Năm 2018, du lịch Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017, phục vụ hơn 80 triệu lượt khách trong nước, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng và là năm thứ ba liên tiếp, du lịch Việt Nam liên tục thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Cũng năm này, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới-World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2018.
Nửa đầu năm 2019, Việt Nam đã đón hơn chín triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước và hứa hẹn một năm tạo đỉnh kỷ lục mới về thu hút du khách quốc tế. Đặc biệt, Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN hằng năm đã được tổ chức thành công trong tháng 1-2019 tại Hạ Long, đang và sẽ mang lại nhiều thay đổi mới trong phát triển chuỗi sản phẩm du lịch ASEAN và quảng bá Việt Nam như là điểm đến đẹp, thân thiện, an toàn.
Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: TUYẾT LOAN
Theo đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đã được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 là quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông - Nam Á, đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa, với tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD; Giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD; Ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP và tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp, với 70% được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng du lịch.
Ngày càng nhiều địa phương, như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang… đã và đang tăng cường quản lý điểm đến, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn và vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách, xử lý các tour 0 đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương và góp phần cùng cả nước phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn bền vững, theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia.
Động lực và kỳ vọng đưa du lịch Việt Nam phát triển nhanh hơn nữa được cộng hưởng và lan tỏa từ xu hướng ngày càng nhiều tập đoàn, công ty, nhà đầu tư chiến lược trong nước và quốc tế tăng cường đầu tư xây dựng những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch cao cấp, trực tiếp góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực theo tinh thần hội tụ “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” , gắn với các đề án trọng điểm của du lịch Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 202; cơ cấu lại ngành du lịch (thị trường khách và sản phẩm du lịch) và ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển ngành du lịch vừa theo chiều rộng, vừa chủ yếu theo chiều sâu; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực và hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước về du lịch trong hình thành các khu du lịch trọng điểm, xây dựng “vùng động lực mới”, tạo đột phá cho phát triển du lịch; Đặc biệt, cần tập trung đầu tư, hỗ trợ các địa phương có lợi thế về giao thông, tài nguyên du lịch điển hình và các sản phẩm du lịch chủ đạo, nhất là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao, như du lịch sáng tạo, du lịch chuyên đề, du lịch mua sắm, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng biển, hội nghị - hội thảo, du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm…; cải thiện năng lực quản lý điểm đến, gắn hoạt động du lịch với bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch, văn hóa truyền thống, đáp ứng ngày càng tôt hơn các nhu cầu đẳng cấp và những trải nghiệm mới lạ trong hành trình khám phá của du khách. phát huy được bản sắc văn hóa địa phương gắn với lợi ích cho cộng đồng.
Du khách nhí tham gia hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: TUYẾT LOAN.
Ngoài ra, động lực và kỳ vọng mới cho du lịch cũng đến từ sự cần thiết mở rộng việc trực tiếp cấp thị thực điện tử (E-visa) cho công dân người nước ngoài (hiện mới cho 40 nước) và cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua các cửa khẩu quốc gia (hiện mới có 28 cửa khẩu) phù hợp với pháp luật Việt Nam, với mức phí cấp thị thực thấp và thời hạn đủ dài, thuận lợi hơn trên cơ sở phát triển chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu giữ vững an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong tình hình mới.
Việt Nam được xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch, nhưng chỉ đứng thứ 75/141 về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu; xếp hạng 89 về mức độ mở cửa với quốc tế, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119 (Việt Nam mới miễn thị thực cho công dân 22 nước, so với ở Thái-lan là 61, ở Malaysia là 155, Singapore là 158, Indonesia là 169 nước).
Việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực và áp dụng cấp thị thực điện tử trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng hiện đại và an toàn là một bước tiến mới và thước đo trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới nhận thức, tư duy, tạo động lực và kỳ vọng mới về phát triển du lịch Việt trong hội nhập quốc tế...