Thủa nhỏ học trường Tây, sau này trưởng thành đi làm nhân viên cho một ngân hàng của Pháp, có lẽ chẳng bao giờ Trịnh Thịnh lại nghĩ đến một ngày mình sẽ bén duyên với nghệ thuật thứ bảy. Suốt những năm tháng tuổi thơ, ông thường đắm mình trong những buổi chiếu phim công cộng, có lẽ điều đó đã nuôi dưỡng cho niềm đam mê đối với điện ảnh trong ông. Sau khi rời khỏi Ngân hàng, lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để kiếm sống, những tháng ngày khó khăn vất vả đã góp phần không nhỏ vào vốn sống của Trịnh Thịnh để sau này nuôi nghiệp diễn.
Năm 30 tuổi, Trịnh Thịnh bén duyên điện ảnh một cách hết sức tình cờ, khi xin vào lồng tiếng cho một hãng chuyên nhập khẩu phim của Liên Xô. Trước đó, ông cũng từng tham gia một vài vở kịch ở Nhà hát Lớn. Đó cũng là cơ duyên đưa ông đến với những bộ phim kinh điển, làm nên lịch sử điện ảnh Việt Nam. Có thể kể đến hàng loạt phim như vậy, chẳng hạn như “Chung một dòng sông”, “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Dậu”, “Thị trấn yên tĩnh”…
“Chung một dòng sông”, bộ phim của hai đạo diễn Phạm Kỳ Nam và Nguyễn Hồng Nghi, kể về một mối tình trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, thậm chí không gặp được nhau trong ngày cưới. Mặc dù không phải vai chính nhưng diễn xuất của Trịnh Thịnh trong phim đã đem lại cho ông những vai diễn khiến khán giả nhớ mãi không bao giờ quên. Trong “Chị Dậu”, hình ảnh một ông quan bước ra từ chiếc xe bóng loáng, thái độ hách dịch, hai tay chắp sau lưng đã tạo ấn tượng mạnh mẽ cho khán giả, mặc dù đó cũng chỉ là một vai phụ.
Hình ảnh Trịnh Thịnh được khán giả nhớ đến nhiều nhất là những vai nông dân. Ông già thuyền chài khắc khổ, đeo nặng trên lưng lời nguyền cay nghiệt của mình trong “Lời nguyền của dòng sông”, ông nội của Bờm trong phim “Thằng Bờm”, hay thậm chí ông chủ tịch huyện háo danh trong “Thị trấn yên tĩnh” cũng là một vai đậm chất nông thôn Việt Nam, và gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Trịnh Thịnh từng chia sẻ, trong ông, hình ảnh người nông dân bao giờ cũng đẹp, trong sáng, chân tình, không giả dối. Những nhân vật nông dân của ông, dù chính kịch hay hài, đều toát lên tinh thần đó. Ngay cả khi diễn hài, ông không đưa khán giả đến cái cười giễu cợt mà là nụ cười hồn hậu, vui vẻ…
Trịnh Thịnh là người cực kỳ nghiêm túc trong nghề. Mỗi vai diễn ông đều đầu tư công phu những trải nghiệm của mình để thực sự hóa thân vào nhân vật. Đối với ông, không phải diễn cho giống nhân vật mà là diễn sao cho thật. Lòng yêu nghề và tận tâm với nghề của ông, cho đến bây giờ vẫn là một tấm gương để nhiều diễn viên yêu nghề học theo.
Những năm cuối đời, ông lui vào “ở ẩn”, một phần vì sức khỏe yếu, một phần vì thấy không phù hợp, khi phim ảnh ngày càng chạy theo nhu cầu thị trường và coi nhẹ chất lượng. Sự ra đi của ông, mặc dù ông đã vắng bóng từ lâu trên màn ảnh rộng, vẫn để lại trong lòng khán giả khoảng trống thật lớn…