Hiệu quả từ các dự án xóa nghèo ở huyện Bù Ðốp

|

Bù Ðốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, với toàn bộ số xã có biên giới với nước bạn Cam-pu-chia. Những năm qua, cùng với các chương trình, dự án giảm nghèo của Ðảng và Nhà nước, huyện Bù Ðốp đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, phù hợp điều kiện của địa phương, từ đó giúp các hộ nghèo nâng cao thu nhập, góp phần xóa nghèo.

Tập trung nguồn lực để xóa nghèo

Bù Ðốp là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Bình Phước. Ðồng ruộng chủ yếu sản xuất được mỗi năm một vụ; mùa khô ruộng nứt nẻ đến cỏ cũng không sống nổi. Trong những năm qua, Bình Phước xây dựng nhiều hệ thống thủy lợi giải hạn mùa khô nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% diện tích đất nông nghiệp trồng cây ngắn ngày. Chủ tịch UBND huyện Bù Ðốp Ðoàn Văn Thảo cho biết: Ðể thực hiện được tiêu chí giảm nghèo, huyện Bù Ðốp đã chỉ đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó ưu tiên lao động hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Cùng với đó, huyện cũng chủ động giải quyết việc làm cho hơn hai nghìn lao động. Ðể các hộ dân thay đổi tư duy sản xuất, các phòng chuyên môn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo mua phân bón trả chậm. Các hội, đoàn thể xây dựng các mô hình xóa nghèo cho hội viên. Ðơn cử như các cấp hội phụ nữ huyện duy trì phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hình thức như hỗ trợ con giống, phân bón...

Ðầu năm 2018, toàn huyện Bù Ðốp có 1.110 hộ nghèo, chiếm 7,8% số hộ toàn huyện; 1.188 hộ cận nghèo chiếm 8,4% số hộ, trong đó có 352 hộ DTTS. Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hơn 500 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn ưu đãi tổng cộng hơn 12,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hộ nghèo trên địa bàn huyện Bù Ðốp cũng được hỗ trợ tiền điện, cấp phát sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế, hỗ trợ về giáo dục. Năm 2018, các ban, ngành đoàn thể và UBND các xã, thị trấn đã vận động xây dựng và bàn giao 45 căn nhà tặng các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, mỗi căn trị giá từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thiện Ðặng Văn Sáng chia sẻ: Năm 2018, toàn xã có 1.255 hộ dân, trong đó có 239 hộ nghèo. Ngoài thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho các hội, đoàn thể, đồng thời khuyến khích vận động hội viên, đoàn viên vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn giảm còn 203 hộ. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo, hộ DTTS, phấn đấu từng bước giảm nghèo bền vững.

Nhân rộng mô hình chăn nuôi

Theo Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bù Ðốp Lê Ðình Hiệu, hiện nay huyện đang nhân rộng mô hình chăn nuôi dê, bò sinh sản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, bởi đây là hai mô hình chăn nuôi rất phù hợp điều kiện của địa phương. Nuôi dê không tốn chi phí thức ăn vì vào mùa mưa có nguồn thức ăn phong phú và mùa khô tận dụng lá cây keo, cây anh đào vốn được trồng làm trụ cho cây hồ tiêu với diện tích khoảng bốn nghìn héc-ta… Nguồn thức ăn đa dạng, trong khi giá bán dê và bò khá cao, có thời điểm người dân bán được 130 nghìn đồng/kg dê hơi.

Từ chăn nuôi dê, bò, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Ðiển hình như gia đình bà Hoàng Thị Dìm ở ấp Ðiện Ảnh, xã Phước Thiện. Bốn con dê sinh sản được cấp năm 2016 theo diện hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo nay đã phát triển thành đàn dê hơn 30 con. Cùng ấp, có gia đình chị Nông Thị Dìu được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 23 triệu đồng mua dê giống. Với đàn dê khoảng 20 con, mỗi năm, chị Dìu xuất bán khoảng 20 dê thịt, thu lợi hơn 60 triệu đồng. Gia đình chị Niên Thị Cung ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến là hộ nghèo, chỉ có hai sào đất trồng điều, chị phải đi làm thuê để lấy tiền nuôi con ăn học. Ðược nhận bò hỗ trợ của huyện, chị Cung phấn khởi nói: "Ðây là niềm mơ ước của gia đình tôi bấy lâu. Tôi sẽ chăm sóc con bò thật tốt để sinh bê con, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học".

Ðể các hộ gia đình thoát nghèo bền vững, hằng năm huyện Bù Ðốp đều phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị nhằm theo dõi, kiểm tra, đánh giá mô hình giảm nghèo "Chăn nuôi dê sinh sản" cho 15 hộ nghèo tại xã Phước Thiện. Huyện cũng huy động các nguồn lực, phấn đấu mỗi năm cấp 40 con bò giống cho các hộ nghèo, cận nghèo để vừa phát huy được thế mạnh của địa phương, vừa phù hợp với tình hình chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Ðây chính là những mô hình đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp các gia đình DTTS nghèo trên địa bàn phấn đấu vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế trên quê hương.