Đoàn 379 hoạt động trên địa bàn hơn 2.342 km2, gồm hai tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào. Ngày mới thành lập, Ðoàn 379 được giao phụ trách năm xã, sau đó lên sáu xã, rồi tám xã và hiện nay là gần 40 xã, thuộc năm huyện của tỉnh Ðiện Biên. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Ðoàn là, thường trực sẵn sàng chiến đấu, cùng với đó là xây dựng cơ sở chính trị địa phương, thực hiện các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc trong vùng.
Những năm trước, Nà Hỳ là một xã nghèo, nhiều hộ nông dân quanh năm thiếu đói. Vậy mà mấy năm qua, bình quân lương thực đầu người trong xã đạt hơn 300 kg, đấy là chưa kể mỗi năm xã cung cấp cho thị trường bên ngoài khoảng 300 tấn thóc hàng hóa. Với phương châm “cầm tận tay, chỉ tận việc”, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 đang dần “biến” Nà Hỳ nghèo đói ngày nào trở nên no ấm, nhờ những “phép màu” là các công trình thủy lợi, các mô hình nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp, lợn hướng nạc... Còn nhớ những ngày đầu triển khai các dự án kể trên mọi thứ đều lạ lẫm, có người chưa hẳn đã tin. Nhưng bây giờ sau hiệu quả thiết thực của các chương trình, dự án đã thuyết phục hoàn toàn được bà con. Có cụ già còn nói cứ nghe bộ đội là đúng lý hết thôi mà!
Hiện nay, đến bất cứ đâu trong số các xã mà Ðoàn 379 phụ trách, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy tận mắt những kết quả mà Ðoàn đã nỗ lực hoàn thành trong 19 năm qua. Từ xã vùng ngoài như Si Pa Phìn, đến những xã đi cả ngày đường mới tới như: Sín Thầu, Chung Chải, Mường Nhé (huyện Mường Nhé)… các công trình giao thông, trạm xá, lớp học, mương máng thủy lợi, trạm thu phát truyền hình, nhà tình nghĩa... đã và đang được xây dựng là minh chứng sinh động về sự quan tâm của Ðảng, Chính phủ, Quân đội và các cấp, các ngành đối với đồng bào các dân tộc nơi đây. Ðược biết dự án tổng thể Mường Chà có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đến nay đã sang năm thứ 19 triển khai thực hiện. Tuy thế, chỉ giá trị đầu tư và thời gian thực hiện không thôi thì chưa đủ nói lên điều gì khả dĩ. Vấn đề quan trọng nhất, có sức thuyết phục lớn nhất đối với nhân dân trong vùng, đó là chất lượng các công trình xây dựng mà Ðoàn 379 với tư cách “bên B”.
Ông Khoàng Văn Hòa, Trưởng bản Nà Cang, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Bản tôi có hơn 20 ha ruộng chỉ cấy lúa một vụ, từ khi được Ðoàn 379 đầu tư xây dựng mương dẫn nước dài gần 3 km phục vụ tưới tiêu, chúng tôi cấy được hai vụ ăn chắc; đồng thời, có cả nước phục vụ cho sinh hoạt, đào ao thả cá… cuộc sống của dân bản đã khá dần lên nhờ có nhiều chính sách đầu tư của Ðảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Ðoàn 379 (Quân khu 2).
Thượng tá Nguyễn Văn Huấn, Chính ủy Ðoàn 379 trao đổi: “Chúng tôi xác định, việc Ðảng, Nhà nước, Quân đội tin cậy giao kinh phí cho mình cũng có nghĩa giao cho Ðoàn cả một sứ mệnh chính trị thiêng liêng. Ðể hoàn thành sứ mệnh chính trị ấy, đòi hỏi Ðoàn phải xây dựng thật tốt các công trình. Muốn vậy, điều tất yếu là phải sử dụng đúng và sử dụng hết nguồn vốn được cấp cho từng dự án, từng hạng mục. Người dân ở đây quen lối tư duy trực giác, cứ thấy làm đẹp, làm tốt, thì không cần phải nói nhiều, khắc thuyết phục được họ, khắc xây dựng được niềm tin trong họ.
Qua làm việc với chính quyền các xã Mường Toong và Mường Nhé (huyện Mường Nhé), chúng tôi được biết đã có những cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn hy sinh khi làm nhiệm vụ. Không chỉ góp mồ hôi, công sức họ đã góp cả mạng sống của mình vì vùng biên cương yêu dấu. Nhiều cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện từ Sín Thầu (Mường Nhé), đến quê Nà Hỳ (Nậm Pồ), Si Pa Phìn (Mường Chà)… tâm sự: “Các bác, các chú ở miền xuôi lên đây chịu nhiều thiếu thốn, vất vả. Vậy thì chúng cháu phải luôn luôn nỗ lực vì chính quê hương mình và chính gia đình mình”...
Với bản chất Bộ đội Cụ Hồ, vận động nhân dân theo phương châm mưa dầm thấm lâu, người dân dần hiểu và thực hiện theo cách bộ đội làm. Bắt đầu từ việc dọn vệ sinh làng bản, phát quang bụi rậm, khơi thông rãnh nước, sửa lại con đường vào bản, đến việc bộ đội vận động đồng bào tiến hành phục hóa ruộng nương và tập cuốc, tập cày làm ruộng nước. Một gia đình, hai gia đình và rồi cả bản nghe theo lời bộ đội mạnh dạn đổi mới canh tác, áp dụng khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi phát triển kinh tế. Giờ thì nhiều hộ gia đình có của ăn của để, những hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
Già bản Giàng A Vàng, bản Nậm Pố, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé cho biết: Từ khi có Bộ đội Ðoàn 379 giúp đỡ, bà con dân bản nhiều người biết làm ăn khá, rồi bộ đội cấp cây giống dạy cách trồng, cấp giống con vật nuôi, dạy cách phòng, chống, điều trị bệnh, dạy bà con làm chuồng chăn nuôi xa nhà ở khỏi ô nhiễm, phòng, chống các dịch bệnh giữ gìn sức khỏe…
Bằng những việc làm cụ thể, biết tranh thủ những người có uy tín, những người đứng đầu dòng họ, nên các Ðội công tác của Ðoàn 379 đã dành trọn được niềm tin của bà con dân bản. Bên bếp lửa với bát rượu hâm nóng tỏa men thơm, già bản Giàng A Vàng nói một cách cởi mở và vô cùng thấm thía: “Chúng ta nhận thấy cái sai rồi! Trên đời này không thể có chuyện chỉ chắp tay cầu nguyện mà khỏi bệnh, mà no đủ được. Từ ngày các cán bộ vào, mọi thứ ở bản đã thay đổi hẳn”.
Một thách thức rất lớn mà cán bộ, chiến sĩ Ðoàn 379 phải đối mặt đó là, tình hình lợi dụng tự do tín ngưỡng trên địa bàn. Mấy năm gần đây, cùng với chính sách đúng đắn trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn, công tác dân vận được Ðoàn 379 xác định là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Với phương châm “bốn cùng, năm có”, công tác dân vận được triển khai tích cực, đồng bộ và có những bước phát triển toàn diện. Cấp ủy các cấp đã đề ra nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận; vận dụng linh hoạt các hình thức hoạt động nhằm xây dựng hệ thống chính trị địa phương không ngừng vững mạnh, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn cụ thể.
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Ðoàn trưởng Ðoàn 379 chia sẻ: Thời gian tới, Ðoàn 379 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị ổn định, chăm lo giúp đỡ các đối tượng chính sách, các hộ nghèo nằm trong vùng dự án, tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật canh tác giống cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, với mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, để người dân an cư lạc nghiệp giữ đất, giữ rừng, góp phần xây dựng vùng biên giới Tổ quốc giàu về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng - an ninh.