Ðồng hành người dân vùng biên giới

|

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị còn thực hiện nhiệm vụ kép, vừa làm tốt công tác ngăn chặn dịch Covid-19, vừa giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Các đồn biên phòng triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế, hướng dẫn vùng biên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước ổn định cuộc sống.

Trung tá Lê Văn Hiếu, Trưởng Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay cho biết, án ngữ ở vị trí quan trọng của tuyến biên giới Việt - Lào, đơn vị còn quản lý trực tiếp địa bàn hai xã A Ngo và A Bung, phía tây nam tỉnh Quảng Trị. Thời gian cao điểm của dịch Covid-19, đơn vị phải thực hiện nhiệm vụ đưa đi cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam. Chỉ tính từ ngày 18-3 đến ngày 10-6-2020, đồn cùng các lực lượng chức năng thống kê, phân luồng người nhập cảnh, làm các thủ tục cách ly tập trung cho gần 3.800 người. Ðến nay, dịch Covid-19 đã được khống chế, cuộc sống người dân hai bên biên giới trở lại bình thường. Nhiều tuần nay, Ðại úy Trương Viết Hùng của Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay ở huyện Ða Krông không có thời gian về thăm nhà, bởi sau mỗi buổi trực, anh lại xuống từng bản, đến với các gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều và Tà Ôi, hướng dẫn người dân cách trồng rau, trồng chuối, chăn nuôi gia súc, gia cầm hiệu quả. Nhiều hoạt động, chương trình được các chiến sĩ của đồn biên phòng triển khai làm ấm lòng dân bản như: xây dựng nhà "Mái ấm nông dân", "Mái ấm nơi biên giới", đồng hành cùng chương trình "Phụ nữ biên cương"; "Nâng bước em đến trường"; "Con nuôi biên phòng"...

Nằm ở xã Lìa của huyện miền núi Hướng Hóa, Ðồn Biên phòng Thanh bảo vệ biên giới đoạn đường sông Sê Pôn có chiều dài hơn 31 km, phụ trách địa bàn ba xã Thanh, Lìa và Xy. Ðồn trưởng Ngô Trường Khôi cho biết, nhận thức rõ sự ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đến địa bàn, Ban chỉ huy đơn vị phối hợp chính quyền cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp tặng người dân hàng chục tấn gạo để chủ động lương thực. Ðồn giúp dân bản thực hiện mô hình trồng tràm chống xói mòn đất và phát triển kinh tế; trồng lúa nước; xen canh các giống ngô, đậu cùng cây sắn để tăng thu nhập. Ðồng thời phối hợp chính quyền các xã tiếp tục tìm dự án lồng ghép hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất.

Khác với các đồn còn lại, địa bàn quản lý của Ðồn Biên phòng Hướng Lập trải dài trên hai xã Hướng Lập và Hướng Việt, nằm về phía tây bắc của huyện Hướng Hóa. Hiểu được nguyện vọng người dân biên giới luôn mong muốn được tiếp cận sớm những chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nên đơn vị đã chủ động phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân gồm các nội dung: Luật Biên giới quốc gia, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Lào và Luật Hôn nhân gia đình, Luật Ðất đai…

Thực hiện chủ trương tăng cường sĩ quan biên phòng về các xã biên giới của Quảng Trị, đồng chí Nguyễn Ðức Nam là cán bộ sĩ quan của Ðồn Biên phòng Hướng Lập được tăng cường về giữ chức vụ Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hướng Việt. Theo đề án "Ðảng viên phụ trách hộ dân biên giới", đồng chí Nam nhận nhiệm vụ phụ trách chín hộ gia đình với 42 nhân khẩu thuộc các thôn của xã Hướng Việt. Tranh thủ những ngày nghỉ và trong các chuyến công tác xuống địa bàn, đồng chí đến từng gia đình tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, điều kiện nhằm lựa chọn các mô hình, phần việc sát với thực tế để giúp người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế hiệu quả. Phó Bí thư Ðảng ủy xã Hướng Việt Nguyễn Ðức Nam chia sẻ: "Người dân Vân Kiều vốn siêng năng nhưng do thiếu kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho nên hiệu quả kinh tế thấp. Muốn tạo sự chuyển biến cho người dân thì trước hết phải làm thay đổi nhận thức, nói cho người dân hiểu và làm theo". Bên cạnh công tác vận động quần chúng không tham gia, tiếp tay các hành vi vi phạm pháp luật, đồng chí Nam còn hướng dẫn người dân kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, vận động các nguồn kinh phí giúp đỡ các hộ gia đình DTTS khó khăn, hỗ trợ giống lúa mới cho người dân sản xuất, vận động, thuyết phục các cháu học sinh không bỏ học giữa chừng.

Ông Hồ Văn Liếp, người có uy tín tại bản Ka Tiêng, xã Hướng Việt cho biết, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Hướng Lập rất gần dân, họ không ngại vất vả, luôn sẻ chia những khó khăn của nhân dân biên giới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Họ được nhân dân tin yêu, coi như những người con của bản làng.

Ðại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cho biết, trên tuyến biên giới Quảng Trị và hai tỉnh Xa-vẳn-na-khẹt, Sa-la-van của nước bạn Lào dài gần 190 km, các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm vừa giữ vững biên giới Tổ quốc, vừa giúp dân bản khôi phục kinh tế, ổn định cuộc sống sau dịch bệnh. Ngoài hai cửa khẩu quốc tế, hiện các cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới
Việt Nam - Lào qua Quảng Trị đã được mở lại để cư dân hai bên biên giới trao đổi nông sản, hàng hóa. Việc mua bán này chỉ tiến hành ở khu vực biên giới và sẽ được kiểm soát chặt, tránh tình trạng lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép.

Những việc làm thiết thực, thắm đượm nghĩa tình quân - dân của các cán bộ, chiến sĩ, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cùng sự đồng lòng của đồng bào các DTTS góp phần làm cho cuộc sống nơi biên cương của Tổ quốc đang được đổi thay từng ngày.