Khám phá hai thành phố cổ mất tích ở khu vực rừng rậm Mexico

|

NDO - NDĐT - Các nhà khảo cổ Mexico đã có một khám phá mới đầy ý nghĩa, đó là tìm thấy hai thành phố từng mất tích trong khu vực rừng rậm ở Campeche, Mexico.

Hai thành phố này bao gồm những ngôi đền đổ nát, vết tích còn lại của các cung điện, các tượng đài bằng đá, một vòm cổng hình miệng quái vật, một sân lớn, bàn thờ… Một trong hai thành phố đã được tìm thấy cách đây nhiều thập niên, nhưng những nỗ lực để định vị chính xác thành phố này đều thất bại. Thành phố còn lại trước đây chưa từng được biết đến, và hoàn toàn là phát hiện mới, soi rọi luồng ánh sáng mới vào cuộc sống của người Maya cổ.

Trưởng nhóm khảo cổ, Ivan Sprajc, thuộc Trung tâm nghiên cứu, Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật Slovania cho biết, phát hiện này được hỗ trợ bởi những hình ảnh chụp từ vệ tinh về khu vực rừng nhiệt đới trung tâm Yucatan, thuộc Campeche, Mexico. Các hình chụp này đã phát hiện những hình ảnh không bình thường bên dưới tán lá rừng rậm, và khi đó một đội nghiên cứu đã được cử đến để tìm hiểu.

Các nhà khảo cổ đã rất choáng váng khi phát hiện ra toàn bộ một thành phố năm giữa vùng Rio Bec và Chenes, rộng khoảng 1.800 dặm vuông (khoảng hơn 4.600 km2), được xây dựng hoàn toàn theo lối kiến trúc Maya cổ điển, và có niên đại ước chừng khoảng từ năm thứ 600 đến 1.000 sau Công Nguyên.

Vào thập niên 70, một trong hai thành phố này đã từng được nhà khảo cổ người Mỹ Eric Von Euw phát hiện ra, ông cũng chính là người ghi chép và vẽ lại những tàn tích của người Maya cổ và đặt tên cho nó là Laguinita. Tuy nhiên, vị trí của thành phố sau đó đã bị thất lạc, và những nỗ lực tìm lại cho đến nay đều không thành công.

Một trong những điều ấn tượng nhất của thành phố này là vòm cổng vào thành phố hình miệng một con quái vật khổng lồ, đại diện cho Thần Đất của người Maya. Nhà khảo cổ Ivan Sprajc cho biết: “Hình tượng này mang tính biểu trưng cho một cửa hang lớn, dẫn tới một thế giới bên kia, nơi xuất phát của hạt ngô, biểu tượng lương thực của Mexico và cũng là nơi cư trú của tổ tiên người Maya”.

Kim tự tháp ở Laguinita.

Bên trên lối vào, Sprajc và nhóm nghiên cứu của mình còn tìm thấy một ngôi đền lớn hình kim tự tháp cao khoảng 20m, cũng như một quần thể lâu đài cổ mà nay chỉ còn lại những tàn tích. Gần đó, họ còn tìm thấy một số lượng lớn các bức tượng đá, bàn thờ đá, mộ cổ khắc chữ hướng tới thần linh.

Một trong những bản viết cổ vừa được nhà nghiên cứu văn khắc Octavio Esparza Olguin từ trường ĐH tự quản Mexico nghiên cứu cho thấy những ký tự này thuộc về khoảng năm 711 sau Công nguyên, và dành cho một vị chúa trị vì trong khoảng 80 năm. Tuy nhiên không may là những ký tự này không đủ rõ để đọc được.

Bên cạnh những phát hiện mới về Lagunita, nhóm nghiên cứu của Ivan Sprajc còn tìm thấy những vết tích đổ nát của một thành phố cổ đại khác gần đó, hoàn toàn chưa được biết đến trước đây. Những vết tích này bao gồm một kim tự tháp cổ, khu vực thờ tự, vệ thành với ba ngôi đền bao quanh (khu vực thành cao với các công trình kiến trúc công cộng thời cổ đại). Cấu trúc của thành phố này tương tự như một thành phố cổ đại khác của người Maya. Sau khi các nhà khoa học phát hiện hàng loạt hệ thống thu và tích trữ nước ngầm trong lòng đất, họ đã đặt tên cho thành phố mới này là Tamchen (nghĩa là giếng sâu).

Một dấu vết kiến trúc tại Tampan.

Mặc dù có vẻ như hai thành phố này cùng tồn tại song song với nhau trong một khoảng thời gian nào đó, nhưng cũng đã có những bằng chứng cho thấy Tamchen có thể được xây dựng trước Laguinita, với những cấu trúc liên quan đến thời hậu cổ điển (từ năm 300 trước Công nguyên cho tới nă 250 sau Công nguyên).

Nhà nghiên cứu Sprajc cho rằng, việc phát hiện cả hai thành phố đã đem đến những câu hỏi thú vị về nền văn hóa của người Maya, cùng với vai trò của họ trong lịch sử…