Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai cho tàu cập bến “chui”?

|

Mới đây, báo SGGP nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc bị Cảng vụ đường thủy nội địa Đồng Nai (CVĐTĐN) gây “khó dễ” không cho tàu (sà lan) cập bến để lên hàng tại bến thủy bên sông Đồng Nai gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi nhiều tàu có mớm nước lớn hơn lại dễ dàng được CVĐTĐN \

Clip: Sà lan có mớm nước - trọng tải lớn đã che BKS đang làm hàng ở bến Tín Nghĩa chiều tối 20-7-2023

Tàu cập bến “chui”?

Sáng 14-7-2023, chúng tôi thuê ca nô dạo một vòng quanh các bến thủy nội địa nằm gần cầu An Hảo (thuộc phường An Bình, TP Biên Hòa).

Tại cảng Tín Nghĩa đang có sà lan BKS TG-14399 đang lên hàng, đọc hàng số thể hiện mớm nước ghi trên mạn tàu là khoảng 4m, anh T. người dẫn đường am hiểu công việc vận tải thủy nói "tàu này dài khoảng 60m, trọng tải cỡ 1.500 tấn trở lên”.

Toàn cảnh khu vực có các bến thủy nội địa gần chân cầu An Hảo (TP Biên Hòa)

Cạnh đó là sà lan BKS TG-16579 đang lên hàng khô, mớm nước 4,2m, đang bốc dỡ hàng, cần cẩu giơ càng và gàu xúc quơ qua quơ lại liên tục.

Còn tại bến Quốc Hằng, một sà lan khác có BKS SG-9152 cũng đang bốc dở hàng, nghiêng hẳn một bên vì còn hàng chưa bốc. Sà lan này lớn hơn 2 cái kia và cũng dài hơn, mớm nước ghi trên mạn ngay đầu mũi là 4,6m. Anh T. quả quyết "cái này trọng tải phải cỡ 1.700 tấn".

Ở giữa sông Đồng Nai, còn một số sà lan có trọng tải hơn 1.000 tấn đang neo đậu, chờ cập bến để lên hàng.

Sập tối ngày 18-7, chúng tôi trở lại khu vực các bến thủy dưới chân cầu An Hảo để ghi hình các sà lan vào cập bến.

Trên bến Tín Nghĩa có 01 sà lan loại lớn chở đầy tải đang lên hàng, có mớm nước ghi trên mạn tàu là 4,1m. Ở bến Quốc Hằng kế bên (phía dưới) cũng có 01 sà lan lớn đang lên hàng.

“Cảng vụ chỉ cho phép tàu có mớm nước 3,2m -3.4m cập cảng. Tàu này lớn, cảng vụ nhìn là biết mớm nước lớn cỡ nào rồi. Không biết đã chung chi bao nhiêu đây. Toàn sà lan lớn, sợ dân biết nên không dám làm hàng ban ngày. Bó tay với cảng vụ luôn!”, anh T. bức xúc.

Một tàu pha sông biển (SB) đang lên hàng ở bến Quốc Hằng chiều tối ngày 25-7

Tiếp tục mục kích các bến thủy bên sông Đồng Nai vào chiều 20-7, chúng tôi ghi nhận được cảnh tàu lớn vào làm hàng “chui”.

Cụ thể, khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, tại bến Tín Nghĩa có 02 tàu đang đậu, phía trên thượng lưu là tàu của Tiền Giang (BKS TG-17768) đang lên hàng, cần cẩu quơ qua quơ lại liên tục để múc hàng lên bến. Nhìn chiều dài là anh T. đoán trọng tải tàu này phải trên 1.500 tấn và mớm nước phải trên 4m.

Ngay kế đó, ở phía dưới hạ lưu là một sà lan bị che BKS ở 2 đầu để tránh bị phát hiện. Có lẽ trọng tải của sà lan này lớn hơn nhiều so với quy định về mớm nước và trọng tải do CVĐTĐN quy định nên phải làm vậy để đối phó cơ quan chức năng và tai mắt nhân dân. Trong khi dỡ hàng lên bến, 02 người trên sà lan liên tục đi đi lại lại, mắt dáo dác nhìn ra sông, quan sát dò chừng các thuyền bè qua lại.

Những ngày sau đó, chúng tôi cũng ghi nhận được các tàu có mớm nước lớn cập bến “chui” và đều có hiện tượng che BKS để tránh bị người dân dòm ngó hoặc đối phó lực lượng chức năng, trong đó có tàu BKS AG-24599 có mớm nước khoảng 4,6m.

Tàu chở hàng dưới mớm nước bị làm khó?

Trong khi nhiều tàu có mớm nước lớn hơn vẫn được cập bến “chui”, lên hàng ở các bến Tín Nghĩa, Quốc Hằng thì ở bến Nhất Nam kế đó (phía thượng lưu), tàu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Thượng Hải (Công ty Thượng Hải) bị làm khó.

Ngày 14-7-2023, tàu của công ty cập bến Nhất Nam (BKS ĐN-0725) để chuyển đường cho nhà máy đường Biên Hòa theo hợp đồng với Công ty Thành Công nhưng CVĐTĐN không cho vào.

Theo giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy do Sở GTVT Đồng Nai cấp thì tàu có chiều dài 54,95m, chiều dài lớn nhất 57,70m, chiều cao mạn 4,10m, chiều chìm (mớm nước) là 3,72m, trọng tải toàn phần 1.546 tấn.

Sà lan mớm nước lớn bị che BKS đang làm hàng bến Tín Nghĩa chiều tối ngày 20-7

Ông Nguyễn Văn Chí (Giám đốc Công ty Thượng Hải) bức xúc nói: “Hôm tàu của tôi vô bến Nhất Nam, có mớm nước đằng lái là 3,2m và mũi là 2,8m - tức dưới mức quy định của Cảng vụ Đồng Nai (là 3,3m) và có trọng tải hơn 1.000 tấn - nhưng vẫn không được cấp phép cập bến gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc CVĐTĐN không cho tàu cập bến lên hàng nên tàu ĐN-0725 phải neo đậu ngoài sông. Tàu tôi đóng hết 15 tỷ, tính lãi suất ngân hàng, chi phí trả lương cho 5 công nhân thì mỗi ngày neo đậu như vậy công ty tốn hơn 10 triệu đồng”.

Không chỉ doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy như Công ty Thượng Hải ca thán mà chính chủ bến Quốc Hằng cũng thừa nhận: Trước đây Cảng vụ cũng thoáng, tàu có quá một tí vẫn làm được. Ở các bến thủy xung quanh rất dễ nhưng "riêng Đồng Nai không biết sao cứng nhắc quá, chỉ căn cứ vào mớm nước đăng ký; trong khi ở các bến thủy nội địa quanh Đồng Nai như Bình Dương, Tây Ninh chỉ quy định trọng tải để dễ cho doanh nghiệp vì có khi tàu lớn nhưng chở hàng khô, nhẹ vẫn cấp giấy ra vào để bốc hàng bình thường”.

Đơn cử như ở bến thủy nội địa Nhị Hiệp 2 nằm bên rạch Tân Vạn cách đó vài cây số thuộc quản lý của Sở GTVT tỉnh Bình Dương, có chiều rộng mặt nước nhỏ hơn sông Đồng Nai nhiều lần nhưng được tiếp nhận phương tiện có mớm nước tải tối đa lên đến 3,5m, việc làm hàng được tạo điều kiện tối đa, không gặp bất cứ trở ngại nào.

Giới kinh doanh vận tải thủy nghi ngờ việc CVĐTĐN làm khó doanh nghiệp bằng cách quy định chỉ căn cứ mớm nước để các tàu lớn hơn phải chung chi mới được cập bến lên, xuống hàng?

Tiếp tục mục kích hoạt động của các bến thủy nội địa gần chân cầu An Hảo, chúng tôi còn phát hiện có cả tàu vận tải biển, dân trong giới gọi là tàu SB - tàu pha sông biển công suất rất lớn so với các tàu chuyên đi trên sông cũng được cập bến “chui”. Đó là tàu Duy Hoàng 99 (BKS ND-3836 của Công ty TNHH Thương mại Hoàng Toàn) cập bến Quốc Hằng để làm hàng vào chiều tối ngày 25-7. Tàu này lớn đến nỗi đến chiều tối ngày hôm sau, phải chờ con nước thấp mới đủ tĩnh không để qua cầu Đồng Nai xuôi ra biển.

Một người chuyên kinh doanh vận tải thủy cho biết, với những tàu lớn như thế này, CVĐTĐN có lắp camera nên không thể nói CVĐTĐN không biết mà “tàu đó phải chung chi 15-20 triệu đồng” để được cập bến?

Tạm đình chỉ 2 cán bộ liên quan nghi vấn "quỹ đen" tại Cục Đường thuỷ nội địa