Bình Liêu là một huyện miền núi, biên giới với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm tới hơn 96%, địa hình phức tạp, đời sống nhân dân trên địa bàn còn không ít khó khăn. Ðể hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư thêm các trạm biến áp, điện sử dụng pin năng lượng mặt trời khi dự án cấp điện cho các điểm/cụm dân cư dưới 20 hộ dân, đến nay 100% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới ổn định. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Lục Hồn Vi Thị Hoa cho biết: Trước đây chưa có điện, đời sống bà con các DTTS còn rất khó khăn, việc tiếp cận thông tin hạn chế, bà con không yên tâm phát triển sản xuất. Ðược sự quan tâm của các cấp và huyện, đến nay cả thôn đều sáng ánh điện, nhà nhà rộn rã tiếng cười, kinh tế phát triển, nhiều ngôi nhà cao tầng được xây mới; con em trong thôn yên tâm học hành, có thêm tri thức để làm giàu cho quê hương.
Từ nhiều nguồn vốn, huyện Bình Liêu đã xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối tới 104 thôn, bản đi qua các xã: Ðồng Văn, Hoành Mô, Ðồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Ðộng và thị trấn Bình Liêu với tổng chiều dài hơn 250 km. Công trình này có tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.300 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động của chương trình nông thôn mới, Ðề án 196 (Chương trình 135); được triển khai thực hiện từ năm 2016 và hoàn thành đầu năm 2020. Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh chia sẻ: Tuyến đường kết nối giao thông này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn và huyện bởi nó sẽ hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS, thay đổi diện mạo các thôn, bản, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Ðây cũng chính là kết quả của quá trình nỗ lực vươn lên của nhân dân các dân tộc và cố gắng của cả hệ thống chính trị huyện. Các thôn, bản của huyện từ chỗ điều kiện đi lại hết sức khó khăn, đặc biệt là khi mùa mưa lũ đến, giao thông chia cắt, nay đã có đường giao thông thuận lợi, ô-tô đi vào tận nơi. Nhờ đó, đời sống của người dân đã có nhiều khởi sắc, có nhiều điều kiện thuận lợi để tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thôn Khe Lẹ là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Nơi đây có gần 35 hộ đồng bào Dao với gần 200 nhân khẩu. Người dân vốn quen cảnh bám rừng để sinh sống, vì thế nguy cơ sạt lở đất đá luôn rình rập, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Bằng việc huy động sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp trên địa bàn, năm 2017, huyện Tiên Yên đã hỗ trợ vật liệu, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh 35 triệu đồng/hộ di dời thành công các hộ dân trong thôn đến nơi ở mới, an toàn hơn. Ðược sự quan tâm của các cấp chính quyền, thôn Khe Lẹ đã trở thành một trong những thôn điển hình của cả xã trong việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn, khu dân cư kiểu mẫu. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Khe Lẹ Lý Thị Nga chia sẻ: Từ nguồn Chương trình 135 và Ðề án 196, người dân đã được hỗ trợ để xây dựng nhà ở mới khang trang; cơ sở hạ tầng như nhà văn hóa, đường giao thông đều được xây dựng kiên cố, thuận tiện cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Hiện, cuộc sống của các hộ dân trong thôn ổn định và thôn cũng được tỉnh công nhận thoát khỏi diện 135. Tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm nhanh theo từng năm.
Trong 5 năm thực hiện Chương trình 135, Ðề án 196, các vùng đồng bào DTTS và miền núi của huyện Tiên Yên đã được hỗ trợ hơn 127 tỷ đồng. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2019, chương trình đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 2.420 lượt hộ gia đình từ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất mới, chuyển giao nhiều mô hình phát triển kinh tế theo hướng giảm nghèo bền vững cho người dân. Một số mô hình đem lại hiệu quả và đang được nhân rộng như: mô hình nuôi gà Tiên Yên tại các xã Ðại Dực, Hà Lâu, Phong Dụ... Ðiển hình như gia đình anh Trần Văn Hoan ở thôn Bắc Lù được chính quyền địa phương hỗ trợ con giống và nguồn vốn sản xuất từ Chương trình 135, anh đã đầu tư vào nuôi gà Tiên Yên. Sau hai năm triển khai, mô hình gà của gia đình anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của chương trình, huyện Tiên Yên đã đầu tư xây dựng 67 công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ðến nay, 100% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô-tô đến trung tâm xã;100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 99,6% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Có thể khẳng định, các chính sách dân tộc được Quảng Ninh triển khai thực hiện có hiệu quả, ngày càng đi vào cuộc sống đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng DTTS và miền núi, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống toàn diện cho người dân… Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Ðề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 và Ðề án 196 của Quảng Ninh là những đề án đặc biệt, sáng tạo, là cách làm riêng của tỉnh. Ðể cụ thể hóa mục tiêu xóa thôn, bản đặc biệt khó khăn với quan điểm người dân phải là chủ thể, tích cực sản xuất, chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa và miền núi, biên giới hải đảo đã hoàn thành Ðề án 196 trước một năm so mục tiêu đặt ra. Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng đồng bào DTTS được tăng cường, mạng lưới y tế được củng cố và hoàn thiện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Khối đại đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển; nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, tích cực thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo, tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng -
an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình 135, Ðề án 196 là 1.770 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh hơn 1.500 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa là gần 270 tỷ đồng. Từ nguồn lực này, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 696 công trình hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn vùng đặc biệt khó khăn. Ðến nay, 100% số xã đặc biệt khó khăn có đường ô-tô được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% số xã có trạm y tế đạt chuẩn; 100% số hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng điện lưới quốc gia; gần 98% số hộ dân tại xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bên cạnh đó, Ðề án 196 đã thực hiện hỗ trợ 9.431 lượt hộ nghèo, cận nghèo, với 283 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, gắn với chương trình OCOP, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.