Dấu ấn của nhà xuất bản
Phải thừa nhận, so với nhiều thú chơi khác, thú chơi sách không được viết hay in thành sách nhiều để tham khảo, bất chấp việc sách như những người bạn không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Cũng vì thế mà cho đến nay, người chơi sách vẫn xem cuốn Thú chơi sách xuất bản năm 1960 của Vương Hồng Sển, một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng, và cuốn Về chốn thư hiên xuất bản năm 2015 của Trần Trọng Cát Tường, như cẩm nang mà ai cũng phải có trong tủ sách. Ðọc hai cuốn sách này, tất cả sẽ hiểu rõ về một thú chơi tao nhã, các "thuật ngữ khoa học" của sách, dễ bị cuốn vào hứng thú săn lùng các trước tác cũ, quý hiếm cũng như kinh nghiệm của các tác giả trong việc đọc sách hay giữ sách…
Nói vậy là để biết những năm 60 và một khoảng thời gian xa hơn của thế kỷ trước, cụ Vương Hồng Sển viết về bản đặc biệt như thế nào và đến thế kỷ này, khi công nghệ in ấn hiện đại, người ta làm bản đặc biệt ra sao. Trong Thú chơi sách, ông viết: "Một cuốn sách hữu danh, khi xuất bản thường chia nhiều hạng: ngoài số bản thường in giấy tầm thường, còn đặc biệt in giấy đẹp có chữ ký của tác giả thêm đánh số thứ tự hẳn hoi, sách ấy có khi tác giả chừa để tặng thân bằng tri thức, hoặc dành riêng cho hạng chơi sách kén, đã ký quỹ dặn trước".
"Số in đã ít, giá tiền lại cao, một khi sách được công nhận rằng hay thì rất dễ trở nên quý phẩm, các tay mua trễ tha hồ đua nhau giành giựt! Ðó quả là một bảo vật trong văn phòng các tay phong lưu, giấy in tuyệt hảo, chữ rõ rệt đậm đà, người xem không mệt mắt, sở hữu chủ cầm nó trên tay thêm được thú vui mân mê thưởng thức một công trình đến nơi đến chốn của nghề ấn loát, khác nào nghề chơi cổ ngoạn ngồi giỡn với một kỳ trân bảo ngọc…".
Hiểu một cách đơn giản thì thời đó, nhiều nhà chơi sách phong lưu, mặc dù không dư giả, thích sắm mỗi bộ sách đến hai bản: một bản thường và một bản đặc biệt. Bản thường để họ đọc hằng ngày, nếu có cho bạn bè mượn qua mượn lại và rủi có mất cũng không lấy làm tiếc. Bản đặc biệt để cất giữ trong tủ, ít khi đem dùng.
Bản in đầu cuốn sách "Vang bóng một thời" của nhà văn Nguyễn Tuân. Ảnh: Xuân Thân
Ngoài ra, không như bản thường, bản đặc biệt được đóng bìa cứng, chạm khắc tỉ mỉ, in trên giấy mỹ thuật quý hiếm, ghi dấu riêng đánh số thứ tự bằng số La Mã, A-rập hoặc bằng chữ cái… kèm chữ ký, triện son tên tác giả, nhà xuất bản và không ghi giá bán, đôi khi thêm vài bức tranh minh họa hoặc ít tư liệu.
Chưa hết, bản đặc biệt còn chứa đựng những thông tin kèm theo về đời sống của một bản sách gắn liền với tác giả và độc giả đặc biệt, nhiều khi là riêng biệt của bản sách ấy.
Ðể thấy rõ hơn thì trong một số bản đặc biệt của một số nhà xuất bản in trước năm 1975 tại TP Hồ Chí Minh, phần cuối trang chúng ta thấy có ghi những dòng chữ ngắn như:
"… Do Cảo Thơm ấn hành lần thứ nhất, ngoài những bản thường có in thêm ba mươi bản đặc biệt trên giấy bạch vân ghi dấu riêng…";
"… Ngoài những bản thường còn in thêm năm bản quý. Mỗi bản đều có triện son của tác giả…";
"… Có in thêm năm bản trên giấy ngân nhũ đặc biệt mang chữ CT, L.N, VHV… 100 bản trên giấy Bạch Ngọc đánh số từ Văn Tuyển 001 đến Văn Tuyển 100, tác giả dành riêng cho bạn hữu".
Ngày nay, những dòng chữ ngắn như vậy được các nhà xuất bản ghi ngay ở sau trang lót của bìa, như:
"Ngoài những bản thường, ấn phẩm này có in thêm 100 bản bìa cứng, được đánh số từ 01 đến 100, dành cho bạn đọc yêu thích sách đẹp. Ngoài ra còn có: 02 bản đánh dấu B.N.L và D.T; 05 bản đánh dấu A, B, C, D, E dành tặng thân hữu đã đóng góp công sức cho việc hoàn thiện ấn phẩm. Tất cả 107 bản đều có đóng triện của Sách Dân Trí".
"Trong lần xuất bản này, ngoài những bản bìa mềm thương mại, Tao Ðàn có in thêm 200 bản bìa cứng được đánh số thứ tự từ 01-200. Ngoài ra còn có ba bản đánh dấu: T.B - T.D - H.Ð.L; bốn bản đánh dấu A-B-C-D dành tặng cho dịch giả và bạn bè thân hữu. Tất cả 207 bản này đều có đóng triện đỏ của Tao Ðàn".
"Ngoài các bản sách thường còn có 50 ấn bản đặc biệt có jacket dành cho độc giả yêu sách đẹp. Những ấn bản này được đánh số từ 00-49, có chữ ký, triện son của tác giả. Trong đó có 20 bản đánh số 00-19 dành tặng không bán".
Có thể thấy ngay rằng, việc in thêm những bản đặc biệt cho thấy thái độ trân trọng của nhà xuất bản đối với tác giả (và độc giả), cũng là để nâng tầm giá trị của sách, tên tuổi của nhà xuất bản. Ở tác giả, đấy là nhà xuất bản dành cho tác giả cái quyền lưu giữ những bản đặc biệt, được tặng bạn bè những bản sách quý mà chỉ có tác giả và người thân mới có, không bán trên thị trường. Ở độc giả, nhà xuất bản quan tâm đến những người thích sưu tầm các bản có chữ ký, thủ bút của tác giả hoặc chỉ đơn giản là những người thích sưu tầm các bản đặc biệt.
Về phía nhà xuất bản, những bản đặc biệt sẽ tạo nên một dấu ấn riêng của họ về in ấn, về cách làm nhằm thu hút bạn đọc, quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, những bản đặc biệt có thể giúp các nhà xuất bản đạt doanh thu cao hoặc bù đắp cho chi phí in bản thường khi người chơi sách sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao gấp năm đến sáu lần. Ðiều đáng nói là cho đến giờ, đây vẫn là cách làm của nhiều nhà sách trong thời buổi cạnh tranh quyết liệt.
Cách làm mới để lan tỏa tình yêu với sách
Tháng 11-2016, một cuộc trưng bày những cuốn sách - bản in đặc biệt đã diễn ra tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh do các nhà sưu tầm TP Hồ Chí Minh thực hiện. Tại đây, người xem có cơ hội ngắm nhìn một dòng sách riêng đã làm nên một thú vui tao nhã, đó là tìm kiếm, gìn giữ những bản in đặc biệt qua nhiều thế hệ. Thí dụ như: tập kỷ yếu kỷ niệm 350 năm Ngày sinh A-lếch-xan-đơ đờ Rốt (1591 - 1666), in tại Hà Nội năm 1941 (chỉ in 200 quyển); Lều chõng in trên giấy dó năm 1941 có chữ ký của tác giả Ngô Tất Tố; Việt Nam cổ văn học sử in trên giấy dó năm 1942, có chữ ký của tác giả Nguyễn Ðổng Chi; bộ Nho giáo hai tập in lần đầu, trên giấy dó vào năm 1932...
Ðến tháng 9-2017, cũng tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh đã diễn ra triển lãm Về chốn thư hiên do các nhà sưu tầm thành phố thực hiện, trong đó giới thiệu cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, in lần đầu năm 1940 trên giấy dó lụa còn nguyên năm phụ bản tranh của họa sĩ Nguyễn Ðỗ Cung, có thủ bút và chữ ký của tác giả; Ngồi tù khám lớn của Phan Văn Hùm in lần đầu năm 1929; Nằm vạ của Bùi Hiển in lần đầu năm 1942 trên giấy dó lụa, với lời đề của Bùi Hiển tặng Vũ Ngọc Phan, và tác giả còn tự tay sửa các lỗi
trong sách…
Sau năm 1975 cho đến những năm đầu thế kỷ 21, người ta gần như không thấy các bản đặc biệt nữa. Nếu có, đấy chỉ là những bản bìa cứng của Nhà xuất bản Kim Ðồng với các ấn phẩm Sơn Tinh, Thủy Tinh; Tấm Cám…; Nhà xuất bản Văn học với cuốn Vang bóng một thời, hay một số cuốn được in trên giấy tốt, giấy đặc biệt. Cũng vì thế mà mãi đến sau này, Công ty sách Ðông A trước tiên (năm 2005) rồi một số nhà xuất bản, công ty sách như Kim Ðồng, Nhã Nam, Trẻ, DT Books hay Sao Bắc mới bắt đầu quay lại in thêm bản đặc biệt, khi thói quen đọc sách lan tỏa rộng khắp và khi người đọc có điều kiện hơn để sở hữu những bản đặc biệt đắt tiền.
Thật ra, cụm từ "bản đặc biệt" rất dễ gây nhầm lẫn với "bản giới hạn", "bản bìa cứng" bởi ba chữ "bản đặc biệt" ít khi được các nhà sách ghi rõ ở trang lót, như thể họ cho rằng, bản đặc biệt không có gì quá khác biệt so với bản thường trừ có thêm bìa cứng, áo khoác, đánh số hoặc chữ ký tác giả. Vì thế, như một lãnh đạo của nhà sách Tao Ðàn thừa nhận, họ chỉ in bản giới hạn hoặc chỉ đơn giản là bản bìa cứng cho khác chứ nếu là bản đặc biệt, chất giấy phải khác, chất lượng hơn, đắt hơn. Hay như tháng 2 vừa qua, nhà sách Tri Thức Trẻ Books giới thiệu cuốn Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa, một phiên bản Tam quốc được cho là cổ nhất, gần sát nhất với nguyên tác của tác giả La Quán Trung, dưới dạng bản thường và bản giới hạn, với tổng số 500 bản. Ðiều bất ngờ là tuy mang tên gọi bản giới hạn nhưng số bản giới hạn đã chiếm tới 300, tức là nhiều hơn cả số bản thường. Và bản giới hạn chỉ khác bản thường ở chỗ có hộp đựng sách, bìa cứng, chữ ký dịch giả, triện tên sách và số bản giới hạn được ghi trên sách cùng một ấn phẩm đi kèm.
Dĩ nhiên, có những nhà sách đã tạo sự khác biệt ở hình thức trang trí khi bìa vẫn là bìa cứng có thêm áo khoác hoặc làm bằng da; nội dung có thêm tranh minh họa, phụ bản và cuối cùng là chất giấy. Tuy vậy, ấn tượng hơn cả vẫn là những bản đặc biệt mà Ðông A đã và đang tạo ra sau một quá trình dài thử nghiệm, nghiên cứu thị hiếu độc giả. Từ chỗ bản đặc biệt của Văn mới 5 năm đầu thế kỷ in năm 2005 chỉ là bìa cứng, có áo khoác, sử dụng giấy conqueror, đánh số và có chữ ký của 39 trong số 41 tác giả, Ðông A giờ thay thế bằng bìa da thủ công, ruột in trên giấy GV76-BB, triện đỏ của Ðông A và nghệ nhân đóng sách, đánh số ÐA-01 đến ÐA-100 như ở cuốn Robinson Crusoe hay 500 bản đặc biệt của cuốn Bố Già được đóng bìa cứng, hộp và áo in trên giấy đen mỹ thuật, ép cạnh vàng, đánh số thứ tự từ ÐA 001 - ÐA 500, minh họa của 12 họa sĩ đương đại Việt Nam và in tên bạn đọc đăng ký đặt sách vào cuối sách…
Ðiểm khác biệt nữa của Ðông A không chỉ ở cách họ tạo ra những bản đặc biệt như thế mà còn ở cách họ đang xây dựng bộ sưu tập S100 gồm nhiều tác phẩm hay với số bản cho mỗi tác phẩm chỉ có 100 và S100 Art còn gọi là ấn phẩm mỹ thuật, nói ngắn gọn là sách đẹp, khổ to, có minh họa. Những tranh minh họa này sẽ được Ðông A đem bán đấu giá sau đó.
Ngoài ra, nhờ sự tương tác rất tốt trên fanpage của Ðông A, số người đặt mua những bản đặc biệt ở mỗi ấn phẩm luôn vượt qua số lượng 100 bản, đồng thời khiến cho những bản đặc biệt này càng trở nên hiếm và đắt tiền. Ðành rằng hiếm không có nghĩa là quý nhưng trừ những người đặt mua được hai hay ba cuốn, thật sự không ai muốn nhường một ấn phẩm được làm công phu và đẹp như vậy trong tủ sách của mình cho người khác. Trong trường hợp này, người viết cũng tự hỏi, liệu có mấy người yêu sách đẹp và người sưu tập sẵn sàng theo đuổi đến cùng dự án S100 và S100 Art của Ðông A, khi danh sách S100 còn những cuốn sách hay như Nhà thờ Ðức bà Paris, Tây Du Ký, Lũ người quỷ ám, Thần thoại Hy Lạp, Việt Nam sử lược, Nghìn lẻ một đêm… hay danh sách của S100 Art có Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nghệ thuật ở Huế, Ðại Việt sử ký toàn thư…? Và giá bìa mỗi cuốn đều từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng.
Chia sẻ về dự án S100 và S100 Art, Giám đốc Công ty sách Ðông A Trần Ðại Thắng cho biết, đây đều là những cuốn sách mà anh đã đọc, bản thân anh rất thích và muốn chia sẻ với tất cả những người yêu sách. Còn tôi thì nghĩ rằng, đó không chỉ như trào lưu "thách thức 7 ngày 7 cuốn sách" xuất hiện gần đây mà là một thách thức trong cuộc đời của mỗi người, như thể anh muốn tất cả tham gia, vượt qua, cùng lan tỏa tình yêu và niềm đam mê với sách. Vì thế, dù S100 ra đời từ năm 2005 với Văn mới 5 năm đầu thế kỷ là cuốn đầu tiên và S100 Art mới ra đời năm 2019 nhưng người họa sĩ sinh năm 1973 cho biết, ý tưởng xây dựng một tủ sách như vậy đã được anh ấp ủ rất lâu.
Nhà cổ vật Vương Hồng Sển từng nói, muốn chơi sách chẳng đợi có nhiều tiền nhưng cũng không nên quá tham lam, nuôi ảo vọng lớn cho mệt mỏi. Trên tất cả, sách quý ở người đọc, người sử dụng, chứ không phải sách đắt tiền, sách đẹp chỉ trưng cất trong tủ. Khi đó, một cuốn sách hữu ích, tuy rách nát cũng giống cảo thơm quý phẩm, như "đừng chê sách cũ sách bong, em như cơm nguội no lòng canh khuya".