Phát huy hiệu quả các chính sách dân tộc ở Cao Bằng

|

Những năm qua, thông qua việc lồng ghép các chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh, bền vững, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, lan tỏa tinh thần vượt khó, nỗ lực vươn lên làm giàu của người dân.

Theo con đường bê-tông rộng rãi, sạch đẹp, chúng tôi đến bản Lũng Quảng, xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng. Ðây là bản vùng cao điển hình về phong trào bà con DTTS vượt khó vươn lên, phát triển chăn nuôi trâu, bò để thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu. Tại Lũng Quảng, có 15/33 hộ đầu tư mua trâu, bò về chăn nuôi vỗ béo cho thu nhập khá. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lục Văn Cường, một nông dân đi đầu phát triển kinh tế cho biết: "Trước đây gia đình tôi chăn nuôi theo phương pháp truyền thống cho nên trâu, bò chậm lớn, chỉ sử dụng cày kéo làm đất sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế thấp. Ðược cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đến tận bản tập huấn phương pháp chăn nuôi hiện đại, gia đình tôi đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư xây chuồng trại vệ sinh, kín đáo, chống rét cho trâu, bò trong mùa rét, đồng thời tiêm phòng cho gia súc, trồng cỏ voi chủ động chăn nuôi, nhờ đó đàn trâu, bò phát triển tốt, lớn nhanh, khỏe mạnh". Hiện, mỗi năm anh Cường mua hai lứa trâu, bò, mỗi lứa từ sáu đến bảy con về vỗ béo, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Nông Văn Vượng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng chia sẻ, thực hiện chương trình di chuyển chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở và phát triển chăn nuôi đại gia súc, đơn vị đã phối hợp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh, hỗ trợ giống cỏ cho bà con, xây dựng mô hình, chăn nuôi, trồng cỏ voi để người dân học tập, làm theo, nhân rộng, phát triển chăn nuôi hàng hóa. Chăn nuôi trâu, bò đang là hướng phát triển kinh tế hiệu quả cao của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, H’Mông ở trong huyện. Nhờ mô hình này, nhiều hộ đạt thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm.

Huyện Bảo Lâm có gần 50% số dân là người dân tộc H’Mông, với hơn 33 nghìn người. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào H’Mông chiếm gần 70%, cao hơn trung bình của huyện. Trước thực tế đó, những năm qua, Bảo Lâm đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách dân tộc như Chương trình 134, 135, Quyết định 167, Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ học sinh đi học, các chính sách an sinh xã hội… Cán bộ phòng chuyên môn, các đoàn thể trong huyện phối hợp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật đưa giống lúa, ngô mới vào sản xuất cho nên sản lượng lương thực tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ. Huyện Bảo Lâm cũng đã triển khai tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào trồng cỏ voi, phát triển chăn nuôi gia súc, bình quân đàn gia súc tăng trưởng từ 3 đến 5%/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi khác phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương như: cây dong riềng, nghệ, gừng, hồi, quế, keo lai, xoan, sa mộc phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 đến 5%. Trưởng phòng Dân tộc huyện Phan Văn Mạch chia sẻ, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện các chính sách hỗ trợ, một bộ phận đồng bào các dân tộc đã thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nỗ lực vươn lên, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, đó là nền tảng quan trọng để huyện vươn lên, bứt phá trong thời gian tới.

Ðánh giá hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Ðào Văn Mái khẳng định, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư hoàn thiện, nhiều địa phương đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao thông phát triển đã thúc đẩy giao thương, sản xuất hàng hóa. Ðặc biệt, qua công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật, đồng bào các dân tộc đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi trâu, bò, trồng lạc L14, trồng cây gừng trâu, cây nghệ hữu cơ xuất khẩu… nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình 135 và các chính sách dân tộc, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư gần 1.500 tỷ đồng xây dựng 1.170 công trình giao thông, điện, nước sạch phục vụ sinh hoạt, công trình thủy lợi ở vùng khó khăn. Nhiều bản làng trước đây giao thông đi lại khó khăn, nay được đầu tư làm đường sá rộng rãi, giúp vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Với các công trình điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất vừa hoàn thành, bà con mua sắm phương tiện nghe nhìn, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và đầu tư phương tiện phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững đã giúp người dân trên địa bàn có thêm nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi; máy móc thiết bị, công cụ sản xuất như máy cày, máy bừa, máy thái thức ăn gia súc, máy tuốt lúa, máy tẽ ngô, bình phun thuốc trừ sâu; phân bón các loại, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng trại, lò sấy… Ðồng thời, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn đen, kỹ thuật tiêm, phòng, chống đói rét cho trâu, bò, với hơn 120 nghìn lượt hộ tham gia. Qua đó, thúc đẩy áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập trong vùng đồng bào các DTTS. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trong tỉnh đạt 19,3 triệu đồng/năm, đến năm 2020 tăng lên 30,7 triệu đồng/năm.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cho biết thêm, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thay đổi nhận thức, không ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực vươn lên hơn nữa trong sản xuất và cuộc sống.