Đam mê với nghề dệt thổ cẩm

|

Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức của cơ chế thị trường, nhưng tâm huyết với truyền thống cha ông, chị Hà Thị Dung, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) luôn trăn trở và tìm hướng đi để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái được bảo tồn và phát huy.

Gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm, cho nên ngay từ nhỏ chị Hà Thị Dung đã được mẹ truyền dạy từ việc trồng, tách hạt lấy bông, xe thành sợi, nhuộm mầu... và cứ thế niềm đam mê dành cho từng đường kim, mũi chỉ lớn dần theo thời gian. Chị ngày đêm cần mẫn, miệt mài trên khung dệt, tìm hiểu công nghệ nhuộm các mầu sợi bằng củ nâu, vỏ cây vang, cây bi, hạt điều… Năm 2005, cơ sở dệt may, bán thổ cẩm Dung Thăng do chị làm chủ đi vào hoạt động, kinh doanh các sản phẩm thổ cẩm ở khu vực chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm. Theo chị Hà Thị Dung, thời gian đầu thành lập cơ sở, gặp không ít khó khăn, do một số chị em không biết thêu, dệt. Chị đã vận động những người có kinh nghiệm dệt thổ cẩm trong xã tham gia dạy nghề, trao đổi kinh nghiệm và sưu tầm các mẫu dệt thổ cẩm cổ xưa kết hợp những hoa văn hiện đại để tạo ra sản phẩm phong phú, đa dạng hoa văn, họa tiết tinh xảo. Hiện cơ sở đặt mua sợi, cung ứng tới 40 gia đình ở các khu dân cư liền kề, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Nhạy bén, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng, chị Dung mua sắm thêm máy khâu, thiết kế và cải tiến một số chi tiết, may trang phục nhằm cung ứng đa dạng các mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ thương mại, phát triển thêm phương thức bán lưu động và giới thiệu, bán sản phẩm qua mạng internet. 

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Niêm Hà Thị Thoi nhận xét, niềm đam mê và quyết tâm khôi phục nghề dệt truyền thống của chị Hà Thị Dung đã góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người Thái. Cấp ủy, chính quyền xã Lũng Niêm đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, thu hút gần 100 xã viên tham gia, định hướng xây dựng sản phẩm OCOP gắn với khai thác du lịch làng nghề, thúc đẩy liên kết trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhằm bảo tồn, phát triển bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương.