Truyện thơ được văn sĩ sáng tác vào thập niên 1940, gồm hơn 1.000 câu thơ song thất lục bát về tình yêu của đôi trai gái xứ Mường - Đinh Lăng và Quách Mị Dung tại một vùng núi non hùng vĩ, nên thơ. Gần đây, nhiều nghiên cứu văn học với đầy đủ nhân chứng đã cho thấy rằng phát tích của truyện thơ từ huyện Lương Sơn và Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Cuốn sách “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản” đưa những nhận xét về nghệ thuật đặc sắc làm nên cái hay, cái đẹp của truyện thơ, những câu chuyện đằng sau tác phẩm một thời được công chúng, độc giả mến mộ.
Hành trình “Từ di cảo tới di sản” và những câu chuyện nối dài từ quá khứ tới hiện tại lần lượt được tái hiện qua tuần tự các mốc thời gian làm nên sức vang ngân của một tác phẩm có số phận lận đận. Để từ đó, thấm thía hơn hành trình ý nghĩa tìm lại nơi phát tích thật sự và sự nối dài của một tác phẩm đã thành di sản trong không gian và tâm thức, lòng người. Trong cuốn sách có nhiều bài viết công phu tìm hiểu về chuyện thơ và tác giả như của nhà thơ Lê Va, nhà thơ-nhà giáo Đặng Hiển, nhà báo Lê Quốc Khánh, kỹ sư Vũ Đình Thảo cùng các nhà văn, nhà thơ, như Đăng Bẩy, Ngô Văn Giá, Kiều Bích Hậu…, cả những trang viết của các tác giả sinh sống tại Hòa Bình như Nguyễn Hữu Duyên, Đinh Đăng Lượng, Phan Mai Hương, Bùi Việt Phương…
Cuốn sách cung cấp cho độc giả, công chúng điểm nhìn toàn cảnh về giá trị và “quê hương” truyện thơ “Đồi thông hai mộ” của người con quê hương Văn Quán - Hà Đông (Hà Nội) nổi tiếng trong làng văn nghệ nước ta những năm 40 - 50 thế kỷ trước. Một di sản văn học đã được khẳng định và quá trình nối dài di sản quý ấy đã, đang và sẽ còn được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, công chúng yêu văn chương khai thác và phát triển. Mới thấy các tác phẩm giàu tư tưởng và nghệ thuật qua thử thách thời gian, thời cuộc vẫn có giá trị, đời sống riêng khi tâm huyết tìm lại.