Phong trào nông dân Khmer vượt khó, làm giàu

|

Trong những năm qua, nhờ được sự hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, đoàn thể của tỉnh Bạc Liêu, phong trào nông dân Khmer sản xuất giỏi ngày càng phát triển mạnh. Nhiều hộ Khmer nghèo đã nỗ lực phát huy tinh thần vượt khó, vươn lên trở thành khá giả, góp phần làm giàu cho gia đình và xây dựng quê hương.

Theo Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh có gần 16 nghìn hộ đồng bào Khmer, với hơn 69.600 nhân khẩu, chiếm 7,8% tổng số hộ dân trong tỉnh. Mới đây, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức họp mặt tuyên dương hơn 200 hộ nông dân Khmer sản xuất giỏi trong toàn tỉnh.

Xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, có hơn 76% số dân là đồng bào Khmer. Từ một xã rất nghèo, hôm nay, Hưng Hội đã đổi thay nhanh chóng, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, có nhiều điển hình trong phong trào nông dân sản xuất giỏi của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hội Thạch Ðược cho biết: “Hiện nay, toàn xã có hơn 1.500 hộ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp. Hơn 300 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi”, mỗi năm có thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên nhờ sản xuất theo mô hình nhiều cây, con, sản xuất luân canh, xen canh lúa màu…”. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Hưng Hội giảm từ 23% (năm 2014) xuống còn gần 7%. Ðời sống kinh tế của đồng bào Khmer trong xã ngày càng phát triển, nhiều gia đình xây nhà cửa khang trang với nhiều vật dụng giá trị, có điều kiện cho con ăn học đàng hoàng. Phong trào nông dân sản xuất giỏi, tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, làm giàu đã được nhiều nơi biết và đến học hỏi kinh nghiệm.

Tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, phong trào nông dân thi đua sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống của nông hộ, giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Gia đình chị Thạch Thị Hạnh ở xã Châu Hưng A cách đây 5 năm, rất khó khăn, nhà đông con nhưng cả gia đình chỉ có một công đất canh tác lúa. Ðược sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã, năm 2014, gia đình chị Hạnh được hỗ trợ cặp bò giống để nuôi. Sau khi nhận được cặp bò, chị Thạch Thị Hạnh vay thêm vốn xây chuồng trại để nuôi thêm lợn, gà. Từ hai con bò giống, gia đình chị Hạnh tiếp tục nuôi bò đẻ để cung cấp con giống cho những hộ có nhu cầu. Mỗi năm, gia đình chị bán từ một đến hai con bê với mức giá trung bình từ 15 triệu đồng đến 18 triệu đồng/con. Và cùng với các khoản thu khác từ bán lợn, gà, mỗi năm gia đình chị Hạnh có thu nhập gần 90 triệu đồng, nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá trong xã.

Tương tự gia đình chị Hạnh, gia đình bà Sơn Thị Quen ở xã Long Ðiền, huyện Ðông Hải mấy năm trước đây cũng chỉ có hơn một công đất rẫy, luôn thuộc diện nghèo của xã. Không cam chịu nghèo khó, năm 2014, được sự hỗ trợ của chính quyền xã, bà Quen cải tạo diện tích đất trồng màu để lên luống trồng mãng cầu ta và bưởi da xanh. Hai năm qua, bình quân mỗi tháng gia đình bà Quen thu nhập gần 10 triệu đồng từ trái cây và các loại thủy sản, đến nay đã trở thành hộ khá của xã. Nhờ tích cực lao động sản xuất, với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cuộc sống gia đình bà Quen đã ổn định. Ngoài các hộ nêu trên, tỉnh Bạc Liêu, nhất là các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Hòa Bình, Ðông Hải và TP Bạc Liêu ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương hộ Khmer tiêu biểu sản xuất giỏi, vượt khó, làm giàu được biểu dương và nhân rộng điển hình.

Trường Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu Trần Hoàng Duyên cho biết, cùng với việc động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời những hộ dân Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi, Tỉnh ủy, HÐND và UBND tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm, ưu tiên các nguồn vốn, hỗ trợ con giống, cây giống giúp người dân phát triển sản xuất. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, nhất là Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh luôn chủ động và tích cực vận động các nhà tài trợ, các doanh nghiệp hỗ trợ đồng bào Khmer nghèo. Cuộc sống ngày càng no ấm, đồng bào Khmer phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó, tiếp tục hăng hái lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.