Cần mắt xanh giám tuyển thúc đẩy nghệ thuật

|

Nhiều ý kiến chuyên môn cho rằng, ở nước ta chưa có thị trường nghệ thuật đúng nghĩa. Nhiều trào lưu nghệ thuật du nhập, các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật theo nhiều hướng song công tác phê bình và thẩm định nghệ thuật còn nhiều khoảng trống. Trong đó, rất thiếu những giám tuyển có tài năng, học vấn, kinh nghiệm và tầm nhìn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space (Hà Nội) chia sẻ về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Giám tuyển chủ yếu là các cuộc triển lãm tư nhân hoặc các dự án nghệ thuật tư nhân mà chưa xuất hiện một cách rõ ràng về chức danh dưới sự quản lý của nhà nước. Có đúng vậy không thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi Nhà nước đưa vào hệ thống theo một danh mục nghề nghiệp mới thì nó sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề khác như bảo hiểm, chế độ, pháp lý. Còn về tư nhân, khi xuất hiện giám tuyển thì nó trở nên chuyên môn hóa, ý thức rất rõ về nghề và nó phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Những giám tuyển xuất hiện độc lập đầu tiên như anh Trần Lương, sau đó là anh Nguyễn Như Huy và tiếp sau đấy là thế hệ của chúng tôi, như Đỗ Tường Linh, Lê Doãn Nguyên… Họ ý thức về công việc của mình và vươn ra thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

PV: Nhưng để tự học, tự nghiên cứu về nghề giám tuyển thì hẳn có những khó khăn?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giám tuyển có thể phân ra làm 2 nhóm, nhóm thứ nhất là những người được đào tạo về nghệ thuật. Nhóm thứ hai là những người không học nghệ thuật nhưng họ chọn nghệ thuật là nghề để phát triển, điều đó đòi hỏi họ nghiên cứu rất sâu về mảng này. Có nhiều người thuộc nhóm thứ 2 đã học ngành giám tuyển nghệ thuật ở nước ngoài và quay về Việt Nam để thực hiện những dự án mà họ yêu thích. Một số người thì được mời làm giám tuyển cho một cuộc triển lãm nào đó, sau đó thì họ tự nghiên cứu sâu thêm về lĩnh vực ấy và trở thành giám tuyển nghệ thuật.

PV: Phải chăng vẫn có những hạn chế, những định kiến của giám tuyển có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dự án nghệ thuật cũng như sự kết nối giữa các thành viên trong dự án?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Những giám tuyển có tầm cỡ trên thế giới tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đến trục thẩm mỹ nhận thức của cả một cộng đồng hay cả một thế hệ sinh thái. Aporoom là một trang mạng uy tín hàng đầu về nghệ thuật đương đại và mỗi năm họ có một cuộc bình chọn 100 người có ảnh hưởng nghệ thuật toàn cầu thì ít nhất có từ 20-25 người là giám tuyển. Bên cạnh các nghệ sĩ, các giám đốc viện bảo tàng, các nhà sưu tập cũng có thể là giám tuyển. Vậy là giám tuyển chiếm một phần góp vào sự thay đổi nhận thức, tư tưởng, thậm chí là định hướng. Nhiều trường hợp, nghệ sĩ muốn phát triển thì phải qua những giám tuyển uy tín để được mời vào các triển lãm trong nước đến quốc tế. Hay với những nhà sưu tập thì họ cũng phải thông qua giám tuyển để sưu tập những tác phẩm chất lượng hoặc là đón đầu những xu thế tương lai, có được những tác phẩm đi trước thời đại. Hoặc với bảo tàng, cần phải làm việc với giám tuyển vì đó là người nắm vững chuyên môn và là cốt lõi của bảo tàng để có được những cuộc triển lãm tốt.

Chúng ta đây thấy một thực tế là trước khi diễn ra một cuộc triển lãm thì sẽ có một ban giám tuyển xét duyệt những tác phẩm trước khi trưng bày. Điều đó cho thấy độ rộng, độ bao phủ của giám tuyển trong nghệ thuật hội họa.

PV: Với vai trò là giám tuyển, bản thân ông đã gặp những rào cản nào trong quá trình thực hiện một dự án?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vừa nhiều thách thức nhưng cũng có những thuận lợi nhất định. Những người được đào tạo ngành giám tuyển đầu tiên khi thực hiện một dự án thì phải làm trợ lý một thời gian cho một giám tuyển lớn hơn, hoặc trợ lý cho một viện bảo tàng nào đó để học hỏi kinh nghiệm. Bản thân tôi cũng vậy nên tôi cũng đã rút ra cho mình những bài học quý báu trong nghề, để có được con mắt xanh. Khoảng thời gian đó diễn ra tầm 3 đến 5 năm.

PV: Trong dòng chảy nghệ thuật đương đại hôm nay, việc được chuyển giao những kinh nghiệm quý từ các giám tuyển uy tín, chuyên nghiệp sẽ giúp cho những người làm nghề giám tuyển ở Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hơn, ông có nghĩ như vậy không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy, không chỉ trong lĩnh vực mỹ thuật mà rất nhiều ngành nghệ thuật khác cũng rất cần. Không chỉ riêng mỹ thuật mới tổ chức những cuộc triển lãm mà các ngành khác vẫn tổ chức nhiều, do đó, nếu có một đội ngũ giám tuyển giỏi thì tôi tin chất lượng của tác phẩm sẽ được khẳng định. Khi trình diễn những giá trị trước công chúng thì tác phẩm đó phải có chất lượng tốt. Vì thế tôi tin vào công việc giám tuyển của những người có chuyên môn. Người giám tuyển là cán cân mẫu mực để đưa tác phẩm xứng đáng đến với công chúng yêu nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!