Năm học 2018-2019 vừa qua, đánh dấu chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đảng, Nhà nước, các ngành liên quan và chính quyền các cấp tiếp tục dành sự đầu tư thỏa đáng cho sự nghiệp trồng người. Song song với đó, hệ thống các cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện, giải quyết những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý trong hoạt động đổi mới giáo dục. Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các em học sinh, sinh viên không ngừng rèn luyện, cần cù, sáng tạo trong dạy và học, tạo dựng niềm tin trong xã hội. Giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực với 99,8% số trường áp dụng các hình thức và phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Ngành giáo dục cơ bản khắc phục tình trạng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông nặng về hành chính, áp đặt theo phân phối chương trình cứng nhắc. Đáng tự hào khi tất cả 38 học sinh tham dự các kỳ thi Ô-lim-pích châu Á và quốc tế đều đoạt giải; lần đầu Việt Nam có hai đại học được vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, bảy đại học được vào danh sách các trường đại học hàng đầu châu Á... Những kết quả đạt được đó từng bước tạo niềm tin và động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo phát triển vững chắc hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tiễn những năm học vừa qua cũng đặt ra không ít thách thức cả trước mắt và lâu dài cho ngành giáo dục. Đó là tình trạng thừa, thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Việc rà soát, sắp xếp hệ thống trường học chưa thật sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng thừa thiếu trường lớp, học sinh phải đi học xa nhà. Nhiều địa phương chưa quan tâm dành quỹ đất để xây dựng hệ thống trường học, nhất là hệ mầm non trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo cũng thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Việc dự báo nhu cầu đào tạo các ngành nghề còn nhiều hạn chế dẫn đến xảy ra tình trạng một số ngành thừa thiếu cục bộ, trong khi một số ngành đào tạo khác có nhu cầu lại chưa được đầu tư để phát triển. Mặt khác, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu phù hợp thực tiễn. Tình trạng dạy thêm, học thêm tiếp tục diễn ra tại một số địa phương cũng làm dư luận băn khoăn tạo gánh nặng và sức ép cho phụ huynh và học sinh, ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên.
Sự nghiệp trồng người thật cao quý, rất tự hào nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách đặt ra cho năm học mới 2019-2020. Toàn ngành giáo dục cần dấy lên phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học, tạo sự bứt phá trong nâng cao chất lượng. Rút kinh nghiệm 5 năm đầu để có những giải pháp căn cơ, sáng tạo, thực hiện hiệu quả hơn trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và hoàn thành tốt mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đề ra. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao năng lực quản trị, gắn với thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ sở giáo dục. Tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1.
Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhà trường với vai trò là trung tâm cùng toàn xã hội tạo chuyển biến căn bản trong giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; rèn luyện kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.
Hân hoan với ngày hội khai trường, chào đón năm học mới 2019-2020 với những thành tựu và khó khăn đan xen, nhưng chúng ta tin tưởng vào những quyết sách mà Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã và đang triển khai trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Với khí thế và niềm tin về một năm học mới thành công, mỗi cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo cùng phấn đấu, nỗ lực không ngừng, luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với nghề, không ngừng đổi mới, sáng tạo. Các em học sinh, sinh viên tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, noi theo các thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu, tìm tòi, nghiên cứu đạt được thành tích cao trong học tập, viết tiếp những trang sử vàng của dân tộc và hội nhập sánh vai quốc tế. Bên cạnh đó, sự nghiệp trồng người cần sự chung tay, góp sức nhiều hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền; của mỗi bậc cha mẹ học sinh nhằm đạt những mục tiêu đề ra, góp phần thiết thực và hiệu quả nhất vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước…
Tạo bứt phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
|