“Gieo chữ” dưới chân núi Chúa

|

NDO - NDĐT - Cơn mưa rừng bất chợt đầu mùa khô Tây Nguyên không kéo dài như câu chuyện “gieo chữ” của cô giáo người Mông dưới chân núi Chúa. Những nương chè xanh non, những chùm cà phê vào vụ chín mọng… Con đường đến trường làng Mông “đủ bàn chân đi” đã dài và rộng ra. Hơn ba mươi em học sinh dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao… ở thôn 10C, xã Lộc Thành (Bảo Lâm, Lâm Đồng) vây quanh cô giáo Lý Thị Mỵ.

Tôi lóng ngóng chào cô giáo bằng tiếng Mông mới vừa học lỏm. Có phải nhân vật trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ không? Tôi bắt chuyện. Cô Mỵ bẽn lẽn.

Cô Mỵ tốt nghiệp Trường Sư phạm Cao Bằng năm 1991, đã có quyết định lên vùng tiểu cao ở quê dạy học. Sang năm 1992, cô “xuống núi” miền Tây Bắc để lên cao nguyên Lâm Đồng xây dựng hành trình cuộc sống mới khi tròn 22 tuổi. Vượt hơn ngàn cây số đoạn ngựa, đoạn xe và đoạn cắt rừng đi bộ, Mỵ rời xa quê hương Lang Môn, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi đó có núi Lũng Sao, Lũng Nặm, có dãy Lam Sơn mà Bác Hồ từng hoạt động từ những ngày cách mạng còn trong trứng nước. Nơi đó có dòng sông Vàng chảy qua vùng Nà Nội bình yên để “cắm bản” dưới chân núi Chúa giữa một ngày nắng ấm.

Mỵ nói như ru những em bé vào với con chữ đầu đời, khi đó nắng xuân đã tràn trề trên những cánh rừng Tây nguyên. Những đóa Dã quỳ đã vàng rực ngập lối đi và bầu trời chao nghiêng trên đỉnh núi Chúa... Đó là hình ảnh ban đầu đón chào Mỵ khi đến vùng cao nguyên này. Cô kể: Ba năm đầu mới vào, mình cũng đi làm thuê cùng bao người khác trong làng để kiếm sống. Học sư phạm mà không được đứng lớp, buồn lắm!

Cũng may, đến năm 1995, làng đã dựng được căn nhà lá để làm lớp học và đã chiêu mộ được khoảng 30 em học sinh, tuổi tác thì lẫn lộn, 5 tuổi, 6 tuổi, 10 tuổi… có đứa không đủ tuổi cũng khai cho đủ tuổi để được mở lớp học. Học ghép từ lớp 1 đến lớp 5. Giờ thì vui lắm rồi, trường đã được xây, cấp 1, cấp 2 có cả. Vậy là con cháu của người Mông, người Tày, người Dao, hay người Cơ Ho… đã được học hành để hòa nhập với xã hội.

Nhìn cô Mỵ, ngắm lũ trẻ đang mải chơi trên sân trường chưa chịu ra về, những đồi chè, cà phê ngút ngàn… miền đất mới đã hiện lên bóng dáng một vùng quê ấm áp và bình yên.

Quê cô đẹp thế sao lại vào đây? Tôi hỏi bất ngờ. Với vẻ trầm buồn khi ký ức vọng về, cô nói, quê mình đẹp lắm, nhưng cái đói, cái nghèo thì cứ đeo bám triền miên. Nguồn sống chính của đồng bào Mông là làm nương rẫy du canh, cây lương thực chính là ngô và lúa nương. Có khi còn phải trỉa ngô theo những lèn đá, người dân phải ăn mèn mén quanh năm. Cái nghèo là thế, nhưng từ bao đời nay những dòng họ Thào, Lý, Hoàng, La… của Nà Nội quê mình vẫn ôm lấy dòng sông Vàng và tham gia cách mạng. Có lẽ, trên chuyến xe “lịch sử” hai mươi năm trước đến đây… cũng là định mệnh!

Ngày đầu tiên cô đứng lớp thế nào? Tôi lái câu chuyện. Cô bảo, nói là lớp, là trường cho vui thôi. Ngày đó… nguyện vọng của những người tha hương là cho con em mình biết cái chữ và một ngôi trường mái lá "tự lập" mọc lên giữa “thung lũng hoang vắng”, làm cho mỗi sáng tinh sương thêm vui bản, vui làng. Ngày đầu lên lớp một mình - năm 1995, người con gái miền Tây Bắc tròn hai lăm tuổi ấy đã sững sờ, bối rối trước gần 30 em học sinh nhiều lứa tuổi đầu trần chân đất, em ngồi, em đứng lố nhố giữa mái nhà tranh, ngơ ngác nhìn cô với ánh mắt lạ lẫm.

Ngày đầu làm quen, Mỵ rất thân thiện với bọn trẻ, còn chúng nó thì cứ tròn xoe mắt. Mỵ hỏi một em gái: Em tên gì, có muốn biết cái chữ không? Cô bé người Mông ấp úng: Ch..ư..chư.. p..âu (không biết)! Có lẽ chúng còn nhát như nai rừng do ngày đầu đứng trước chúng bạn vừa lạ, vừa quen. Mỵ nghĩ thế. Mỵ quay sang hỏi thêm vài học sinh nữa, đứa thì “chư pâu”, đứa thì mắt lấm lét “ơ gid” (không biết - tiếng Cơ Ho). Mỵ kể, có em không hiểu tiếng, mình hỏi cái gì cũng gật. Người mình nóng ran, lắc đầu và buông một tiếng thở dài… Đêm ấy, mình không sao ngủ được. Nằm lắng nghe chiếc lá trở mình chuẩn bị đón giọt sương mai. Đầu óc bộn bề, đôi mắt thì khoan sâu vào không gian đen đặc ở vùng đất mới. Hình ảnh khép nép, lạ lẫm, đôi mắt tròn xoe của trẻ thơ níu chặt lấy cô. Mỵ tự nói dùm bọn trẻ: Chúng con cần cái chữ lắm!

Một ngày… hai ngày, một tháng… hai tháng. Những tiếng a, â, b đã bật ra xuyên qua mái lá. Làng Mông ấm áp hơn khi những vần thơ cất lên giữa đại ngàn:

Gió từ tay mẹ

Ru bé ngủ say

Thay cho gió trời

Giữa trưa oi ả.

Cung thanh, cung trầm chênh chao, thảng hoặc giữa không gian mênh mông. Vẫn giọng điệu như mẹ ru con trưa hè, Lý Thị Mỵ đã là “người mẹ” dưới mái lá trường làng Mông. Cô đang “gieo” những hạt mầm trên cao nguyên mới. Những con chữ đang ngày càng sinh sôi, nẩy nở trong bản tình ca người giáo viên những ngày mở đất. Không biết tự khi nào, những con đường đất đỏ bazan, những đồi cà phê đơm bông trắng, những ánh mắt thao thiết đến trường của các em học sinh Mông, Dao, Nùng, Mạ… đã trở thành niềm say mê trong lòng Mỵ.

Anh Đinh Văn Thành, cán bộ văn hóa xã Lộc Thành bây giờ mới lên tiếng, ngày xưa mình làm công tác Đoàn cũng thường xuyên “cắm bản” ở đây. Nhờ vậy, giờ cũng có cô vợ dạy trường này. Ngày đó, phân hiệu làng Mông thuộc trường Lộc Thành A cách hơn chục cây số. Nhiều em học xong lớp Bốn muốn học tiếp phải đốt đuốc từ 4 giờ sáng, cắt rừng mà đi ra trường chính học. Nhiều em sợ quá nên không theo học nữa, chỉ còn lại hai đứa con anh Thào Hùng Khải, thủ lĩnh làng Mông này và em Chuyên còn đeo đuổi. Cô Mỵ chen vào, giờ con chú Khải một đứa học Cao đẳng sư phạm, một đứa vừa xong lớp phụ vận, còn em Lý Thị Chuyên đang học Trung cấp Dược ở Sài Gòn. Cô nhoẻn miệng cười, cũng có thành quả đó chứ!

Năm học 1999 - 2000, Ban giám hiệu Trường Lộc Thành A cử thêm giáo viên vào tăng cường cho phân hiệu làng Mông. Cô Mỵ lục lại ký ức, mình được phân dạy lớp ghép Một - Hai, cô Ngọc Lan dạy ghép lớp Ba - Bốn. Rồi năm học sau, phòng giáo dục cho mở thêm lớp Năm và tăng cường ba giáo viên. Đến năm 2002, phân hiệu làng Mông thuộc Trường cơ sở cấp 1-2 Tà Ngào, niềm hạnh phúc của cô trò làng Mông được nhân lên khi trường bắt đầu được xây mới với nhiều phòng học hơn, học sinh không phải ngồi ghế tre, bàn nứa nữa. Học ghép thì dạy làm sao? Tôi hỏi. Thì một lớp quay bảng xuống dưới, tức là có hai cái bảng trong một phòng học. Thú thực, khi đó một mình dạy mấy lớp ghép mệt lắm, nhưng mà vui, vì con em mình vẫn theo cái chữ. - Cô Mỵ chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, cô thầy trường làng Mông luôn trăn trở vì học sinh bỏ học giữa chừng. Một phần vì cuộc sống mưu sinh gia đình còn thiếu thốn, phần nữa do phong tục đồng bào nơi đây, khi con cái gần đến tuổi trăng tròn đã “bắt” ở nhà lo kén rể, bắt chồng… đã kéo tuột các em ra khỏi đời học sinh. Hễ có học sinh nào vắng hai, ba buổi là mình đi đến tận nhà để tìm hiểu, vận động các em đến lớp ngay. Một lần không được thì nhiều lần, phải gắng cho con em mình cái chữ để ra với đời. - Cô Mỵ nói.

Em Hoàng Thị Kim Duyên, dân tộc Mông tâm sự, nhà em có chị học đến lớp Sáu rồi nghỉ. Cô Mỵ nhiều lần giải thích, thuyết phục với gia đình em, lâu rồi bố mẹ cũng xuôi. Mẹ nói với chị, cô giáo thương mày lắm đấy, phải đi học thôi con à. Và thế là chúng em lại được cắp sách tới trường.

Cô Mỵ nói gượng, lại đổ tại cái số, năm 2002 có trường xây, năm đó mình cũng lấy chồng khi tròn 35 tuổi. May mà không bỏ lại tuổi thanh xuân giữa đại ngàn. Năm 2006, mình nâng cấp cái bằng lên trình độ đại học, rồi có thêm cháu thứ hai. Nhìn lại quãng đời đã qua thật chông chênh như con dốc đầu làng Mông, cao vời vợi nhưng hàng ngày cũng trăm lượt người qua. Giống sự học ở làng Mông này vậy!

Dù đã theo chồng ra xã Đại Lào (Bảo Lộc) định cư, cách trường hơn chục cây số; nhưng dù nắng, dù mưa, cô giáo Mỵ vẫn đều đặn đến trường trên con đường đất đỏ bazan. Cô nói, nhiều người bảo mình xin dạy gần nhà, nhưng mình không nỡ xa con em làng mình. Mình nhớ cái nết ăn, nết học chúng lắm!

Đợi chúng tôi ở nhà con gái thủ lĩnh làng Mông, thầy Trương Văn Liền - Hiệu trưởng Trường cơ sở cấp 1-2 Tà Ngào cho hay, giờ phân hiệu làng Mông đã mở từ lớp một đến lớp chín rồi. Hiện có 19 giáo viên, 8 phòng học, 4 phòng công vụ. Năm nay có 127 học sinh theo học, tỷ lệ học sinh đến lớp trong độ tuổi đạt 100% đấy. Về cô Lý Thị Mỵ, thầy Liền bật mí, toàn trường mình chỉ có cô Mỵ là giáo viên dạy giỏi và đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền.

Tháng mười một ở Nam Tây Nguyên mênh mang loài hoa dã quỳ mộc mạc ôm lấy những bản làng. Một mùa thu nữa đã về. Hai mươi năm có lẻ cô trò cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi dưới chân núi Chúa. Giờ đây, những người con sinh ra trên vùng quê mới, với trường học mái lá ban sơ đã trưởng thành trong sự đầy đặn từng ngày của bản làng.

Chia tay bản Mông trong chiều trôi rất khẽ. Tiếng ê a học vần của con trẻ, tiếng giảng bài của cô giáo Mỵ cứ vang mãi đến tận đỉnh núi Chúa. Tự đâu đó rất xa bật lên bài ca “Say Mông dạy chữ” chứa chan, “…Hay lắm đấy, gầu mông là cô giáo bản em…”