Vượt trên bão tố
Trước đi lên đường, Chuẩn đô đốc Mai Tiến Tuyên, Chính ủy BTL Hải quân Vùng 2 ra tận chân cầu cảng tiễn chúng tôi, không quên dặn dò sóng lớn đó, đừng ra bong tàu nhiều. Nhưng quả thực, chúng tôi cũng không ở trên bong tàu được mấy vì vừa cách bờ chừng trăm hải lý, tàu đã lạc vào trung tâm của bão giật. Biển động dữ dội, những trận sóng cuồng thi nhau nhấc bổng tàu lên cao rồi thả lại xuống như muốn nhấn chìm. Sóng ào đổ say sóng, nằm hết dưới sàn tàu. Càng về chiều tối gió, sóng càng lớn.
Trong đêm tối mịt, bốn bề giông bão, Tàu 261 không ngừng dõi mắt quan sát biển khơi. Các chiến sĩ trên tàu trực chiến đều thấm mệt nhưng Thượng úy Nguyễn Trần Thịnh, Thuyền trưởng Tàu 621, vẫn quyết định duy trì chế độ trực chiến 24/24. Vốn có trình độ và từng đảm nhiệm chỉ huy nhiều loại tàu hải quân, theo anh không thể chủ quan, gió mạnh có thể bất ngờ chuyển hướng, chỉ cần lơ lãng, chủ quan một chút là tàu có thể lật. Mọi người như nín thở, thời gian đi qua chậm chạp.
Đêm thứ hai, gió vẫn không nhẹ hơn, trong ánh chớp hiếm hoi, chúng tôi nhận ra bóng dáng Nhà giàn Phúc Nguyên 2. Mọi người ùa ra bong bất chấp mưa như trút, ai cũng thấy như khỏe ra vì sắp được lên Nhà giàn. Tất cả quây quần bên nhau, vui vẻ trò chuyện, chuẩn bị tinh thần buổi gặp mặt.
Trong đêm tối, Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy BTL Vùng 2 Hải quân, mắt hướng nhìn rất lâu về phía biển sâu, nơi có những con sóng lớn, ông khẽ khàng kể cho chúng nghe câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của ba chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên cách đây hơn 17 năm.
Tháng 12-1998, thềm Lục địa Vũng Tàu bất ngờ có bão lớn, gió giật trên cấp 12. Nhận định các Nhà giàn có thể bị nguy hiểm, BTL Vùng 2 Hải quân có lệnh cho các Nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đề phòng tình huống xấu nhất. Nhà giàn Phúc Nguyên 2A, lúc bấy giờ có chín đồng chí, do Đại úy Vũ Quang Chương làm Chỉ huy trưởng Nhà giàn. Khu vực này là tâm của bão, do đó mọi tàu thuyền đã vào đất liền tránh bão chỉ còn các chiến sĩ Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đối đầu với những đợt sóng cao, dữ dội. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió giật ầm ầm. Chiều tối, sóng to hơn đánh trùm lên, làm Nhà giàn nghiêng ngả, những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, máy phát điện bị chập tắt ngấm.
Đến nửa đêm, Sở chỉ huy cấp trên quyết định cho các chiến sĩ rời Nhà giàn. Lúc này bão lên đỉnh điểm, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can, Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Đại úy Vũ Quang Chương lệnh cho tốp hai nhảy xuống biển cùng với mảnh phao cứu sinh cũ. Tốp hai có Trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, chuẩn úy Lê Đức Hồng, do Trung úy Hoan chỉ huy. Trong gió mưa gào thét, chuẩn úy Lê Đức Hồng tay bám vào lan can, quay mặt lại nhà giàn, rồi hướng ra biển hô to “vĩnh biệt đất liền” rồi lao xuống biển đen. Trên nhà giàn lúc này chỉ còn Đại úy Vũ Quang Chương và chiến sĩ cơ điện. Trước khi rời trạm người chỉ huy Nhà giàn còn cẩn thận đóng tất cả cửa. Anh vẫn hi vọng Nhà giàn sẽ trụ vững. Anh mở tủ lấy lá cờ Tổ quốc mới nhất ôm vào ngực, đến trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Chúng tôi, cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A, một lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc. Nếu đêm nay có đồng chí nào hi sinh cũng vì Tổ quốc. Chúng tôi chẳng tiếc thân mình. Xin gửi đất liền lời chào vĩnh biệt”. Nói rồi, Đại úy Vũ Quang Chương ôm cờ Tổ quốc vào lòng lao xuống biển cùng lúc Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đổ sập. Trong cơn bão đó, tàu Hải quân của ta chỉ vớt được sáu đồng chí, còn ba đồng chí bị sóng cuốn đi, trong đó có người chỉ huy Nhà giàn kiên cường.
Hiện phòng truyền thống của Lữ Đoàn 171 Hải quân, vẫn đang trưng bày chiếc phao bè bóp méo không còn nguyên dạng, hiện vật sống động, minh chứng sự gian khổ, hy sinh, kiên cường chống chọi với sóng cuồng bão giật của chín cán bộ chiến sĩ. Sau khi nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão đánh sập đổ, các Nhà giàn đã được nghiên cứu cải tiến chắc chắn, hiện đại hơn nhiều. Đến nay đã là thế hệ thứ năm với sức chịu đựng vượt bão cấp 12.
Đại tá Nguyễn Thế Công kể xong câu chuyện thì trời vừa tảng sáng, Nhà giàn Phúc Nguyên hiện dần ra kiêu hùng trong gió bão. Từ xa, chúng tôi thấy các chiến sĩ đứng cả ra ngoài lan can vẫy tay chào. Nhưng sóng lớn, sau khi hội ý, Ban Chỉ huy tàu quyết định không thể đưa đoàn công tác lên chúc tết được vì quá nguy hiểm và chọn phương án chúc tết qua loa, chuyển hàng bằng dây. Boong tàu được mở ra. Con tàu lắc lư tròng trành trên sóng, các thủy thủ Tàu 621 mặc áo phao xuống hầm tàu chuyển hàng lên lan can. Từ nhà giàn Phúc Nguyên, dây mồi thả theo dòng nước chảy xiết và được kết nối với tàu. Hàng quà tết được gói cẩn thận chống ướt trong bao ny-lon, cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên.
Trong sóng cả ào ạt, giọng Đại tá Trương Công Thế chúc tết qua máy bộ đàm lạc đi vì xúc động: “Các đồng chí hãy phát huy tinh thần dũng cảm và sự cống hiến hy sinh quên mình vì Tổ quốc để hoàn thành nhiệm vụ. Chúc các đồng chí vui xuân mới không quên nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam…”.Trên nhà giàn các chiến sĩ nghiêm trang bên bộ đàm, đồng thanh “Xin hứa với nhân dân cả nước, dù phải hy sinh đến tính mạng cũng giữ bằng được cột mốc chủ quyền trên biển”. Chúng tôi lưu luyến vẫn tay nhau. Nữ phóng viên Hồng Phượng của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh mắt nhòe lệ hát tặng các chiến sĩ một bài dân ca nam bộ. Trước đó, Đoàn công tác không quên thả vòng hoa, tưởng niệm các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã huy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ. Rồi Tàu 621 hú ba hồi còi dài, tạm biệt nhà giàn cụm Phúc Nguyên, đè lên sóng dữ, tiếp tục tiến về phương nam.
Biển không chỉ có sóng cồn
Trong suốt hải trình chủ yếu là sóng lớn, nhưng cũng có hôm bất chợt biển lặng. Khi đó, chúng tôi lên bong để ngắm trời xanh lồng lộng, gió biển vi vu, xa xa từng đàn hải âu bay lượn trên mặt nước xanh biếc. Thỉnh thoảng một đoàn thuyền đánh cá của ngư dân nối đuôi nhau hiện ra; từ xa đã phát tín hiệu chào tàu chúng tôi. Đây là mùa đánh cá của ngư dân ta đó, Đại tá Trương Công Thế, tự hào chia sẻ. Hơn ba mươi năm gắn bó với biển, năm nay đã gần tuổi 60, ông vẫn say sửa kể chúng tôi về vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo của quần đảo Trường sa, Hoàng sa nơi ông từng công tác. Trong mỗi câu chuyện, chúng tôi vẫn thấy một tình yêu trọn vẹn của ông với biển.
Qua ông chúng tôi hiểu thêm rằng, đất nước mình dài rộng lắm, vùng biển chúng tôi vừa qua, chỉ là một hải trình rất nhỏ trong số hơn ba nghìn km chiều dài bờ biển đất nước. Nước ta còn có hàng nghìn đảo lớn nhỏ, trong đó có những đảo rất xa đất liền nằm ở vùng vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biển chúng ta nhiều loài cá quý; chúng ta có vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế với nhiều tài nguyên phong phú. Chính vì vậy mà năm 1989, Đảng, Nhà nước đã quyết định xây dựng các Nhà giàn nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và các hoạt động dịch vụ, khoa học.
Đại tá Trương Công Thế vẫn nhớ mãi những tháng năm vất vả, khó khăn khi bắt tay vào khảo sát, xây dựng các Nhà giàn.
Đó là vào khoảng tháng 11-1988, chấp hành mệnh lệnh của Đảng ủy Lữ đoàn 171 Hải quân, con tàu mang phiên hiệu HQ-668 của Hải đội 811 Lữ đoàn 171 chở 15 cán bộ chiến sĩ vượt sóng thềm lục địa, đánh dấu tọa độ, đo độ sâu, khảo sát các bãi san hô ngầm xúc tiến cho việc đóng nhà giàn DK1 đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần. Sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, hai biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 của Lữ đoàn 171 dưới sự chỉ huy của Lữ đoàn phó chính trị Trung tá Hoàng Kim Nông, biên đội tàu HQ-727, HQ-723 của Hải đoàn 129 do trung tá Trần Xuân Vọng chỉ huy hành trình ra các bãi cạn đã được đánh dấu từ trước và tổ chức canh gác. Tháng 5-1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GTVT bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Giữa biển khơi bao la, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ. Sau bảy tháng khảo sát, thi công, ngày 10-6-1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt.
Trải qua 25 năm, đến nay chúng ta đã có 15 nhà giàn DK1 nằm dọc vùng biển thềm lục địa phía nam với kết cấu ngày càng hiện đại, có Nhà giàn có cả sân bay trực thăng. Không chỉ là pháo đài canh giữ chủ quyền trên biển, các nhà giàn DK1 còn là chỗ dựa cho ngư dân ta ra khai thác hải sản, tài nguyên trên biển.
Báo Tết Ất Mùi đến với chiến sĩ nhà giàn.