Bản Lao Khô hiện có 121 hộ dân với 595 nhân khẩu, 100% số dân là đồng bào dân tộc H’Mông. Năm 2003, bản Lao Khô lần đầu có điện thắp sáng, 10 năm sau đường về bản được trải nhựa. Những năm qua, cơ sở hạ tầng nông thôn ở vùng biên giới này đã được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, song vẫn là địa phương vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Chương trình "Thắp sáng đường quê" hôm nay đến với bản Lao Khô là công trình tri ân người dân vùng sâu, vùng xa, hướng tới những địa bàn vùng cao biên giới nhằm chia sẻ một phần khó khăn đối với đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS); cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ địa phương cơ bản đã có đủ điện - đường - trường - trạm. Ðây là công trình điện chiếu sáng đường nội bản, nhằm giúp bà con đi lại dễ dàng hơn, góp phần trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an ninh biên giới, cải thiện chất lượng cuộc sống của bà con DTTS. Công trình được hoàn thành với số tiền đầu tư 125 triệu đồng, bao gồm các hạng mục chính: Sửa chữa, lắp đặt, thay mới đường dây sau công-tơ, bảng điện, đèn chiếu sáng của 28 cột điện, lắp đặt hệ thống chiếu sáng tuyến đường nội bản với chiều dài hơn 130 m.
Trong buổi lễ khánh thành công trình, Trưởng bản Lao Khô Tráng Lao Khai phấn khởi nói: "Từ năm nay, bà con trong bản còn vui hơn, đón Tết đầm ấm hơn khi có thêm hệ thống điện chiếu sáng con đường vào bản. Trời tối là bà con không phải dùng đèn pin đi lại. Với bà con bản Lao Khô chúng tôi, điện sáng như thế này là Tết rồi. Bà con vui lắm".
Trong ngày vui, già bản thường kể chuyện cũ. Ông Tráng Lao Lử, năm nay ngoài 80 tuổi là con của cụ Tráng Lao Khô - một nhân vật gắn với lịch sử ở vùng đất biên giới Việt Nam - Lào, nhớ lại: Những năm 1948 - 1950 của thế kỷ trước, khi bố ông là cụ Tráng Lao Khô giúp đồng chí Cay Xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp, nơi đây còn gọi là Phiềng Sa. Bản H’Mông Phiềng Sa khi đó mới có hơn chục nóc nhà, heo hút giữa vùng rừng núi biên giới. Năm 1990, cụ Tráng Lao Khô mất, ghi nhớ công người lập bản, đồng bào H’Mông ở đây đã lấy tên cụ đặt làm tên bản. Câu chuyện về cụ Tráng Lao Khô cùng đồng chí Cay Xỏn Phôm-vi-hản cắt máu gà ăn thề, kết nghĩa tình anh em là biểu hiện sinh động cho mối tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, thủy chung, trong sáng. Ghi nhận câu chuyện lịch sử ấy, năm 2012, Quốc hội hai nước Việt Nam và Lào đã chọn vị trí gần hang Thẩm Mế, bản Lao Khô để xây dựng Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào.
Từ ngày có điện lưới quốc gia, cuộc sống của bà con bản Lao Khô có nhiều đổi thay. Nhà nào cũng có đồ dùng sinh hoạt sử dụng điện, như: ti-vi, tủ lạnh...; một số hộ lắp đặt máy xay xát thóc, máy công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt; trẻ em có đủ ánh sáng để học tập. Nhờ có điện lưới quốc gia, bà con được theo dõi tin tức, học hỏi các cách làm kinh tế hiệu quả qua ti-vi, báo chí như: kỹ thuật trồng cỏ voi, nuôi bò nhốt chuồng, trồng mận hậu, trồng chanh leo, cây ăn quả vùng ôn đới… Gia đình Trưởng bản Tráng Lao Khai nhờ chăn nuôi kết hợp với làm dịch vụ, thu nhập hằng năm hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, còn có mô hình vay vốn ngân hàng chính sách của anh Tráng Lao Lình phát triển chăn nuôi bò, với đàn bò hiện có hơn 20 con, ước tính sẽ cho nguồn thu hơn 100 triệu đồng; mô hình trồng chanh leo tím của gia đình anh Tráng Lao Kỷ cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Học theo kinh nghiệm của anh Tráng Lao Kỷ, bản Lao Khô có 15 hộ bắt đầu trồng chanh leo và cây ăn quả thay thế dần diện tích cấy lúa nương kém hiệu quả.
Qua số liệu điều tra nông nghiệp, nông thôn năm 2019, bản Lao Khô vẫn còn 47 trong tổng số 121 hộ nghèo. Nhân dịp khánh thành công trình "Thắp sáng đường quê", EVNNPC đã tổ chức chương trình "Trao tặng niềm tin, gửi yêu thương", tặng quà cho 47 hộ nghèo trong bản. Phó Tổng Giám đốc EVNNPC Lê Quang Thái chia sẻ mong muốn bà con phát huy truyền thống quê hương cách mạng, xây dựng cuộc sống ngày một no ấm, bảo vệ vững chắc biên giới. Món quà "Thắp sáng đường quê" của cán bộ, nhân viên ngành điện tặng bà con nhân dân bản Lao Khô sẽ được quản lý, bảo vệ, khai thác tốt nhằm phục vụ đời sống sản xuất của bà con. Mong rằng trong năm 2020, số hộ nghèo, khó khăn sẽ giảm xuống, tiến tới Lao Khô không còn hộ đói nghèo. Ðược biết, ngoài bản Lao Khô, trong dịp này EVNNPC còn có một dự án "Thắp sáng đường quê" nữa ở Sơn La tặng bà con nhân dân bản Thàn, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu. Ðây là bản 100% bà con là người dân tộc Xinh Mun thuộc ba DTTS còn khó khăn của tỉnh Sơn La. Bên cạnh những món quà tri ân đối với đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, từ năm 2012 đến nay EVNNPC đã triển khai năm dự án, với tổng số tiền 1.201 tỷ đồng, đưa điện lưới quốc gia đến hàng trăm xã, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện, nâng tỷ lệ hộ được dùng điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La năm 2005 mới đạt 85% đến nay đạt 94,5%. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 97,5% hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra.
Trong không khí đón Xuân mới, đón dòng điện lưới quốc gia, bản Lao Khô chưa bao giờ vui đến thế. Cùng với các chủ trương, chính sách, dòng điện lưới quốc gia của Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp niềm tin của đồng bào DTTS, cùng nhau đoàn kết, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần giữ vững một dải biên cương của Tổ quốc.