Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng không ngày nào ông Lò Văn Thâng không làm việc. Mắt đọc, tay ghi, ông tỉ mẩn ghi chép từng con chữ vào cuốn sổ tay. Sau nhiều chuyến dài đi xuyên bản về các bản người Thái ở Ðiện Biên và các tỉnh Tây Bắc, ông Thâng nhận thấy, tỉnh Ðiện Biên chỉ còn một số cộng đồng người Thái ở các bản, như: Noong Chứn, Hoong En (phường Nam Thanh, phường Him Lam, TP Ðiện Biên Phủ); Co Pao, xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) và một số cá nhân ở thị xã Mường Lay, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo có tài liệu nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái, trong đó có các sách viết về chữ Thái cổ và chữ Thái cách tân (thịnh hành từ năm 1973).
So sánh chữ Thái cổ và chữ Thái mới có nhiều điểm khác, song theo phân tích của ông Thâng thì những sách dạy chữ Thái mới hiện nay là sự sáng tạo dựa trên nền chữ Thái cổ; chữ Thái mới có nét viết rõ ràng, có dấu, tách câu cho nên dễ đọc và dễ nhớ. Tuy nhiên, chữ Thái mới chưa được lớp trẻ quan tâm, trong khi những người cao tuổi biết chữ thì dần quên lãng hoặc lần lượt qua đời, không ai truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Chính điều đó càng thôi thúc ông sưu tầm, lưu giữ văn hóa dân tộc Thái. "Người Thái ở Ðiện Biên chiếm gần 40% số dân, nhưng người có thể viết, đọc được chữ viết dân tộc Thái thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, tôi đã thu thập nhiều tài liệu nghiên cứu để phục vụ cho việc xuất bản sách về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái", ông Thâng chia sẻ. Từ những tư liệu sưu tầm, ông Thâng đã nghiên cứu, biên soạn thành công ba cuốn sách dạy tiếng và chữ Thái để Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðiện Biên đưa vào giảng dạy trong một số trường học. Ba cuốn sách được chia theo từng cấp bậc, nội dung rõ ràng: Tập 1 là học vần, tập đọc; tập 2 hướng dẫn thực hành viết các đoạn văn ngắn và tập 3 dạy kỹ năng đọc thông viết thạo và kết hợp đọc các tác phẩm văn học của dân tộc Thái.
Tham gia nhóm nghiên cứu, biên soạn, chỉnh sửa thống nhất chữ, bộ vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm của dân tộc Thái trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái (thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðiện Biên), ông Thâng đề xuất nhiều nội dung và kiến nghị câu lạc bộ xây dựng đề án bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái Ðiện Biên. Không chỉ vậy, nhiều năm nay, cứ đều đặn ba buổi mỗi tuần, ông đến Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ, Trường cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên và Công an tỉnh để dạy tiếng Thái cho cán bộ, công chức các đơn vị. Nhờ đó nhiều thế hệ học viên đã nói và viết tiếng Thái chuẩn xác.
Khi được hỏi: "Ông nghĩ gì về tương lai của chữ Thái?", ông Thâng cười và nói: "Người Thái còn thì chữ Thái còn, như tôi đây già rồi mà vẫn say mê chữ Thái. Trời thương cho sống ngày nào tôi sẽ dành tâm nguyện truyền dạy chữ Thái ngày đó. Tôi tin, sẽ ngày càng có nhiều người dành sự quan tâm tới việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, nhất là tiếng nói và chữ viết.