Những “trụ cột” của buôn làng Tây Nguyên

|

Ở Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng, các già làng chiếm một vị trí rất quan trọng trong cộng đồng. Vai trò và vị trí của già làng còn được phát huy trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng cuộc sống mới, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Sinh ra và lớn lên ở làng Brel, xã Biển Hồ, TP Pleiku (Gia Lai), già H’rmik thuộc lòng mỗi nóc nhà, từng giọt nước của làng mình. Người dân làng Brel yêu quý ông không chỉ vì già luôn nêu gương phát triển kinh tế mà hơn hết, còn là tấm gương góp phần giữ gìn bản sắc, xây dựng nếp sống văn hóa ở làng Brel. Làng có 94 hộ dân với 457 người, trong đó có 13 hộ nghèo. Già H’rmik đã cùng gia đình đầu tư chăm sóc 0,6 ha cà-phê và lúa nước, nuôi 10 con bò, ba con lợn nái, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ mô hình kinh tế hiệu quả của già H’rmik, các gia đình khác trong làng Brel và các làng lân cận đều làm theo, cho nên đời sống ngày càng ổn định; số hộ giàu, hộ khá tăng và số hộ nghèo giảm. Bên cạnh đó, già H’rmik vận động giáo dân khi sinh hoạt tôn giáo phải tuân thủ theo chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái phép, luôn sống “Tốt đời - Ðẹp đạo”. “Nhờ vậy, mấy năm qua, tình hình an ninh, chính trị ở địa bàn được ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có người vượt biên hoặc trốn ra rừng”, già H’rmik chia sẻ. Ông cũng kịp thời nắm bắt những hoàn cảnh khó khăn trong làng để kêu gọi giúp đỡ. Anh Anunh, hơn 40 tuổi, nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động, phải sống trong căn nhà dột nát. Thấy vậy, già H’rmik đã kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng cho anh Anunh căn nhà mới. Hay như hộ bà Amuih trong làng cũng từng bước thoát nghèo nhờ được già H’rmik hướng dẫn làm kinh tế từ chăn nuôi hai con lợn nái sinh sản.

Ngoài già H’rmik ở làng Brel làm kinh tế giỏi, vùng biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông có nữ già làng Ksor H’Blâm (76 tuổi), luôn là “cầu nối” giữa ý Ðảng và lòng dân, giữa “luật tục” với luật pháp. Sau 20 năm phục vụ trong quân đội, già Ksor H’Blâm về hưu với quân hàm thượng úy. Trở về với làng Krông, xã Ia Mơr, với kiến thức tích lũy được, bà thường xuyên tới từng nhà, chia sẻ, chuyện trò để vận động người dân cải tạo vườn tạp, trồng cây lúa, bắp, mì, nuôi bò, lợn, gà… để cải thiện cuộc sống. “Chứng kiến dân làng đói khổ, mình quyết tâm giúp đỡ họ vượt qua cái nghèo, cái khổ”,già làng Ksor H’Blâm tâm sự, “Hồi đó mình vừa làm vừa thuyết phục, biết cái gì thì mình chỉ cho người dân cái đó. Diệt giặc đói cũng gian khổ như diệt giặc Mỹ vậy đó”. Năm 1998, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ở vùng biên giới này được người dân tín nhiệm bầu làm già làng. Bà Ksor H’Blâm dùng những việc làm cụ thể của mình để làm gương cho dân làng. Một số gia đình khó khăn được bà cho mượn bò về nuôi. Khi bò sinh sản, bà chỉ lấy lại bò mẹ, rồi tiếp tục cho người khác mượn gây dựng con giống. Bà còn hướng dẫn người dân cách trồng lúa nước, trồng sắn sao cho hiệu quả… Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Thời gian qua, Ia Mơr là một trong những địa bàn nóng của tỉnh Gia Lai về vấn đề quản lý và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhờ có những già làng, người uy tín như bà Ksor H’Blâm ngày đêm tuyên truyền, vận động, thuyết phục, phối hợp cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ia Mơr làm tốt công tác bảo vệ rừng cho nên hiện làng Krông không có trường hợp nào vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, chúng tôi thường gọi bà Ksor H’Blâm là “ngôi sao xanh biên phòng”.

Chúng tôi gặp ông Rơ Mah Uếp, 60 tuổi, ở làng Sung Le, xã Ia Kla, huyện Ðức Cơ trong lễ tuyên dương già làng, người uy tín tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” do Công an tỉnh Gia Lai tổ chức. Ông tâm sự: “Ở địa phương, nhiều người còn nghèo khổ, dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Vì vậy, tôi phải nói để bà con hiểu được những gì tốt đẹp mà Ðảng và Nhà nước đem lại cho mình để không ai mắc mưu kẻ xấu”. Với kinh nghiệm sống của mình, ông chia sẻ cho người dân xã Ia Kla về cách phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo, chỉ ra âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch giúp người dân không bị kẻ xấu xúi giục đi lầm đường, lạc lối; vận động duy trì những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan... Ông còn hòa giải thành công hàng trăm vụ việc mâu thuẫn trong nhân dân. Vì thế, ông Rơ Mah Uếp luôn được người làng Sung Le và các làng khác ở xã Ia Kla nhắc đến với sự kính trọng, khâm phục.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Hồ Văn Ðiềm cho biết: Hiện tỉnh có hơn hai nghìn già làng, người có uy tín. Vai trò, vị trí của các già làng được khẳng định trong quá trình tham gia giúp chính quyền các cấp trong quản lý, điều hành và làm công tác dân vận, với nhiều cách làm sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương, các già làng thật sự trở thành những trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển cuộc sống mới trong các thôn, làng Tây Nguyên hiện nay…