Tuy vậy, nhiều chuyên gia văn hóa cũng như quy hoạch đô thị cho rằng: Hà Nội sẽ khó giữ được sức hấp dẫn của không gian này nếu không tìm được giải pháp khắc phục những hạn chế sau ba tháng triển khai thí điểm.
Không gian đi bộ và văn hóa đi bộ
Sau nhiều lần trì hoãn, Hà Nội đã có một không gian đi bộ thênh thang trên 26 con phố quanh hồ Hoàn Kiếm. Tại đây, người dân và du khách có thể thoải mái dạo bước dưới lòng đường, ghé thăm các gian hàng và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật một cách thư thái mà không lo khói bụi, tiếng ồn của các phương tiện giao thông như mọi khi.
Ở góc độ văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng: Việc mở rộng không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm sẽ tạo ra văn hóa đi bộ trong cộng đồng cư dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố cổ và thấy rằng người ở phố bây giờ rất lười. Ngay ra đầu phố mua cọng hành cũng phải đi xe máy. Như thế vô hình trung làm cho phố cổ vốn đã chật lại càng thêm chội. Rồi tiếng ồn, ô nhiễm cũng từ đó mà ra”. Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, việc mở ra không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận lẽ ra phải được làm từ rất lâu, chứ không phải đợi đến tận bây giờ. Nhưng muộn còn hơn là không. Bởi với một đô thị phát triển như Hà Nội mà hiện ở bất kỳ khu vực nào cũng chỉ thấy phương tiện cá nhân di chuyển đã và đang tạo nên một hình ảnh nhốn nháo, không an toàn...
Tuy nhiên, có lẽ vì được triển khai trên một địa bàn quá lớn cho nên nảy sinh nhiều vấn đề. Với lượng khách có khi lên tới hàng chục nghìn người một lúc, vấn đề vệ sinh môi trường trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ngay từ những ngày đầu triển khai, các phương tiện truyền thông đã phản ánh tình trạng rác thải tràn lan trên các tuyến phố, nhà vệ sinh công cộng luôn quá tải. Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm thẳng thắn thừa nhận sự bất cập trong việc quản lý các khu phố đi bộ, nhất là việc phân luồng cũng như những địa điểm trông giữ xe không đáp ứng đủ nhu cầu dẫn tới việc người dân tự ý tổ chức trông giữ ô-tô, xe máy với mức giá rất cao.
Bên này hồ Hoàn Kiếm có hàng chục ban nhạc đua nhau đẩy loa công suất tới mức chói tai cùng dàn vũ công nhảy nhót chiếm hết lối đi lại, bên kia hồ là thế giới của xe điện trẻ em, khiến người đi bộ khó mà chen chân. Chưa kể hàng rong tự phát tràn lan khắp nơi, giá bán ngất ngưởng với đủ loại đồ ăn đường phố không được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Phố sách Nguyễn Xí mặc dù mới đưa vào thử nghiệm nhưng đã sớm đìu hiu... Nhiều nhà quản lý đô thị cho rằng: Hà Nội rất cần một không gian đi bộ như không gian quanh hồ Hoàn Kiếm, nhưng từ những vấn đề nêu trên, rõ ràng không gian này cần phải được quy hoạch lại.
Tạo giá trị cho không gian đi bộ
Trên thế giới, nhiều thành phố cũng có các tuyến đi bộ gắn với khu vực có nhiều di sản kiến trúc, lịch sử đặc biệt hay các quảng trường, trung tâm thương mại, du lịch như ở Pháp, I-ta-li-a, Đức... thu hút rất đông du khách, mang lại nguồn thu lớn cho ngành du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) lấy thí dụ thành công của Hội An, từ thành phố nhỏ tồi tàn trở thành một thành phố di sản, đang hướng đến thành phố sinh thái. “Đó là bài học về sự cam kết của lãnh đạo và sự tham gia của cộng đồng, với các giải pháp sáng tạo hài hòa với thiên nhiên”. Ông nhắc đến một loạt địa danh đã tổ chức thành công không gian đi bộ, chẳng hạn Mét-đơ-lin (Cô-lôm-bi-a), biến khu ổ chuột thành không gian du lịch, kết nối với đô thị trung tâm bằng cáp treo. Thành phố Bô-gô-ta của nước này cũng trở thành "thiên đường" cho người đi bộ, có làn xe dành cho người đi xe đạp, hình thành hệ thống xe buýt nhanh, cấm ô-tô vào cuối tuần trên các tuyến đường chính.
Từ câu chuyện làm thế nào để nghệ thuật cộng đồng cải tạo không gian sống, ông Pắc Ki-ung Chun, trưởng đại diện Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm mà quỹ này đã làm tại làng Trung Thanh ở xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam). Trước kia, Tam Thanh chỉ là một làng chài nghèo, nhưng từ khi được tô điểm bằng những bức bích họa (tranh vẽ tường) sống động đã trở thành điểm đến của nhiều du khách. Đồng tình với câu chuyện nghệ thuật cộng đồng cải tạo không gian sống, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh đưa ra ý kiến, nên mời các nghệ sĩ chung tay cải tạo phố sách Đinh Lễ và Nguyễn Xí trở nên sinh động hơn.
Các chuyên gia quốc tế cũng khẳng định, chỉ có quy hoạch thật cụ thể với chiến lược phát triển rõ ràng mới đem lại sự thay đổi và từ đó tạo ra giá trị cho không gian đi bộ của Thủ đô. Đơn cử, quy hoạch của thành phố Cô-pen-ha-ghen (Đan Mạch) hướng tới người dân, buộc họ phải bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi nhiều hơn để bảo vệ môi trường khi tiêu tốn ít năng lượng cho máy điều hòa không khí và xăng xe, gắn kết với cộng đồng hơn, có sức khỏe tốt hơn, thu hút được nhiều khách du lịch hơn. Hay như Xin-ga-po, quy hoạch đang hướng tới việc loại bỏ xe hơi, thay vào đó là sử dụng những phương tiện giao thông khác, mà đi bộ và xe đạp là những giải pháp hữu hiệu hơn cả. Tất nhiên, chính quyền những thành phố này cũng đã vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng việc lấy con người làm trung tâm và đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích của một vài người hay một vài nhóm người là chìa khóa của thành công.
UBND thành phố Hà Nội khẳng định vừa thí điểm vừa rút kinh nghiệm để dần hoàn thiện quy hoạch khu phố đi bộ nhằm khai thác hiệu quả hơn những giá trị vật thể và phi vật thể trong tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận trong tương lai.