Chúng tôi đến xã Nậm Sài, những con đường bê-tông nối từ trụ sở UBND xã về các thôn rộng rãi, đi lại thuận tiện, rút ngắn thời gian rất nhiều. Thôn xa nhất, cách trung tâm hơn 5 km, đường dốc đứng, khúc khuỷu cũng đang được bê-tông cứng hóa những đoạn cuối cùng, góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn nông thôn mới (NTM). Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, thoáng đãng, bảo đảm việc giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh và chăm sóc sức khỏe người dân. Hệ thống thủy lợi, nước sạch thay dần nguồn nước tự nhiên dẫn từ trên khe núi về thôn, bản vốn không bảo đảm vệ sinh. Ðến nay, Nậm Sài đã hoàn thành chín trong số 19 tiêu chí NTM và đang dốc sức chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trồng rừng, phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.
Mấy năm trước, Nậm Sài thuộc diện nghèo, khó khăn nhất của huyện Sa Pa. Toàn xã có gần 400 hộ, ở năm thôn bản, trong đó người Tày chiếm số đông, tiếp đó là người Dao và người Xa Phó. Cuộc sống của đồng bào chủ yếu dựa vào phát nương trồng ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ, quảng canh; một số ít dựa vào trồng thảo quả dưới tán rừng già. Do lối canh tác cũ đều dựa vào tự nhiên, cho nên năng suất thấp, cuộc sống bấp bênh. Giao thông đi lại khó khăn, vì chủ yếu là đường đất, đường mòn, khiến việc giao thương hạn chế, cản trở phát triển hàng hóa và du lịch cộng đồng. Ðược sự hỗ trợ của Nhà nước theo Chương trình 135, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Sài tập trung chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng hệ số quay vòng trên đất nông nghiệp để bảo đảm an ninh lương thực tạo nguồn thu nhập ổn định và từng bước được nâng cao cho người dân. Chính quyền xã phối hợp chặt chẽ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và các phòng, ban chuyên môn khác của huyện Sa Pa để khảo sát, chọn lựa cây dưa hấu, cây có múi (cam, chanh, bưởi), cây dược liệu (chè dây) vào trồng luân canh trên đất đồi thấp vốn chỉ trồng ngô, lúa.
Ông Nguyễn Danh Minh, ở thôn Bản Sài là người đi đầu, mang cây dưa hấu về "cắm rễ" ở địa phương. Ông lặn lội về quê vợ ở tỉnh Hòa Bình tìm giống dưa hấu ngon bản địa, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Nậm Sài để trồng thử nghiệm, rồi từng bước gây giống thành công, bảo đảm chất lượng và năng suất cao, thu lợi từ 50 đến 60 triệu đồng/vụ. Từ mô hình này, xã Nậm Sài vận động người dân các thôn chuyển đổi trồng dưa hấu thay trồng ngô, quay vòng đất trồng một vụ ngô và một vụ dưa hấu chứ không bỏ hoang hóa như trước. Ðược xã hỗ trợ giống, năm 2017, bà Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Bản Sài trồng 2.500 gốc dưa hấu trên đất đồi thấp, sau khi thu hoạch ngô, thu được hơn bốn tấn quả, bán với giá 10 nghìn đồng/kg, thu về 40 triệu đồng. Bà Thủy cho biết, trồng dưa hấu đem lại giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô. Sau khoảng 70 ngày trồng, cây cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch dưa hấu, gia đình có thể trồng thêm các loại cây trồng khác như đậu tương, rau…, để nâng cao thu nhập trên diện tích đất vốn có.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, đồng bào các dân tộc Tày, Xa Phó, Dao ở Nậm Sài tích cực chuyển đổi cây trồng, tăng vụ; mở rộng diện tích cây dưa hấu, coi đó là cây "lấy ngắn nuôi dài" để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Thôn Nậm Nhìu, có hơn 40 hộ dân, hầu hết là dân tộc Dao, đều tham gia trồng dưa hấu. Trưởng thôn Nậm Nhìu Chảo Vần Châu chia sẻ: Sau thôn Bản Sài thì Nậm Nhìu là thôn thứ hai có diện tích trồng cây dưa hấu lớn của xã. Năm 2017, được sự hỗ trợ về giống của huyện, cả thôn trồng được 12 ha dưa, đem về cho người dân hàng trăm triệu đồng. Nhờ trồng dưa hấu, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và là hộ khá của thôn. Ðến nay, người dân cả năm thôn của xã Nậm Sài trồng được 32 ha dưa hấu, đạt sản lượng hơn 200 tấn quả, thu về gần hai tỷ đồng. Ðối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở một xã vùng sâu, vùng xa như Nậm Sài, đó là kết quả của thay đổi tư duy, lề lối canh tác, hướng đến sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống hằng ngày.
Bên cạnh cây dưa hấu, chính quyền xã Nậm Sài hỗ trợ giống cây ăn quả có múi, như cam V2, chanh, bưởi ruột đỏ, hướng dẫn kỹ thuật giúp đồng bào trồng cây ăn quả để có nguồn thu ổn định, lâu dài. Nhờ lợi thế về khí hậu bán ôn đới, đất đai phù hợp, cho nên cây ăn quả trồng ở Nậm Sài có chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, đặt mua với số lượng lớn. Ðiển hình như hộ ông Nguyễn Danh Minh, thôn Bản Sài, trồng 7 ha cam V2, bưởi lòng đỏ, chanh Xiêm vàng, cây dược liệu như chè dây…, bán cho các chợ đầu mối, siêu thị, thu về hơn một tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Minh còn tích cực hỗ trợ giống, phổ biến kỹ thuật trồng cây ăn quả cho đồng bào… trong xã. Ðến nay đã có hàng chục hộ gia đình ở đây trồng cây ăn quả và cây dược liệu, đa dạng hóa nguồn thu nhập và tạo việc làm thường xuyên.
Giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển, đồng bào các dân tộc ở Nậm Sài hướng tới khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng. Người đi đầu trong lĩnh vực du lịch cộng đồng là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Nậm Sài Ðào Thị Sần. Thực hiện đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm" của huyện và tỉnh, Hội Phụ nữ xã Nậm Sài mở 12 lớp, đào tạo nghề thêu, dệt, thiết kế mẫu sản phẩm cho 254 lượt chị em trong xã. Trên cơ sở đó, thành lập Câu lạc bộ thổ cẩm Nậm Sài, tạo việc làm và thu nhập cho 35 thành viên nữ vào những lúc nông nhàn; mỗi năm, chị em đã thêu được từ 5.000 đến 6.000 sản phẩm, với 15 mẫu xuất khẩu sang các nước: Mỹ, I-ta-li-a, Ô-xtrây-li-a, Pháp, Nhật Bản… Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Sài Ðào Thị Sần chia sẻ, Câu lạc bộ thổ cẩm Nậm Sài hoạt động không chỉ nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa mà còn là địa chỉ thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến với quê hương, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao cuộc sống của người dân địa phương.