Nhạc sĩ Hồ Bắc sinh ngày 8-10-1930 tại làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). 15 tuổi, nhạc sĩ đã tham gia hoạt động Cách mạng, là người phụ trách đội Thiếu nhi tuyên truyền Cách mạng. Sau đó, ông lên đường nhập ngũ và trở thành cán bộ âm nhạc của Văn công sư đoàn 316, Tổng cục Hậu cần. Đáng chú ý, ông không hề được học âm nhạc tại trường lớp chính quy nào, mà hoàn toàn dựa vào cảm nhận của mình để sángtác. Các ca khúc của ông gắn bó với hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, được nhiều khán thính giả các thế hệ yêu mến, như “Làng tôi”, viết năm1949, “Bên kia sông Đuống” (phỏng thơ Hoàng Cầm - 1950), “Gặt tay nhanh” (1952), “Giữ mãi tuổi xuân” (1954), “Giữ biển trời Xô viết Nghệ An” (1965), “Trên đường Hà Nội” (1966), “Gửi anh chiến sĩ thông tin đảo” (1966), “Sài Gòn quật khởi” (1968), “Bến cảng quê hương tôi” (1970)…
Năm 1956, nhạc sĩ Hồ Bắc chuyển về làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Đây cũng là khoảng thời gian ông viết một số tác phẩm hợp xướng như “Ca ngợi Tổ quốc”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Tổ quốc yêu thương”... Ngoài ra, nhạc sĩ còn sáng tác nhạc cho một số phim truyện, tài liệu và hoạt hình. Song song với công việc sáng tác, nhạc sĩ còn kiêm nhiệm cả phần việc của một biên tập âm nhạc như viết lời giới thiệu cho các chương trình ca nhạc, bình các tác phẩm âm nhạc, biên dịch gần 500 ca khúc nước ngoài để phát sóng. Ông là ủy viên Hội Văn nghệ Hà Nội (từ khoá I đến khóa IV), nguyên Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Phát thanh Truyền hình. Ông còn tham gia giảng dạy sáng tác.
Nhạc sĩ Hồ Bắc vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1997. Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm “Làng tôi”, “Giữ mãi tuổi xuân”, “Ca ngợi Tổ quốc, “Sài Gòn quật khởi” và “Bến cảng quê hương tôi” (2001).
Nhạc sĩ ra đi đột ngột sau một thời gian sức khỏe giảm sút, vào lúc 4 giờ 15 phút sáng 8-2-2021. Lễ viếng nhạc sĩ diễn ra vào 16 giờ 45 ngày 9-2 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Linh cữu ông sau đó được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ.