Cây cầu nối công nhân lao động đến với Ðảng

|

(Tiếp theo và hết) (★) BÀI 2: Hành trình mang dấu ấn thời đại Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18-3-2019 chỉ rõ: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người lao động (NLÐ), phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CÐCS) trong các doanh nghiệp (DN) tư nhân theo quy định của pháp luật và điều lệ công đoàn Việt Nam. Bình quân hằng năm, mỗi CÐCS giới thiệu ít nhất một đoàn viên công đoàn ưu tú để Ðảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Chỉ thị này thêm một lần nữa khẳng định vai trò lãnh đạo của tổ chức công đoàn, thiết lập một phương thức lãnh đạo mới của Ðảng đối với tổ chức công đoàn. Mặt khác, thể hiện trách nhiệm của công đoàn trong thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng và tham gia xây dựng Ðảng.

Nhiệm vụ vinh quang, trọng trách nặng nề

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 28-7-2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn là nền tảng chính trị xã hội vững chắc của Ðảng và Nhà nước ta. Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Ðảng và Nhà nước.

Thực tiễn cho thấy, địa bàn các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao được xác định là khu vực trọng điểm về xây dựng lực lượng chính trị. Ðồng thời cũng là khu vực nhạy cảm, dễ tổn thương, phức tạp, thường xuyên phát sinh các vấn đề tranh chấp lao động tập thể, công nhân dễ bị lôi kéo, bị tác động tham gia đình công, lãn công. Do vậy việc gây dựng những hạt giống công nhân đỏ, hạt nhân chính trị, có trình độ chuyên môn, có năng lực, tư tưởng lập trường chính trị vững vàng, làm hạt nhân lan tỏa, đi đầu, gương mẫu trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, sáng kiến, sáng tạo, là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 54,3 triệu lao động, trong đó có 8,3% lao động thuộc khu vực nhà nước, 83,3% thuộc khu vực ngoài nhà nước, 8,4 % ở khu vực FDI. Trong khi đó mới có khoảng 12 nghìn tổ chức đảng, hơn 180 nghìn đảng viên trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Ðây chưa phải là con số mong muốn nhưng so với năm 2010, con số này đã tăng gấp sáu, là nền tảng quan trọng để tổ chức đảng, đảng viên phát triển tương xứng với số lượng DN ngoài nhà nước đang tăng nhanh. Ðối với tổ chức công đoàn, đây là dấu hiệu khá quan trọng, tạo động lực, niềm tin cho công đoàn khi tham gia phát triển Ðảng trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, các nghị quyết và chỉ thị của Ðảng liên tiếp được ban hành, giao trọng trách cho tổ chức công đoàn thời gian qua, cho thấy rõ, tổ chức công đoàn hiện nay không chỉ có hai chức năng chính là: đại diện cho lợi ích chính đáng của NLÐ, tập hợp đoàn kết tổ chức và phát triển đoàn viên công đoàn mà trong thời kỳ mới, công đoàn có vinh dự đảm nhận nhiệm vụ thứ ba đó là cầu nối quan trọng giữa Ðảng với NLÐ, đoàn viên công đoàn. Ở chức năng cầu nối, tổ chức công đoàn không chỉ là người đưa quan điểm, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với NLÐ mà công đoàn còn vận động, tuyên truyền NLÐ đứng vào hàng ngũ của đoàn viên công đoàn, từ đó xây dựng tổ chức cơ sở vững mạnh, có nguồn để bồi dưỡng, giới thiệu cho Ðảng.

Chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân, Ðảng đã khẳng định công nhân, tổ chức công đoàn trong các DN ngoài khu vực nhà nước là lực lượng hùng hậu góp phần tăng sức mạnh của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn. Từ đây, hành trình công nhân đến với Ðảng trong các DN tư nhân, và FDI là hành trình mang dấu ấn thời đại - hành trình ấy được Ðảng định hướng, công đoàn bắc cầu và NLÐ phấn đấu đi tới. Hành trình ấy mang tính tất yếu của lịch sử có giá trị tương hỗ, chỉ với mục đích xây dựng đất nước phồn vinh thịnh vượng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam Nguyễn Ðình Khang đánh giá: Thời gian qua, hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể, nhất là công đoàn trong các DN ngoài khu vực nhà nước góp phần tích cực nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh, chăm lo quyền lợi NLÐ. Có tổ chức đảng hoạt động trong DN, ngoài việc bảo đảm lợi ích công nhân, còn thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục tư tưởng, nhận thức cho CNLÐ trong việc tuân thủ kỷ luật lao động, ý thức xây dựng DN. Bên cạnh đó, việc phát triển Ðảng trong công nhân không chỉ để tăng số lượng đảng viên của Ðảng mà còn góp phần tăng thành phần giai cấp công nhân trong Ðảng. Ðiều đó có ý nghĩa to lớn trong việc giữ vững tính chất giai cấp công nhân của Ðảng.

Những kiến nghị, giải pháp

Theo nguyên Viện trưởng Viện Công nhân, công đoàn (Tổng LÐLÐ Việt Nam), Phó GS, TS Vũ Quang Thọ, trong rất nhiều nguyên nhân trở thành rào cản của việc phát triển Ðảng trong CNLÐ, nguyên nhân chủ quan quan trọng nhất lại đến từ nguồn lao động. Một khi, CNLÐ tự mình chưa thấy việc đứng trong hàng ngũ của Ðảng là mong muốn tự thân, là phẩm chất cao quý để phấn đấu suốt đời, vì sứ mệnh lịch sử giao phó thì không có cơ hội vượt qua những rào cản, thách thức khác. Ngược lại, khi bản thân CNLÐ có hướng phấn đấu, quyết tâm, có thái độ nghiêm túc phấn đấu vào Ðảng thì mọi cản trở (cơ hội phấn đấu, khó khăn về hình thành cơ sở đảng, xác minh lý lịch, DN không ủng hộ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của lãnh đạo, đảng ủy cấp trên) đều có thể vượt qua. Muốn giác ngộ NLÐ, công đoàn cần đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền để NLÐ nâng cao nhận thức, phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật và nội quy, quy chế của DN. Ðộng viên, khích lệ NLÐ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn, vì sự ổn định, phát triển của DN, góp phần vào sự phồn vinh của đất nước. Từ đó, giác ngộ ý thức chính trị cho đoàn viên, NLÐ, phát hiện bồi dưỡng đoàn viên ưu tú cho Ðảng.

Tính đến ngày 30-11-2019, cả nước có khoảng 10,5 triệu đoàn viên công đoàn ở 126.662 công đoàn cơ sở, trong đó, DN ngoài khu vực nhà nước có gần 7,5 triệu đoàn viên công đoàn với 54.217 công đoàn cơ sở. Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LÐLÐ Việt Nam lần thứ 5 khóa XII, đã xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, giới thiệu 126.669 đoàn viên ưu tú cho Ðảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ này phải có bước đột phá trong xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn. Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng còn băn khoăn: “Bản thân mỗi cán bộ công đoàn đều đang đảm nhiệm quá nhiều việc. Công đoàn khu kinh tế Hải Phòng hiện có năm biên chế phụ trách 130 nghìn đoàn viên, NLÐ. Bây giờ nhận thêm nhiệm vụ phát triển Ðảng trong CNLÐ mà không được xem xét tăng biên chế, e rằng khó đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các cam kết quốc tế và tham gia theo lộ trình 8/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa mang đến cơ hội, vừa đặt ra những thách thức mới, những yêu cầu mới đối với tổ chức công đoàn. Do đó, cần nhìn nhận tổ chức công đoàn theo một quan điểm mới, không chỉ là cầu nối giữa Ðảng và đoàn viên công đoàn, NLÐ mà còn là đại diện thật sự của công nhân, làm “đệm giảm xóc” cho những va chạm, xung đột phát sinh trong quan hệ lao động. Muốn như vậy, chúng tôi cần được quan tâm hơn nữa trong bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ, tăng cường năng lực phản biện của cán bộ công đoàn nhằm thực hiện tốt hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong tình hình mới”.

Nhằm nâng cao chất lượng và phát triển tổ chức đảng trong DN, đồng chí Lê Vũ Nhật Trường (Bí thư Chi bộ Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Ðồng Nai) kiến nghị, “cần phải thay đổi phương thức tổ chức học nghị quyết sao cho phù hợp tình hình thực tế đặc thù”. Thực tế, mỗi lần học nghị quyết, thường các chi bộ thường gộp nhiều đảng viên, trong đó chủ yếu là đảng viên công nhân để nghe báo cáo viên từ cấp trên quán triệt. Cách làm này khiến việc tiếp thu của đảng viên không đạt hiệu quả cao, lại mất nhiều thời gian. Do vậy, khi có chỉ thị, nghị quyết hay quy định mới, chỉ cần triệu tập đồng chí bí thư chi bộ, sau đó sẽ về truyền đạt lại cho đảng viên trong chi bộ, hiệu quả sẽ cao hơn. Qua trao đổi với nhiều cán bộ công đoàn là cấp ủy, các ý kiến đều cho rằng cần luật hóa thời gian sinh hoạt chi bộ để các DN tạo điều kiện cho các chi bộ có không gian, thời gian thuận lợi sinh hoạt định kỳ thường xuyên. Trước mắt, công đoàn cần tham mưu, đề xuất đưa nội dung này vào nội quy lao động của DN. Qua đó nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết. Tăng cường tổ chức đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bí thư, cấp ủy các đơn vị, nhất là các chủ tịch công đoàn tham gia cấp ủy. Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho các bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng, lý luận chính trị, thực hiện tốt công tác đảng cơ sở. Nhân rộng mô hình chủ tịch công đoàn tham gia cấp ủy ra nhiều DN ngoài khu vực nhà nước. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào chủ DN nhận thấy tầm quan trọng, vai trò của công đoàn cơ sở, chi bộ đảng sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cơ sở đảng và công đoàn phát huy vai trò. Ðồng chí Ðỗ Thanh Bình, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH dây dẫn Sumi (Hà Nam) cho rằng, chi ủy cần phải xây dựng nền móng vững chắc, duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa ban giám đốc và chi bộ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa giữa ban giám đốc và NLÐ, phải tạo được niềm tin tưởng từ ban giám đốc và công đoàn viên. Muốn như vậy, trước tiên tất cả ủy viên ban chấp hành công đoàn, đảng viên phải làm thật tốt công việc chuyên môn mà công ty giao phó, cùng ban lãnh đạo công ty và tập thể CNLÐ phát triển công ty vững mạnh. Công đoàn và chi bộ phải tuân thủ tuyệt đối chỉ thị, chỉ đạo của công đoàn cấp trên và đảng bộ cấp trên, thực hiện tốt nhiệm vụ và vai trò của mình cùng ban giám đốc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đảng viên, đoàn viên và NLÐ.

Công ty cổ phần Dệt may - Ðầu tư - Thương mại Thành Công - tiền thân là DN nhà nước thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, được cổ phần hóa năm 2006. Ðến nay, cổ đông Eland (Hàn Quốc) chiếm 44%, nắm tỷ lệ chi phối và quyền điều hành DN. Ðồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch công đoàn cơ sở chia sẻ: Ðiều quan trọng giúp tổ chức cơ sở đảng hoạt động tốt tại DN là do chúng tôi coi trọng việc xây dựng quy chế phối hợp giữa: Ðảng ủy với Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc; Quy chế phối hợp giữa Tổng Giám đốc với Ban Chấp hành Công đoàn trên cơ sở bình đẳng, hợp tác vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đảng viên, NLÐ, DN. Thực hiện quy chế, cấp ủy đảng và lãnh đạo DN thường xuyên trao đổi thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để các tổ chức đảng, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, nhất là công đoàn và NLÐ tham gia đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; xây dựng thỏa ước lao động tập thể; hợp đồng lao động; các chế độ, chính sách đối với NLÐ, thống nhất các biện pháp phối hợp thực hiện theo quy định của pháp luật tạo sự thống nhất và đồng thuận giữa cấp ủy và lãnh đạo DN.

(★) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 16-1-2020.

Vượt qua nhiều vướng mắc, rào cản, các cấp công đoàn đã chăm lo công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, đoàn viên. Nhiệm kỳ Ðại hội XI Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu với Ðảng 387.380 đoàn viên công đoàn ưu tú, trong đó có 276.192 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Ðảng.

Trong năm 2018, các cấp công đoàn đã giới thiệu với Ðảng 140.706 đoàn viên ưu tú, trong đó có 18.742 đoàn viên các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; có 20.046 đảng viên là công nhân lao động ở các loại hình DN. Năm 2019, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn cả nước đã giới thiệu 119.603 đoàn viên ưu tú để Ðảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

(Nguồn: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)