Đào Tấn (trong ảnh) là một nhà nho yêu nước thời nhà Nguyễn, đã có 30 năm làm quan, trong đó ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, luôn dốc lòng chăm dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc. Ông là một tài năng lớn về nghệ thuật diễn xướng dân tộc, được tôn vinh là hậu Tổ nghệ thuật hát bội (tuồng). Ông đã để lại cho dân tộc di sản văn hóa phong phú về văn, thơ, lý luận sân khấu, nhất là một khối lượng kịch bản, vở diễn tuồng đồ sộ, khó ai bì kịp. Nhưng dưới chế độ phong kiến, với quan niệm "xướng ca vô loài", nên không phải ai cũng biết nghệ sĩ vĩ đại Ðào Tấn cũng như di sản nghệ thuật to lớn của ông, mà chỉ biết ông quan Phủ Doãn, ông Tổng đốc An Tĩnh, quan Thượng thư triều Nguyễn.
May thay, vua Tự Ðức yêu thơ ca lại quan tâm và đánh giá cao tài năng viết tuồng của Ðào Tấn, nhận xét ông có "bút pháp như thần". Vua Thành Thái sau đó cũng gọi Ðào Tấn là một bậc thầy của nghệ thuật. Cũng từ nghệ thuật chốn cung đình, các vở tuồng của Ðào Tấn đã thâm nhập vào đời sống nhân dân, được trình diễn khắp nơi và trở thành những vở tuồng kinh điển của nghệ thuật sân khấu dân tộc. Ðào Tấn đã lập ra Ban hiệu thư ở Huế, chuyên sáng tác, sáng lập và chủ trì hoạt động rạp hát Như Thị Quan cùng hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên Học bộ đình. Làng Vinh Thạnh quê hương, nơi diễn những vở tuồng của ông đã đào tạo những nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ.
Từ thời trẻ, Ðào Tấn đã viết những vở tuồng như: Tân Dã Ðồn, Ðảng Khấu, hoặc vở Tam Bảo Thái giám thủ Bửu... Trong thời gian làm quan, ông đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hơn 100 vở tuồng cùng hàng trăm bài thơ và từ rất hay. Ông còn có công hoàn thiện âm nhạc tuồng, hệ thống các vấn đề mỹ thuật sân khấu tuồng như trang trí, trang phục đến đạo cụ.
Những vở tuồng của Ðào Tấn luôn là hình mẫu của nghệ thuật tuồng từ xưa đến nay mà tính độc đáo chính là sự tiếp thu tinh hoa tuồng thế kỷ 18, nhưng đã có sự thay đổi lớn về nội dung tư tưởng, trong đó tư tưởng chính nghĩa luôn sáng ngời, cũng giống như chính cuộc đời thanh liêm của ông. Tuồng Ðào Tấn đầy tính chất bi hùng, quyết liệt nhưng vẫn mang đậm tính lãng mạn, trữ tình, gần gũi với người dân. Ông là người đã mạnh dạn đưa các làn điệu dân ca Việt Nam vào nghệ thuật tuồng để diễn tả tâm trạng các nhân vật một cách linh hoạt và cũng là người đầu tiên đưa võ thuật dân tộc vào trong tuồng khiến tuồng Việt Nam mang đậm bản sắc riêng.
Năm 1963, nhà nghiên cứu Mịch Quang với bài: Ðào Tấn, nhà soạn tuồng kiệt xuất đăng trên tạp chí Văn học, đã khởi xướng việc nghiên cứu Ðào Tấn và bước đầu nói về con người và sự nghiệp Ðào Tấn tương đối đầy đủ. Tiếp theo, học giả Phạm Phú Tiết trong công trình Hội thoại nghệ thuật tuồng, có đề cập tới Ðào Tấn và đánh giá cao tài năng và sự nghiệp sáng tác của ông.
Ban nghiên cứu tuồng và các nghệ sĩ lão thành ở Ðoàn tuồng Liên khu 5 trong những năm 60, 70 của thế kỷ 20 kịp ghi lại và dựng một số vở tuồng của Ðào Tấn, nhưng chưa nghiên cứu sâu về thi pháp nghệ thuật của ông. Trong quyển Sơ khảo lịch sử tuồng (1973), GS Hoàng Châu Ký cũng nhắc khái quát về Ðào Tấn qua một số nhận định và đánh giá cao về tuồng của ông. Ở miền nam trước năm 1975, có nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, có đề cập về Ðào Tấn như: Danh nhân Bình Ðịnh của Bùi Văn Lăng, Nước non Bình Ðịnh của Quách Tấn, Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên, Nhân vật Bình Ðịnh của Ðặng Quý Ðịch...
Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, việc nghiên cứu sâu về Ðào Tấn mới có điều kiện để thực hiện. Khi liên hoan tuồng toàn quốc tại thành phố Quy Nhơn năm 1976 kết thúc, di sản nghệ thuật tuồng của Ðào Tấn mới được hé lộ, khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn. Cũng tại Liên hoan tuồng toàn quốc này, nghệ sĩ ba miền đất nước được xem các vở tuồng Ðào Tấn, đến thăm nhà Từ đường Ðào Tấn, viếng mộ Ðào Tấn, tưởng niệm vị hậu Tổ của mình. Năm 1977, Hội nghị nghiên cứu về Ðào Tấn đã được tổ chức tại Quy Nhơn, thảo luận sâu rộng về con người và sự nghiệp, học thuật và tư tưởng của vị hậu Tổ nghệ thuật tuồng.
Các nhà nghiên cứu trong cả nước và lãnh đạo ngành văn hóa - nghệ thuật bấy giờ như Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường đều đánh giá cao tài năng và cống hiến của Ðào Tấn cho nền văn hóa dân tộc. Nhiều bài thơ hay của Ðào Tấn đã được dịch và một vài vở tuồng của Ðào Tấn được phục hồi. Quyển kỷ yếu hội nghị mang tên Ðào Tấn - Con người và sự nghiệp do Ty văn hóa Nghĩa Bình xuất bản và phát hành. Riêng nhà thơ Xuân Diệu đã viết riêng một tiểu luận nghiên cứu về thơ Ðào Tấn. Các học giả cũng dày công sưu tập đầy đủ và cho xuất bản cuốn Hý trường tùy bút, tập hợp các công trình lý luận về tuồng của Ðào Tấn mới được phát hiện. Nhiều đoàn tuồng sau đó đã vận dụng lý luận tuồng của ông trong dàn dựng vở diễn, đào tạo diễn viên.
Từ hội nghị lần thứ nhất về Ðào Tấn năm 1977, cho đến nay đã có nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về ông tiếp tục được tổ chức với các công trình nghiên cứu sâu hơn về thân thế và sự nghiệp của ông, làm rõ tư tưởng yêu nước, yêu dân của Ðào Tấn, đồng thời đánh giá cao những di sản sáng tác và lý luận, từ kịch bản, nghệ thuật đạo diễn và đào tạo diễn viên tuồng của ông. Các nghiên cứu đều có chung nhận định thống nhất: Ðào Tấn là một vị quan yêu nước, tuy làm quan to cho nhà Nguyễn trong một thời gian dài, nhưng là ông quan thanh liêm, cương trực có đủ ba phẩm chất thanh, thận, cần mà ngay cả vua Tự Ðức cũng phải thừa nhận là kẻ sĩ "bất uy cường ngự". Ðào Tấn còn có mối quan hệ với các chí sĩ cách mạng trong phong trào Ðông Du như Phan Bội Châu và các văn thân yêu nước khác.
Cùng với thời gian, con người sự nghiệp và tư tưởng Ðào Tấn ngày càng được sáng tỏ. Bên cạnh việc nghiên cứu về ông, những vở tuồng viết về Ðào Tấn cũng ra đời như vở Thanh Gươm Hát Bội của tác giả Mịch Quang, do Hoàng Chương dàn dựng cho Nhà hát tuồng Khánh Hòa; vở Hồn Tuồng, sáng tác của Lê Duy Hạnh, Võ Sĩ Thừa đạo diễn; Nhà hát tuồng Ðào Tấn dàn dựng và vở Giấc mộng Hồ hoa cũng của Mịch Quang, do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Khánh Hòa biểu diễn. Trong khi đó, các nhà hát tuồng cả nước đều phục dựng những vở tuồng hay của Ðào Tấn và tạo được nhiều tiếng vang. Ðào Tấn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tôn vinh là danh nhân văn hóa của dân tộc, một giải thưởng mang tên ông cũng được hình thành và trao hằng năm tặng các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nghệ thuật dân tộc.
Việc tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản của danh nhân văn hóa Ðào Tấn là cần thiết và cấp thiết, nhất là trong dịp kỷ niệm 110 năm Ngày mất của ông, để các thế hệ sau này có thể nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về chân dung Ðào Tấn, bậc hậu Tổ nghệ thuật tuồng, một danh nhân văn hóa Việt Nam.