Từ thị trấn huyện lỵ Bát Xát (Lào Cai), ngược đường tỉnh lộ 156 hơn 70 km, chúng tôi đến chốt phòng, chống dịch Lũng Pô, nằm ở ngay ngã ba, nơi có con đường nhỏ lầy lội bùn đất đang sửa chữa, dẫn vào thôn có 81 hộ người dân tộc H’Mông, với gần 500 khẩu, nằm sát ngay “mép đường biên”, cách nước bạn con suối nhỏ. Gọi là chốt, nhưng thật ra chỉ là “căn lều” dựng tạm bằng cây rừng và tre nứa, mái lợp sơ sài bằng đủ thứ để che tạm mưa nắng; bên trong kê những tấm phản ghép làm giường ngủ và cục ắc-quy lấy ánh sáng vào ban đêm. Mỗi chốt có ba cán bộ, chiến sĩ biên phòng và một dân quân xã thay nhau canh trực 24/24 giờ trong ngày, bảo đảm không để sót lọt người lạ ra, vào thôn.
Hằng ngày, những người “lính quân hàm xanh” ở chốt Lũng Pô, giúp người dân khai báo y tế; phát khẩu trang miễn phí và sát khuẩn tay; nhắc nhở đồng bào thực hiện giãn cách xã hội, không tập trung đông người và đặc biệt là không sang nước bạn làm ăn khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm cao. Chúng tôi có mặt tại chốt đúng lúc một nhóm nhỏ người dân tộc thiểu số đi vào thôn Lũng Pô thu hoạch chuối xuất khẩu. Trung sĩ Bùi Xuân Tửu cùng đồng đội cẩn thận đo thân nhiệt, phát khẩu trang y tế kháng khuẩn thay khẩu trang vải tự chế đã cũ của người dân; đồng thời yêu cầu rửa tay sát khuẩn, khai báo y tế từng người một. Mưa ướt, gió từ dưới sông Hồng thốc lên rét lạnh, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở chốt Lũng Pô vẫn bám trụ, kiên trì hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm quy định về PCD. Có người muốn nhanh, tỏ vẻ không vui, các anh nhẹ nhàng nhắc nhở, nhưng tuyệt đối không bỏ qua, lơ là chống dịch. Trung sĩ Bùi Xuân Tửu là học viên lớp 23A, chuyên ngành trinh sát của Học viện Biên phòng, quê ở Cam Lộ (Quảng Trị), được tăng cường lên tuyến biên giới Lào Cai chống dịch. Ngày 6-3 vừa qua, Trung sĩ Bùi Xuân Tửu và 70 học viên cùng khóa của Học viện Biên phòng, do Thiếu tá Vũ Mạnh Hùng, cán bộ của Học viện phụ trách có mặt ở Lào Cai, được điều động về các Đồn Biên phòng để tham gia PCD. Trong đó, Trung sĩ Tửu được Đồn Biên phòng A Mú Sung cử lên cắm ở chốt Phù Lao Chải, cheo leo trên lưng chừng núi ở thôn mới Pạc Tà, sau đó được luân chuyển về Lũng Pô, chốt chặn ở ngã ba biên giới, nơi con sông Hồng chảy vào lãnh thổ Việt Nam.
“Hơn một tháng nay, tôi cùng các chú, các anh là cán bộ, chiến sĩ của Đồn A Mú Sung “cắm chốt, bám biên”, không rời vị trí làm nhiệm vụ chặn dịch. Mọi người thay nhau nấu nướng, tắm giặt tại chỗ để luôn bảo đảm quân số trực chốt cả ngày lẫn đêm” - Trung sĩ Tửu chia sẻ. Những ngày đầu chưa quen địa hình, khí hậu và ngôn ngữ, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc H’Mông, Dao, Giáy... cho nên cũng bỡ ngỡ, khó khăn trong giao tiếp và việc tuyên truyền vận động. Được các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng A Mú Sung chỉ bảo, giúp đỡ, Trung sĩ Tửu đã dần “bắt nhịp” với cuộc sống thực tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hằng ngày, Trung sĩ Tửu cùng đồng đội thay nhau chốt trực ở đường biên Lũng Pô để kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng vượt biên trái phép; xuống thôn bản tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số “ăn chín, uống sôi”, giữ vệ sinh môi trường, không tụ tập đông người để PCD Covid-19 hiệu quả. Cùng với Trung sĩ Tửu, ở Đồn Điên phòng A Mú Sung còn có năm học viên cuối khóa, của các lớp trinh sát quản lý và bảo vệ biên giới; phòng, chống ma túy và tội phạm của Học viện Biên phòng, từ các vùng quê Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, ngày đêm bám trụ ở các chốt: Cửa Suối, Biên Hòa, Phù Lao Chải, Tùng Sáng, trải dài gần 27 km đường biên giới dọc theo sông Hồng và suối Lũng Pô để chặn dịch.
Ở Trạm Biên phòng Lũng Pô, Thiếu tá Nguyễn Xuân Hòa, cán bộ phiên dịch tiếng Trung của Đồn Biên phòng A Mú Sung từ Tết Nguyên đán đến nay chưa một lần được về nhà, dù có nhiều công việc của gia đình cần đến. Gợi chuyện mãi, cuối cùng Thiếu tá Hòa mới cho biết, đã phải “nói hết nước hết cái” với gia đình thông gia tương lai để tạm hoãn đám cưới của con gái đầu lòng, dù hai bên đã bàn bạc, chuẩn bị đủ mọi thứ. “Cũng vì mình là cán bộ biên phòng phải ở vị trí chiến đấu, quân lệnh như sơn, chống dịch như chống giặc, không thể chần chừ thiệt hơn. Sau này tổ chức đám cưới cho các cháu cũng chưa muộn…” - Thiếu tá Hòa bộc bạch. Cùng chung tâm sự, Đại úy Đào Văn Ninh, Trạm trưởng Biên phòng Lũng Pô cho biết thêm: Trạm quản lý 12,5 km đường biên giới, với nhiều đường mòn, lối mở cho nên nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Do vậy, ngoài việc chốt chặn các đường mòn, lối mở, cán bộ, chiến sĩ ở Trạm phối hợp bí thư chi bộ, trưởng thôn vận động người dân thực hiện “một có, hai không” là: Có đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên; không đi làm ăn qua biên giới và không tụ tập đông người.
Chiều muộn, gió lạnh từ sông Hồng thổi ràn rạt, Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Đồn trưởng Biên phòng A Mú Sung, dáng người cao lớn, vẫn đội mưa đi đến từng chốt cắm phía thượng nguồn để nắm tình hình và động viên những người lính đang làm nhiệm vụ. Ông cũng như các cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã và đang ngày đêm “bám biên, chặn dịch” ngay từ những ngày đầu ở biên giới.