Hậu quả của biến đổi khí hậu

|

Ngày 28/10 vừa qua, lượng mưa tương đương của một năm đã trút xuống một số khu vực của miền đông Tây Ban Nha. Đây được xem là hậu quả trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo CNN, công cuộc tìm kiếm người mất tích trong trận lũ lụt lịch sử ở Tây Ban Nha vẫn đang tiếp tục kể từ khi thảm họa xảy ra và hy vọng tìm thấy người sống sót ngày càng mong manh. Với ít nhất 214 người đã được xác nhận thiệt mạng, đây được coi là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ. Hàng nghìn quân nhân, cảnh sát và tình nguyện viên đang ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ để tìm kiếm những người mất tích và dọn dẹp đống đổ nát.

Các chuyên gia khí tượng cho biết, cơn bão gây ra lũ lụt lần này tại Tây Ban Nha hình thành do sự tương tác giữa không khí lạnh và nước biển ấm ở Địa Trung Hải, một hiện tượng khá phổ biến vào thời điểm này trong năm. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm gia tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Báo cáo về Khoảng cách phát thải của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) công bố cuối tháng trước cho hay, nếu mức độ ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiệt độ trung bình của Trái đất sẽ tăng thêm 3,1OC trong thế kỷ này, gấp đôi mức tăng nhiệt đã được nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết gần 10 năm trước tại Paris (Pháp).

Nhiệt độ trung bình toàn cầu hiện tăng thêm khoảng 1,3OC. Với các cam kết hiện tại, nhiệt độ vẫn được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 2,6OC - 2,8OC vào năm 2100, kèm theo những hậu quả như lũ lụt, bão sẽ ngày càng tàn khốc hơn. Báo cáo của UNEP nhấn mạnh thập kỷ tới rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nếu không hành động, hy vọng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5OC có nguy cơ sẽ tiêu tan.

Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang trong tình trạng “nghìn cân treo sợi tóc”. Tuy nhiên, UNEP đánh giá về mặt kỹ thuật, mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5OC vẫn khả thi, nhưng chỉ có thể đạt được khi các quốc gia trên toàn cầu chung quyết tâm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nói không với năng lượng hóa thạch.