Phóng khoáng và phiêu diêu

|

Đoàn Hạo Lương, tác giả 8X này đã làm thơ từ rất sớm, có cho riêng mình tập thơ đầu tay mang tên “Vệt nắng” (NXB Hội Nhà văn, 2015). 8 năm sau, chàng Thạc sĩ báo chí quay lại với tập sách “Đi cùng Long - Ký sự Tây Bắc”, do NXB Đà Nẵng ấn hành.

Lương mang đến một tập sách đầy đặn dung lượng, nhiều trải nghiệm và bắt mắt phần hình ảnh minh họa. Tập ký sự hơn 300 trang, với 45 bài ký, được chia làm ba chương. Tây Bắc hùng vĩ đẹp đến nao lòng hiện diện qua trang viết của Lương và các phóng sự ảnh cuốn hút người đọc ngay từ đầu bởi lối dẫn dắt câu chuyện khá phù hợp thị hiếu độc giả. Khởi nguồn từ việc người trẻ chọn rời phố lên núi để sống. Đối với nhiều người trẻ, đó là câu chuyện rũ bỏ mỏi mệt của phố thị, hay là chuyện quay về với quê hương, riêng Long - nhân vật đồng hành cùng Đoàn Hạo Lương trong tập ký sự này là sự cống hiến và trái tim yêu thương của người trẻ.

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Phi Long sinh năm 1990 quê Quảng Nam, đã tìm đến xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với tâm nguyện đem kiến thức giúp cho đồng bào H’Mông thoát nghèo bằng cách trồng các loại cây kinh tế, hướng dẫn cách nuôi dê lấy thịt. Tuổi trẻ và lý tưởng của Long đã dẫn đến mối duyên hạnh ngộ cùng Đoàn Hạo Lương. Hai con người, hai chuyến đi, gom vào tập ký sự này là những câu chuyện đầy ắp hình ảnh, con người, phong tục và cả những ước mơ của vùng đất Tây Bắc để độc giả cứ vậy mà lần hồi giở sang trang.

Tại sao lại là “Đi cùng Long”, tôi cũng thắc mắc ngay từ đầu khi đọc ký sự này, nhưng để rồi đóng tập sách lại mới hiểu hóa ra Long, một đại diện của người trẻ mang lý tưởng ngược phố về rừng chính là mạch nguồn của tập ký sự này. Ở chương 1 là 5 bài ký sự hầu hết khắc họa rõ nét về Long và các dự án với vùng đất Ma Quai. Cũng qua đó, một nét đẹp về thiên nhiên, con người đã khiến độc giả như đắm chìm vào không gian của bản Căn Tỷ 2. Cứ vậy Đoàn Hạo Lương dẫn độc giả đi qua chương 2 với cuộc tìm hiểu và khám phá nét đẹp nguyên sơ đầy quyến dụ của mùa hoa cải Tây Bắc; của đám cưới người H’Mông; với mùa nước đổ Tả Lèng; rồi nét đẹp văn hóa ở chợ phiên San Thàng; và sự hùng vĩ của đỉnh Cát Chùa Sì…

Nhưng có lẽ bấy nhiêu là không đủ để khắc họa Tây Bắc, Đoàn Hạo Lương quay lại lần thứ hai với loạt bài nằm ở chương 3 và bằng chuyến hàng từ thiện hỗ trợ đồng bào dân tộc. Phần lớn ở chương này là loạt bài về thiên nhiên tươi đẹp và sự hồn nhiên của trẻ em đồng bào. Chính cuộc sống, nụ cười và nét hồn nhiên trong đáy mắt của bọn trẻ làm nên một tình yêu với Đoàn Hạo Lương trong các chuyến đi Tây Bắc.

Ký sự Tây Bắc của Đoàn Hạo Lương không ôm đồm kiểu viết chính luận mà trong câu chữ của mình, Lương khéo léo lồng vào đó chất văn học, rất thơ, phóng khoáng và phiêu diêu nhưng dạt dào cảm xúc. Tập ký sự lần này như mở ra thêm một hành trình viết của nhà thơ, nhà báo trẻ Đoàn Hạo Lương.