Phong Nha-Kẻ Bàng: 30 năm hành trình kỳ thú

|

Hơn 30 năm qua, bằng sự khám phá, chinh phục với niềm say mê đặc biệt dành cho hang động, các chuyên gia thuộc Hiệp hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) do ông Howard Limbert dẫn đầu đã mang đến cho Quảng Bình nhiều sản phẩm du lịch mạo hiểm đẳng cấp quốc tế.

1/Cuối tháng 3 năm nay, các chuyên gia thám hiểm BCRA công bố đã phát hiện thêm hàng chục hang động còn nguyên sơ và “rất khác biệt” ở phía tây Quảng Bình - nơi cách khá xa Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Theo đó, trong chuyến khảo sát kéo dài ba tuần tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), các chuyên gia hang động đã phát hiện thêm 22 hang động mới còn nguyên sơ, chưa in dấu chân người, dài gần 12 km. Điều đáng nói, trong số 22 hang động mới, có năm hang động ở vùng núi đá vôi tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa với chiều dài hơn 3,3 km. Theo chuyên gia hàng đầu thế giới về hang động Howard Limbert, ở Lâm Hóa có một hang sâu 278 m với thác nước chảy xuống và chắc chắn nó vẫn còn sâu nữa nhưng các nhà thám hiểm chưa đủ thiết bị để khảo sát hết nên hẹn quay lại lần sau.

“Đây là những hang còn khá trẻ và đa phần là hang ướt, có thạch nhũ rất đẹp. Chúng là những hang động nhỏ nhưng lại khá thú vị, đặc biệt so nhiều hang động mà chúng tôi đã tìm thấy ở Quảng Bình. Nếu Sơn Đoòng, hang Én và nhiều hang động khác chỉ có một lối chính để vào thì hệ thống hang mới này lại có rất nhiều hướng ra vào khác nhau. Một số hang còn thông nhau, tạo ra nhiều lối đi ngang làm cho những chuyến đi vòng quanh bên trong trở nên rất thú vị”, ông Howard Limbert chia sẻ.

Chuyện phát hiện nhiều hang động đẹp ở vùng đá vôi Tuyên Hóa đang khiến dư luận chú ý thì gần đây, ở khu vực rừng thuộc bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người dân địa phương đã phát hiện ra một hang động có hệ thống thạch nhũ và dòng suối ngầm có nhiều bí ẩn. Hang động dài hơn 1,5 km, nơi cao nhất của cửa hang khoảng 30 m. Trong hang có nhiều thạch nhũ đẹp, kiến tạo kỳ lạ. Đặc biệt, thạch nhũ tràn chảy xuống tựa như vô số bức rèm buông và lấp lánh mỗi khi chiếu đèn vào. Có đoạn, thạch nhũ trắng chảy xuống, tràn ra như tấm lụa trắng khổng lồ mềm mại, lấp lánh. Vào mùa hè, trong hang nước không nhiều, người dân có thể bơi xuồng cao-su hoặc chèo sup từ đầu hang đến cuối hang hơn 1 giờ đồng hồ, từ đó đi ra suối Khe Mây với khu rừng nguyên sinh hùng vĩ. Người dân tạm đặt tên hang này là Sơn Nữ. Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, ở sâu trong vùng biên giới Việt Nam-Lào, dưới tán rừng nguyên sinh cùng vô số núi đá vôi hùng vĩ có nhiều hang động.

Vợ chồng chuyên gia hang động Howard Limbert và anh Hồ Khanh trong một chuyến thám hiểm.

2/Với người dân thị trấn Phong Nha và vùng đệm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, vợ chồng Howard Limbert dường như đã trở thành những người bạn thân quen. Và ngay chính Howard cũng đã dựng ngôi nhà xinh bên bờ sông Son để làm chốn đi về sau những chuyến miệt mài xuyên rừng tìm kiếm sự bí ẩn. “Việt Nam, Quảng Bình trở thành quê hương thứ hai của tôi. Vì thế, tôi dành phần lớn trong cuộc đời mình để gắn bó với Phong Nha”, Howard nói.

Ông Howard Limbert chia sẻ, hơn 30 năm qua, tất cả thành viên trong chuyên gia thám hiểm, mỗi người một nghề nghiệp, chuyên môn khác nhau nhưng có một điểm chung là dành sự đam mê đặc biệt cho hang động. Họ tự dành dụm tiền và gây quỹ để cùng thực hiện niềm đam mê khám phá hang động thông qua hàng loạt cuộc thám hiểm trên thế giới. Khi đến Việt Nam, biết được tiềm năng vô tận về hang động tại Quảng Bình, nhóm chuyên gia đã hợp tác với Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) để tiến hành các cuộc thám hiểm, khảo sát và nghiên cứu chuyên sâu về hang động.

Ông Howard Limbert nhớ lại: “Trong một chuyến thám hiểm năm 1999, nhóm chúng tôi khám phá xong hang Khe Ry và cắm trại kéo dài năm ngày trong hang. Hang này trở thành hang động dài nhất ở Việt Nam và có lẽ có thể được xem là hang động sông đơn dưới lòng đất dài nhất trên thế giới. Hang động thoát ra trong thung lũng khép kín nối với nước từ hang Én. Ở hạ lưu, cả hai vùng nước này đều đi vào một hố chứa bị chặn bởi cây cối và đá cuội. 10 năm sau, các chuyên gia phát hiện ra rằng đây là nước cho hang Sơn Đoòng”.

Cũng theo vị chuyên gia hang động nổi tiếng này, năm 2009, nhóm của ông có cơ hội khám phá hang động khó nắm bắt mà đã tìm kiếm trong hơn 10 năm. Một người dân địa phương là Hồ Khanh đưa nhóm các nhà thám hiểm đến lối vào mà anh đã tìm thấy vào năm 1990, từ đó hang Sơn Đoòng chính thức được khám phá với chiều dài hơn 6,5 km và kết thúc tại một bức tường khổng lồ có tên là bức tường vĩ đại Việt Nam. Sơn Đoòng được đo đạc và với các dữ liệu thu được, các chuyên gia thám hiểm Anh công bố, đây là hang động lớn nhất từng được tìm thấy trên thế giới.

Theo các chuyên gia của BCRA, những năm qua, các hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân trong khu vực từ nhận thức và sinh kế. Không chỉ mở các mô hình du lịch sinh thái mà nhiều người hiện đang làm hướng dẫn viên và nhân viên khuân vác trong các tour du lịch mạo hiểm. Ở Phong Nha, hiện có nhiều người tham gia các tour thám hiểm hang động mạo hiểm hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

3/ Ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, nhiều “danh hiệu” hang động ngoại hạng đã được thiết lập như: Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, hang Khe Ry là hang động sông dài nhất thế giới và hang động dài nhất Việt Nam. Các hang động khác như hang Én, hang người lùn cổ (Pygmy) và hang Vòm cũng nằm trong tốp 10 hang động lớn nhất thế giới. Vì thế, các chuyên gia người Anh cho rằng, khối núi Phong Nha-Kẻ Bàng chắc chắn là một trong những khu vực đá vôi quan trọng nhất trên thế giới. Còn theo GS Tạ Hòa Phương, Viện Nghiên cứu cổ sinh Việt Nam, Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng là đại diện tiêu biểu của Việt Nam về các giá trị di sản thiên nhiên, đặc biệt là những kỳ quan hang động karst mang ý nghĩa toàn cầu. Trong Vườn quốc gia này, hiện hữu cả một thiên đường trong lòng đất với vẻ huy hoàng, lung linh, quyến rũ mà không dễ nơi nào có được. Để có những kỳ quan vừa hoành tráng, vừa tinh tế và diệu kỳ đến vậy, trong bối cảnh những chuyển động kiến tạo mãnh liệt từng xảy ra trong suốt ba vĩ kỳ của lịch sử Trái đất tại mảnh đất này, Mẹ thiên nhiên đã phải oằn mình “thai nghén, sinh thành”.

GS Tạ Hòa Phương cho biết, thạch nhũ trong các hang động karst ở Phong Nha-Kẻ Bàng được hình thành chủ yếu từ nguồn nước chứa bicarbonate calci với năm kiểu thạch nhũ: nhũ nhỏ giọt, nhũ dòng chảy, nhũ thấm đọng, nhũ hồ lắng đọng và nhũ ngưng tụ. Chúng góp phần tạo nên vẻ đẹp khi thì hoành tráng, kỳ vĩ, khi thì tinh tế cho các hang động nơi đây. Ngoài ra, trong một số hang còn có ngọc động là những vật thể hình cầu và bầu dục thường nằm trong các khay như ruộng bậc thang, là sản phẩm của quá trình địa chất trầm tích hết sức lý thú. Ngọc động có hai loại: loại giống quả na là do dòng nước xoáy trong mùa lũ đã vo tròn các bùn travectin (đá lỗ rỗng) có thành phần không đồng nhất và loại trong suốt, có vân tuyệt đẹp.

Theo Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái, qua 20 năm thám hiểm, khảo sát và nghiên cứu (2003-2023), ông Howard Limbert và các chuyên gia của BCRA khảo sát, phát hiện được 425 hang động, trong đó có 389 hang động được đo vẽ với tổng chiều dài 243 km. Nổi bật nhất là việc khám phá Sơn Đoòng- hang động lớn nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu thám hiểm hang động ở khu vực, đóng góp to lớn vào việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, Quảng Bình và Phong Nha-Kẻ Bàng ra thế giới.

Hiện có hơn 50 hang, động đã được đưa vào khai thác và phục vụ du lịch, hơn 40 hang động có tiềm năng du lịch đã được khảo sát sơ bộ, 9 hang động có tiềm năng du lịch đã được khảo sát chi tiết. Howard Limbert chia sẻ, khi các hang động dần được biết đến và đưa vào khai thác du lịch càng thôi thúc những chuyên gia người Anh tiếp tục hành trình khám phá những bí ẩn, kỳ thú giữa thăm thẳm đại ngàn.