Xu hướng mai mối ở Hàn Quốc

|

Nhằm thúc đẩy tỷ lệ kết hôn ở giới trẻ Hàn Quốc, các trung tâm mai mối tại “xứ sở kim chi” mọc lên tại nhiều nơi trong những năm gần đây, qua đó giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy “một nửa” của mình trong bối cảnh thanh niên nước này thiếu kiên nhẫn cho những buổi hẹn hò bình thường.

Theo số liệu từ Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc, Duo Information - công ty chuyên dịch vụ mai mối lớn nhất nước này, đã đạt doanh thu cao kỷ lục 38,2 tỷ won (khoảng 29,2 triệu USD) vào năm 2022, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận của công ty dao động quanh mốc 28 tỷ won trong năm 2020 và tăng lên 35,9% khi ngày càng có nhiều người cần sự hỗ trợ của bên trung gian để tìm kiếm “ý trung nhân”. Duo Information được thành lập vào năm 1995, đã giúp 46.984 thành viên kết hôn (tính đến ngày 26/6 vừa qua). Khoảng 7.000 thành viên đã tìm được bạn đời của mình thông qua Duo Information từ năm 2019 đến 2022.

“Bước vào một mối quan hệ một cách tự nhiên luôn là phương châm bất thành văn đối với tôi khi tôi ở độ tuổi 20, nhưng đến thời điểm này, tôi cảm thấy mệt mỏi với việc tìm hiểu qua lại”, Han Ji-yul, một nhân viên ngân hàng tại Seoul (34 tuổi) cho biết. Gần đây, Han đã đăng ký thành viên tại một công ty mai mối với hy vọng có thể tiết kiệm thời gian và sức lực ở giai đoạn tìm hiểu nhau. “Đó có thể không phải là cách tiếp cận lãng mạn nhất, nhưng chắc chắn là một cách thức thực tế hơn”, Han lập luận.

Sau khi đăng ký thành viên, Han sẽ được kết nối với “ứng cử viên” trong những tuần sau đó. Han và “ứng cử viên” của mình sẽ xem liệu ngoại hình, tuổi tác, nghề nghiệp, thu nhập, kế hoạch tương lai của họ có phù hợp với nhau không, rồi đưa tới quyết định có gặp gỡ và tiến xa hơn.

Theo Korea Joongang Daily, Hàn Quốc đang đối mặt tỷ kệ kết hôn thấp trong một thập kỷ qua. Năm ngoái, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, trên cả nước chỉ có 191.960 cuộc hôn nhân mới. Đây là con số hằng năm thấp nhất kể từ khi cơ quan thống kê bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970 và là lần giảm thứ 11 liên tiếp. Số lượng các cuộc hôn nhân trong tháng 4 đã giảm xuống còn 14.475, mức thấp nhất trong tháng.

Trong số 2.041 người trong độ tuổi từ 18 đến 34 được Viện Chính sách Thanh niên quốc gia (NYPI) khảo sát vào năm 2021, chỉ 39,1% cho biết hôn nhân là “cần thiết”. Trước đó, năm 2016, tỷ lệ người đồng quan điểm trên là 56%. “Sự thay đổi về giá trị hôn nhân dường như là một trong những lý do khiến số lượng các cuộc hôn nhân và tỷ lệ kết hôn đạt mức thấp nhất mọi thời đại”, ông Lim Young-il, Giám đốc bộ phận điều tra dân số tại Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, công việc bận rộn, sự thiếu kiên nhẫn trong việc tìm hiểu các mối quan hệ cũng là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ kết hôn tại Hàn Quốc giảm mạnh. Nhận thức được tình trạng đó, các công ty mai mối như Duo Information đã liên tiếp ra đời. Ông Kwak Geum-joo, GS Tâm lý học tại Trường đại học Quốc gia Seoul khẳng định: “Giới trẻ dành ít thời gian và sự kiên nhẫn hơn cho những buổi hẹn hò bình thường trong một xã hội cực kỳ cạnh tranh. Đó là lý do họ cần sự trợ giúp của dịch vụ trung gian”. Cũng theo GS Kwak, bên cạnh mong muốn rút ngắn thời gian tìm hiểu, nhiều người trẻ tìm đến các công ty mai mối vì họ quan niệm hôn nhân là một trong những chìa khóa dẫn đến “cuộc sống thành công”, thay vì tìm một “tình yêu đích thực”.

Dù xu hướng mai mối đang bùng nổ tại Hàn Quốc, song các cuộc khảo sát lại cho thấy người dân nước này dành ít thời gian hơn cho các ứng dụng hẹn hò. Trong số 1.000 người được khảo sát vào năm ngoái bởi Công ty nghiên cứu M-Brain Trend Monitor, cứ hai người thì có một người cho biết việc gặp gỡ qua nền tảng trực tuyến là không đáng tin cậy và không phù hợp với một mối quan hệ nghiêm túc. Hàn Quốc là một trong những thị trường tụt dốc nhanh nhất đối với các ứng dụng hẹn hò. Mức chi tiêu cho các ứng dụng hẹn hò như Tinder hoặc Bumble trong năm 2022 ít hơn 18 triệu USD so năm 2021.