay tổ chức khai thác và kinh doanh tiền điện tử. Các cơ quan chức năng như vậy sẽ có quyền áp dụng những biện pháp trừng phạt và các biện pháp khác đối với việc vi phạm các quy tắc và yêu cầu đặt ra, cũng như chấp nhận và xem xét khiếu nại của khách hàng, người dùng và các bên khác về những vi phạm mà tổ chức tiền điện tử và những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác như tổ chức tín dụng mắc phải.
Hiện nay ở Anh, quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền như trên được thực thi bởi Cơ quan Kiểm soát tài chính (FCA). Còn tại Đức, các quyền như vậy được giao chủ yếu cho Cơ quan Giám sát tài chính liên bang Đức BaFin và cơ quan này sẽ hợp tác chặt chẽ với Ngân hàng Trung ương Đức. Ở Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương Hy Lạp thực hiện giám sát an toàn đối với các tổ chức tiền điện tử.
Để phát hành hợp pháp tiền điện tử tại EU, một pháp nhân phải tuân theo các quy định cụ thể của Chỉ thị tiền điện tử, được cấp quyền là một tổ chức tiền điện tử và được đăng ký với cơ quan đăng ký tổ chức tiền điện tử. Các yêu cầu cho việc cấp quyền được thiết lập theo Chỉ thị dịch vụ thanh toán thuộc khuôn khổ Chỉ thị tiền điện tử, trong đó đặt ra các điều khoản và điều kiện của quy trình cấp phép áp dụng cho các tổ chức tiền điện tử với những thay đổi cần thiết.
Trong một số trường hợp, tiền điện tử có thể có nguy cơ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như rửa tiền hay tài trợ cho các hoạt động phi pháp, trong đó có tài trợ khủng bố. Do vậy tại EU, các đơn vị phát hành tiền điện tử phải tuân theo một số quy tắc và yêu cầu nhằm phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo đó, Chỉ thị phòng chống rửa tiền, do EP ban hành từ năm 2005 và liên tục sửa đổi cho tới nay, yêu cầu các tổ chức tín dụng, đơn vị phát hành tiền điện tử và các tổ chức tài chính thực hiện những hoạt động phát hành tiền điện tử thực hiện “các biện pháp kiểm tra khách hàng thận trọng”, bao gồm nhận diện khách hàng và xác thực nhân thân của họ, nhận diện bên hưởng lợi của khách hàng, kiểm tra tức thời các mối quan hệ với đối tác của khách hàng và phân tích các giao dịch.
Tại Mỹ, hoạt động của các đơn vị phát hành tiền điện tử được kiểm soát và giám sát bởi nhiều cơ quan khác nhau. Thí dụ, các đơn vị phát hành tiền điện tử ngân hàng chịu sự giám sát của Văn phòng Kiểm soát tiền tệ (OCC) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang. OCC thực hiện một loạt các chức năng quản lý và giám sát trong khu vực ngân hàng Mỹ, chẳng hạn như chấp thuận và không chấp thuận các thay đổi trong việc kiểm soát các ngân hàng quốc gia. Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang chịu trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi của các ngân hàng và các tổ chức tiết kiệm và các hoạt động kiểm tra của chúng.
Ngoài ra, Luật Dịch vụ tiền tệ thống nhất (UMSA) thiết lập một số chức năng do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại các bang thực hiện, nhằm mục đích giám sát và quản lý những người thực hiện các hoạt động chuyển tiền. Theo UMSA, cơ quan giám sát sẽ thực hiện các chức năng và nhiệm vụ như cấp phép hoặc chấp thuận cho một người tham gia vào các hoạt động chuyển tiền, đình chỉ giấy phép, kiểm tra hằng năm các đơn vị được cấp phép hoặc bất cứ đại diện nào được đơn vị này ủy quyền cũng như các hoạt động kiểm tra khác.
Đ ể bảo vệ người sử dụng tiền điện tử, giới chức EU và Mỹ đã áp dụng những quy tắc về việc cung cấp cho người sử dụng các thông tin trước khi tham gia quan hệ hợp đồng ràng buộc với đơn vị phát hành tiền điện tử. Thêm vào đó, cơ quan chức năng cũng áp dụng các hình phạt theo luật trong trường hợp vi phạm, cũng như bảo đảm các quy trình khiếu nại và bồi thường ngoài tòa án được hiệu quả và đầy đủ cho việc xử lý các tranh chấp trong trường hợp có tranh chấp. Theo thông tin cung cấp trên trang web chính thức, giới chức EU và Mỹ bảo vệ người tiêu dùng bằng việc tạm dừng các hành vi không công bằng, lừa đảo hoặc gian lận trên thị trường, đồng thời tiếp nhận khiếu nại và tiến hành điều tra vi phạm.
Tại Việt Nam hiện nay chưa ban hành một khái niệm thống nhất về tiền điện tử và theo đó là quy định quản lý thống nhất đối với công cụ này. Tuy nhiên, cũng giống như tại Mỹ, cơ sở pháp lý điều chỉnh về tiền điện tử tại Việt Nam đã được quy định dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng hay ví điện tử. Bên cạnh hai hình thức biểu hiện này của tiền điện tử, trên thực tế hiện nay cũng đang tồn tại các hình thức sử dụng các giá trị được lưu trữ và sử dụng thông qua mạng điện thoại di động để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.