Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam: Kéo giảm chi phí vận tải, tăng tính kết nối

|

Ban Quản lý các dự án đường thủy vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, nhằm cải thiện hạ tầng, giảm tắc nghẽn và tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa trong khu vực. Đây là dự án quan trọng, cần được các bộ ngành, địa phương quan tâm để đẩy nhanh tiến độ.

Nâng cấp 2 tuyến hành lang trọng yếu

Với tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng, Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là dự án hạ tầng đường thủy lớn nhất được triển khai tại khu vực, nhằm nâng cấp 2 tuyến hành lang đường thủy trọng yếu. Trong đó, hành lang Đông - Tây có chiều dài khoảng 197km, chạy qua các sông Hậu, Trà Ôn, Mang Thít, Cổ Chiên, kênh Chợ Lách, sông Tiền, rạch Kỳ Hôn, kênh Chợ Gạo, rạch Lá, sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc, sông Soài Rạp. Hành lang Bắc - Nam có chiều dài khoảng 82km, chạy qua các sông Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Đồng Tranh, Tắc Cua, Gò Gia, Thị Vải.

Sà lan chở hàng trên sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), cho biết, việc cải tạo 2 hành lang trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực. Hiện trên hành lang Bắc - Nam, khối lượng hàng hóa được gom, rút phục vụ khu bến cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) bằng đường thủy nội địa đạt hơn 80%. Để tiếp tục tăng khối lượng hàng hóa bằng đường thủy nội địa đến các cảng biển theo chỉ đạo của Bộ GTVT, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp hành lang này cho tàu tự hành đến 5.000 tấn, tàu 4 lớp container, tạo điều kiện cho các phương tiện, đặc biệt là tàu SB (sông pha biển) vào các cảng nằm sâu trong nội địa thông qua sông Đồng Tranh.

Đồng thời, dự án sẽ nâng cao năng lực và tăng tính kết nối bằng đường thủy giữa các bến cảng tại Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh đến các cảng trên sông Sài Gòn, TPHCM, phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa tại khu bến có lượng hàng container thông qua lớn nhất cả nước là Cái Mép, phát huy hơn nữa lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong chuỗi logistics khu vực phía Nam.

Với hành lang Đông - Tây, hiện khối lượng hàng hóa từ các sản phẩm nông nghiệp như thóc gạo, rau, quả, thủy sản cần vận chuyển liên vùng đến các cảng biển đầu mối phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất nhập rất lớn.

Theo kế hoạch, dự án sẽ nâng cấp các tuyến luồng trên hành lang này để đảm bảo cho các tàu tự hành đến 600 tấn, tàu container 3 lớp lưu thông 24/24 giờ, tàu tự hành đến 1.500 tấn lợi dụng thủy triều để hành thủy. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông đường thủy nội địa trên hành lang Đông - Tây từ các cảng chính ở TPHCM và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến các cảng ở Cần Thơ khoảng 92km (tương đương 10 giờ chạy tàu); tạo điều kiện thuận lợi cho tàu đến 5.000 tấn và tàu container 4 lớp không phải chờ nước trên hành lang Bắc - Nam. Từ đó kéo giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh so với đường bộ. Đặc biệt, dự án sẽ góp phần tăng tính kết nối của mạng lưới giao thông vận tải khu vực, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại các địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.

Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam là công trình giao thông thuộc nhóm A, cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án là Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản là Bộ GTVT. Dự án đã được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1458/QĐ-BGTVT ngày 7-11-2022. Sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và ký hiệp định vay vốn, việc lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, GPMB dự án sẽ thực hiện năm 2024-2025; thi công hoàn thành năm 2027; bàn giao và đưa vào khai thác năm 2028.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo Ban Quản lý dự án đường thủy (Bộ GTVT), để đảm bảo tiến độ dự án cần sớm thu xếp nguồn vốn và giải phóng mặt bằng (GPMB). Về nguồn vốn, theo tính toán của đơn vị tư vấn, với các mục tiêu đề ra, dự án cần 3.900 tỷ đồng, trong đó, dự kiến vay Ngân hàng Thế giới 2.554,81 tỷ đồng để thanh toán chi phí xây dựng, tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật và cắm cọc GPMB, tư vấn giám sát thi công; nhận viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia dự kiến 13,89 tỷ đồng để trả chi phí cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phần vốn đối ứng của Chính phủ tại dự án khoảng 1.331,31 tỷ đồng sẽ được ngân sách nhà nước cấp 100% để thanh toán chi phí quản lý, tư vấn, GPMB. Tổng nguồn vốn sẽ được phân bổ theo từng giai đoạn, phù hợp với tiến độ thi công dự án. Bộ GTVT cho biết, vốn cho dự án giai đoạn 2021-2025 sẽ được cân đối bố trí đủ theo kế hoạch vốn được Chính phủ giao.

Về công tác GPMB, ông Trần Quốc Bảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường thủy, cho biết, dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long (gồm huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, huyện Mang Thít); tỉnh Bến Tre (huyện Chợ Lách); tỉnh Tiền Giang (huyện Gò Công Tây); tỉnh Long An (huyện Châu Thành); tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch). Với quy mô lớn, dự án cần thu hồi gần 60ha đất, với số tiền cần chi trả cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 720 tỷ đồng. Để đảm bảo tiến độ, công tác GPMB sẽ được tách thành các tiểu dự án do UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua triển khai tổ chức thực hiện. Vấn đề đặt ra là, một số khu vực như thị trấn Chợ Lách có mật độ dân sống dọc hai bờ kênh khá cao, nhiều hộ dân xây nhà sát bờ sông nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường thủy, việc đền bù hợp lý để người dân có thể yên tâm cuộc sống mới ở các khu tái định cư rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư, xây dựng các khu tái định cư cũng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục của dự án đầu tư thông thường, khó bảo đảm tiến độ để bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án đường thủy và đơn vị tư vấn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sớm xác định ranh giới, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành GPMB.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đường thủy nghiên cứu về khả năng điều chỉnh giải pháp kỹ thuật nhằm tránh phải sử dụng đất rừng để có thể chủ động phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong thời gian sớm nhất.


Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo hoàn thành hơn 90% khối lượng

Thông tin từ Ban Quản lý các dự án đường thủy, đến thời điểm này, Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) giai đoạn 2 đã hoàn thành khối lượng hơn 90%. Dự án có các hạng mục chính gồm: nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam, rộng 55m, dài 9,85km, xây kè bảo vệ bờ phía bờ Nam...

Ghe tàu vận chuyển hàng hóa trên kênh Chợ Gạo

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 10-2023. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ do việc xây dựng khu tái định cư không đáp ứng kế hoạch đề ra, công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Đến giữa tháng 9-2023, địa phương mới bàn giao 100% mặt bằng cho các nhà thầu thi công. Hiện nhà thầu đang huy động tối đa năng lực đẩy nhanh tiến độ lắp đặt cấu kiện bê tông kè, thảm đá và thi công đường dân sinh.

Dự án kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng, thi công vào tháng 12-2021. Đây là tuyến đường thủy huyết mạch, chiếm 60%-70% lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy giữa vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.